Liz Derr, người đứng đầu công ty phân tích ảnh vệ tinh Simularity có trụ sở tại Mỹ, nhận định hàng trăm tàu cá Trung Quốc xả thải trực tiếp xuống Biển Đông, gây ra sự bùng nổ của tảo, làm hư hại các rạn san hô và đe dọa các loài cá sống trong khu vực.
Hiện tượng này được theo dõi bằng ảnh vệ tinh được chụp trong 5 năm qua tại cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi hàng trăm tàu cá Trung Quốc neo đậu trái phép theo từng dãy. Derr cho biết ít nhất 236 tàu Trung Quốc ngày 17/6 neo đậu tại khu vực này.
"Khi những con tàu này không di chuyển, chất thải sẽ chồng chất lên nhau. Hàng trăm tàu Trung Quốc neo đậu ở Trường Sa đang xả thải trực tiếp lên các rạn san hô nơi chúng neo đậu", Derr nói. "Đây là thảm họa nghiêm trọng và đã gần tới điểm không thể cứu vãn".
Derr cảnh báo các đàn cá, gồm cá ngừ di cư, vốn sinh sản trong các rạn san hô, đang bị đe dọa bởi chất thải từ tàu Trung Quốc. Điều này có thể làm suy giảm đáng kể trữ lượng cá tại một số khu vực xa bờ, vốn là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng trong khu vực.
Tàu cá Trung Quốc neo đậu trái phép tại bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 3. Ảnh: AP.
Giới chức Trung Quốc chưa bình luận về đánh giá của Derr với thiệt hại môi trường do tàu cá nước này gây ra trong khu vực. Trung Quốc từng tuyên bố "đã thực hiện hành động bảo vệ nguồn hải sản và môi trường ở Biển Đông".
Eduardo Menez, trợ lý Ngoại trưởng Philippines, cho biết giới chức nước này sẽ đánh giá và xác nhận phát hiện của Derr trước khi quyết định có trao công hàm phản đối Trung Quốc hay không. Philippines là bên nêu yêu sách chủ quyền với cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Giới chức Philippines hồi tháng 3 thông báo phát hiện hơn 200 tàu cá Trung Quốc neo đậu tại bãi Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Philippines cáo buộc các tàu cá này do dân quân biển Trung Quốc điều khiển và yêu cầu chúng rút khỏi khu vực. Trung Quốc biện hộ rằng số tàu trên là tàu cá, neo đậu trong khu vực để tránh thời tiết xấu, dù thời tiết ở khu vực khi đó thuận lợi cho đánh bắt.
Khu vực Biển Đông. Đồ họa: CSIS.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình và đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC)", bà Hằng nói.