Giữa làn sóng Covid-19 thứ tư, TP.HCM ngày 24/7 tiếp nhận 1.499.960 liều vaccine Moderna do Mỹ viện trợ thông qua cơ chế chia sẻ vaccine COVAX. Cũng trong đợt này, 1.500.100 liều vaccine Moderna do Mỹ tài trợ được chuyển đến Hà Nội vào chiều tối 25/7.
Tổng cộng tại hai địa điểm, Việt Nam tiếp nhận thêm 3.000.060 liều vaccine Moderna viện trợ từ Mỹ.
Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Marie Damour cho biết loại vaccine nào, viện trợ cho mỗi quốc gia bao nhiêu phụ thuộc vào các yếu tố hậu cần.
"Chính phủ Mỹ sẽ quyết định loại vaccine và số lượng vaccine cụ thể cho mỗi quốc gia một khi chúng tôi thống nhất được với nước tiếp nhận về tất cả thông số hậu cần, cũng như tình hình thực tiễn của nước đó", Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM nói trong cuộc phỏng vấn trực tuyến với Zing ngày 27/7.
Hơn 1,5 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ viện trợ về đến Hà Nội vào chiều tối ngày 25/7. Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam. |
Các yếu tố cân nhắc khi viện trợ vaccine
Sau khi về TP.HCM, gần 1,5 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ viện trợ đang được bảo quản tại nhà kho của công ty cổ phần Dược Mỹ Phẩm May.
“Tôi chưa từng được nhìn tận mắt những lọ vaccine này trước đây. Vì vậy khi đến kho hôm qua (26/7), tôi đã rất xúc động khi thấy 1,5 triệu liều vaccine. Thật tuyệt vời khi được chứng kiến một minh chứng cụ thể về quan hệ đối tác của Mỹ tại Việt Nam”, Tổng lãnh sự Mỹ nói.
Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Marie Damour (phải) thăm kho bảo quản vaccine Moderna ngày 26/7. Ảnh: Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM. |
Theo Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, công tác hậu cần cho các khoản viện trợ vaccine rất phức tạp, bao gồm vận chuyển và đánh giá điều kiện bảo quản, tiếp nhận của từng quốc gia.
Chính phủ Mỹ đang cố gắng chuyển giao vaccine nhanh nhất có thể, trong khi vẫn tuân thủ quy định của hệ thống quản lý và pháp lý Mỹ cũng như nước sở tại.
“Do mỗi loại vaccine đều có điều kiện bảo quản, vận chuyển khác nhau, chúng tôi cũng phải chắc chắn rằng vaccine còn sử dụng được khi đến tay nước tiếp nhận”, bà Damour nói.
Washington đang làm việc với các bên nhận viện trợ, đánh giá nhu cầu và khả năng của mỗi quốc gia, cũng như hợp tác chặt chẽ với COVAX để xác định cụ thể gửi loại vaccine nào tới đâu.
Vấn đề cần cân nhắc ở đây là nhu cầu của từng quốc gia, và tình hình giao thông vận tải trên thực tế. Ngoài ra, một số khoản viện trợ vaccine cũng phụ thuộc vào việc bên nhận có cấp phép tiêm vaccine được viện trợ hay không, kế hoạch tiêm chủng của nước đó là gì, và một số yếu tố thực tiễn khác.
Cả quá trình này nhằm đảm bảo chuyển giao vaccine một cách an toàn, nhưng vấn đề là cũng cần có thời gian để thực hiện, bà Damour cho biết.
Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM nêu rõ Mỹ viện trợ Việt Nam số vaccine nói trên không đi kèm bất cứ điều kiện nào.
|
“Chúng tôi không có ý định sử dụng vaccine để đổi lấy sự ủng hộ hay nhượng bộ. Mỹ viện trợ vaccine với một mục đích duy nhất là ngăn chặn Covid-19, cứu sống mọi người và chấm dứt đại dịch, cho dù là ở Việt Nam hay bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”, tổng lãnh sự Mỹ nói.
Theo bà Damour, Mỹ cũng không yêu cầu Việt Nam phải ưu tiên số vaccine viện trợ này cho công dân Mỹ tại Việt Nam được tiêm trước.
Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM hy vọng người Mỹ ở Việt Nam sẽ được ưu tiên dựa trên danh sách các nhóm có nguy cơ cao mà chính phủ Việt Nam quy định, và được đối xử công bằng giống như những công dân Việt Nam khác.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 24/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam không phân biệt đối xử giữa người Việt và người nước ngoài trong tiêm chủng vaccine Covid-19.
“Công dân nước ngoài sẽ được tạo điều kiện để tiêm chủng khi Việt Nam tiếp nhận thêm vaccine phòng Covid-19, tiến tới tạo miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh", bà Hằng thông tin.
"Hy vọng vaccine được phân phối công bằng, minh bạch"
Lô vaccine nói trên nằm trong số 80 triệu liều mà Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trên toàn cầu. Tính đến nay, Mỹ đã viện trợ Việt Nam hơn 5 triệu liều vaccine Moderna, trong tổng số 23 triệu liều dành cho 20 nước/vùng lãnh thổ châu Á.
“Đây là biểu tượng cho cam kết của chúng tôi trong việc cùng nhau cung cấp vaccine an toàn, hiệu quả cho càng nhiều người trên thế giới càng tốt”, bà Damour nhấn mạnh.
Hơn 3 triệu liều vaccine Moderna về tới Việt Nam vào thời điểm làn sóng dịch Covid-19 thứ tư đang bùng phát tại nhiều tỉnh thành, với TP.HCM là tâm dịch lớn nhất cả nước.
Tổng lãnh sự Damour (thứ hai từ phải sang) trò chuyện với nhân viên tại kho bảo quản vaccine ở TP.HCM chiều 26/7. Ảnh: Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM. |
Sinh sống và làm việc tại TP.HCM trong vài năm qua, tổng lãnh sự Mỹ “đau lòng” khi chứng kiến tác động của Covid-19 đối nền kinh tế Việt Nam nói chung, và với cuộc sống của từng cá nhân nói riêng. “Nhưng tôi cũng rất, rất ấn tượng về tính kỷ luật của người dân TP.HCM. Họ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để đảm bảo cả cộng đồng được an toàn và khỏe mạnh”, bà Damour nói.
Thông qua đợt viện trợ vaccine lần này, Mỹ muốn gửi đi thông điệp mong muốn trở thành bạn và đối tác tốt của Việt Nam.
“Chúng tôi muốn có mặt tại Việt Nam vào thời điểm cần thiết”, bà Damour nói.
Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM nhắc lại việc nhiều tổ chức chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân ở Việt Nam quyên góp thiết bị bảo hộ y tế cho Mỹ vào năm 2020, khi nước này bùng phát Covid-19.
|
Khoản ủng hộ này bao gồm hàng triệu khẩu trang y tế, đồ bảo hộ, tất chống trơn trượt… với tổng giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng.
“Những khoản quyên góp đó đã cứu sống được nhiều mạng người, và chúng tôi không quên tình hữu nghị mà Việt Nam đã thể hiện với chúng tôi”, Tổng lãnh sự Damour nói.
Tại buổi phỏng vấn ngày 27/7 với bà Damour, Zing nêu vấn đề về việc hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam tìm cách có được nguồn cung vaccine từ chính phủ - vốn là tài nguyên phúc lợi xã hội và phải được phân bổ dựa trên danh sách ưu tiên theo quy định - để tiêm cho nhân viên của họ trước.
Bình luận về vấn đề này, tổng lãnh sự Mỹ cho rằng mỗi chính phủ đều cần phải xác định cách tốt nhất để bảo vệ người dân của mình, trong đó quan trọng là tập trung vào các khu vực đông dân cư và nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã đưa ra khuyến nghị về những nhóm ưu tiên này.
Tuy nhiên, bà Damour cũng thông cảm với các doanh nghiệp khi muốn tiêm vaccine cho nhân viên và dù vaccine đến tay người dân theo cách nào, Mỹ cũng sẽ "cố gắng viện trợ nhiều nhất có thể".
"Hy vọng vaccine sẽ được phân phối công bằng, minh bạch, bao gồm các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao nhất", bà nói.
Theo Tổng lãnh sự Mỹ, với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam sẽ cần một khoảng thời gian để triển khai chương trình tiêm chủng. “Nhưng dựa trên kinh nghiệm và những gì chúng tôi chứng kiến cho tới nay, một khi Việt Nam có được vaccine, cả hệ thống y tế, bao gồm cả chính phủ và tư nhân, sẽ triển khai tiêm chủng cho người dân nhanh nhất có thể”.
Vaccine Moderna do Mỹ viện trợ Việt Nam được bảo quản tại kho ở TP.HCM. Ảnh: Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM. |
Ngày 10/6, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ viện trợ 500 triệu liều vaccine Pfizer cho 92 quốc gia và nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình. Đây là khoản viện trợ mới, ngoài khoản 80 triệu liều vaccine đã được công bố trước đó, theo Reuters.
Tổng lãnh sự Mỹ cho biết Việt Nam cũng nằm trong danh sách 92 quốc gia nhận viện trợ đợt mới này.
Dự kiến 500 triệu liều vaccine sẽ được gửi đi dần từ tháng 8 tới. Tính đến cuối năm nay, khoảng 200 triệu liều sẽ được chuyển giao. Và 300 triệu liều còn lại sẽ được phân phối đến bên nhận vào nửa đầu năm 2022.
“Một khi xác định được tình hình cụ thể, chắc chắn chúng tôi sẽ phối hợp với các đối tác tại Việt Nam”, bà Damour khẳng định.
Theo thông tin từ Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, kể từ đầu đại dịch cho tới nay, nước này đã hỗ trợ Việt Nam khoảng 20 triệu USDdưới nhiều hình thức, trong đó có dụng cụ xét nghiệm, máy thở và các thiết bị y tế khác. Ngoài ra, Mỹ cũng hỗ trợ đào tạo đội ngũ y tế, và sắp tới sẽ tặng một số tủ làm lạnh sâu để bảo quản vaccine.
Các cơ quan đại diện chính phủ Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với phía Việt Nam để thảo luận về hình thức hỗ trợ ngăn chặn Covid-19 trong thời gian tới.
“Chúng tôi đang tích cực làm việc với các bên liên quan tại Việt Nam, cho dù đó là Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, hay Bộ Quốc phòng, để xác định chính xác những gì Việt Nam cần nhất, và chúng tôi có thể giúp đỡ như thế nào", bà Damour cho biết.