Chiều 3/3, trả lời PV VTC News, ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi Sở ban hành văn bản, hiện có 3 trong số 6 bác sĩ liên hệ xin quay về công tác, vì họ đã nắm được thông tin và hiểu rõ vấn đề.
Ông Chín cho rằng văn bản Sở Y tế ban hành chỉ là văn bản khuyến nghị, để 6 bác sĩ hiểu đúng về quy định của pháp luật. Kinh phí mà 6 bác sĩ đi học là tiền ngân sách. Vì vậy, khi các bác sĩ được trả kinh phí để được đào tạo nhưng rồi lại không phục vụ như thỏa thuận ban đầu thì phải đền bù đúng quy định, phải trả lại tiền hỗ trợ cho yên lòng dân.
Ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương.
"Đó là tinh thần của Sở chứ không có ý cấm cửa hay gì khắt khe hơn cả", ông Chín nói.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng cho biết, sáng nay Sở đã chỉ đạo các phòng chức năng mời 6 bác sĩ về đơn vị cũ để thống nhất hướng giải quyết về chi phí đền bù để, từ đó Sở Y tế có hướng giải quyết.
Quan điểm của Sở Y tế vẫn tạo điều kiện hỗ trợ cho 6 bác sĩ về mặt pháp lý cũng như định hướng, tư vấn nội dung để thực hiện đúng.
"Chỉ cần họ đền bù lại số tiền trong khoảng thời gian đã học tập, đào tạo thì không vấn đề gì. Các bác sĩ này phải thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình đối với nhân dân, với người bệnh và đối với địa phương. Sau khi họ đền bù số tiền ngân sách để chúng tôi thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ thì họ có thể tự do tìm kiếm nơi làm mới chứ không vấn đề gì cả", ông Chín cho hay.
Cũng theo ông Chín, 6 bác sĩ nói trên là viên chức, nếu tự ý bỏ cơ quan sẽ bị kỷ luật theo Luật Viên chức, theo hướng dẫn của Nghị định 27. Khi kỷ luật, buộc thôi việc, có thể các bác sĩ này không được phép hành nghề, dù không có quyết định thu hồi nhưng không được phép hành nghề trong 12 tháng. Khi bị vi phạm, đơn vị khác nhận vào cũng khó có thể ký hợp đồng... Vì vậy, việc tự ý nghỉ việc sẽ gây thiệt hại cho bản thân.
Trước đó, chiều 2/3, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có văn bản số 560/SYT-VP đề nghị các cơ sở y tế trong và ngoài công lập không tiếp nhận, hợp đồng, tuyển dụng, đào tạo đối với 6 bác sĩ vi phạm cam kết với tỉnh Bình Dương.
Các bác sĩ này thuộc diện được cử đi đào tạo, được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí hàng tháng. Các bác sĩ cam kết về địa phương phục vụ gấp đôi thời gian đào tạo.
Tuy nhiên, khi làm việc chưa đủ thời gian cam kết, các bác sĩ đã tự ý nghỉ việc. Khi tự ý nghỉ việc phải bồi hoàn chi phí đào tạo cho tỉnh Bình Dương nhưng các bác sĩ vẫn chưa thực hiện. Nhiều bác sĩ nhận 400 - 420 triệu đồng tiền thu hút nhân lực của tỉnh Bình Dương và cam kết phục vụ nhưng tự ý nghỉ việc khi chưa đủ thời gian cam kết, chưa hoàn trả số tiền đã nhận.
6 bác sĩ có tên trong danh sách, gồm: Bác sỹ T.T.T. - Khoa Nội tim mạch; bác sĩ T.Đ.G. - Khoa Thần kinh Ung bướu; bác sĩ N.H.T. - Khoa Nội tim mạch; bác sĩ N.T.G. - Khoa Nội tổng hợp; bác sĩ N.T.T.S. - Khoa Nhi (cùng công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương) và bác sĩ N.M.T. - Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng (Bình Dương).
Theo VTC News