Nguy cơ khi Nga đình chỉ hiệp ước hạt nhân với Mỹ

Thứ tư, 22/02/2023, 14:10
Động thái đình chỉ New START, hiệp ước kiểm soát hạt nhân cuối cùng giữa Nga và Mỹ, có nguy cơ gia tăng chạy đua vũ trang và rủi ro hạt nhân với thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình dự luật đình chỉ tham gia hiệp ước New START lên Hạ viện Nga để cơ quan này xem xét trong phiên họp hôm nay. Nếu được Hạ viện thông qua, dự luật sẽ tiếp tục được trình lên Thượng viện phê chuẩn, trước khi chính thức có hiệu lực.

Nếu New START bị đình chỉ, Nga và Mỹ, hai cường quốc sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới, sẽ không còn bất cứ khuôn khổ pháp lý ổn định và có thể dự đoán nào để kiểm soát năng lực hạt nhân của nhau. Điều đó có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới, song song với chiến sự Ukraine, theo bình luận viên Mark Trevelyan của Reuters.

Ông Putin đến hội trường Gostiny Dvor gần Điện Kremlin để đọc Thông điệp Liên bang, ngày 21/2. Ảnh: Sputnik.

Ông Putin đến hội trường Gostiny Dvor gần Điện Kremlin để đọc Thông điệp Liên bang, ngày 21/2. Ảnh: Sputnik.

Động thái này cũng sẽ xóa bỏ những thành quả cuối cùng mà các hiệp ước hạt nhân giữa Nga và Mỹ đem lại trong hơn 5 thập kỷ. Trước đó, Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) đã sụp đổ khi Mỹ dưới thời Donald Trump đơn phương từ bỏ, biến New START thành công cụ duy nhất giúp hai bên kiểm soát vũ khí hạt nhân của nhau.

Hiệp ước New START được ký kết tại Praha, Cộng hòa Czech năm 2010, có hiệu lực năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

Hiệp ước cho phép mỗi nước triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Hiệp ước cũng giới hạn số lượng tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và tàu ngầm, cũng như oanh tạc cơ mang bom và tên lửa hành trình hạt nhân của mỗi nước. Hai bên nhất trí sẽ tiến hành các cuộc thanh sát để đảm bảo đối phương tuân thủ thỏa thuận.

Triển vọng duy trì thỏa thuận này đã trở nên u ám sau khi ông Putin thông báo đình chỉ tham gia trong Thông điệp Liên bang ngày 21/2.

Tuy nhiên, ông Putin dường như muốn chừa lại một đường lùi, khi tuyên bố Nga "đình chỉ" tham gia New START, thay vì "rút khỏi" thỏa thuận. Ông cho hay Nga "sẽ nối lại thảo luận một khi vũ khí hạt nhân của Pháp và Anh cũng được đưa vào" thỏa thuận kiểm soát hạt nhân.

Giới phân tích cho biết điều kiện này không khả thi, bởi New START không có điều khoản nào về "đình chỉ tham gia", chỉ có lựa chọn rút khỏi thỏa thuận. Mỹ cũng đã phản đối đưa Pháp, Anh vào hiệp ước và yêu cầu của Nga sẽ buộc các bên phải viết lại toàn bộ New START.

William Alberque, giám đốc chiến lược, công nghệ và kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nhận định Nga đang truyền đi thông điệp rằng Moskva hoàn toàn "không cần đến New START", đồng thời tìm cách đổ lỗi cho Mỹ trong sự việc.

"Nga đã tính toán rằng New START trước sau gì cũng sẽ chết, nhưng họ muốn Mỹ hứng chịu tổn thất nhiều hơn với động thái này", Alberque nhận định.

Theo ông, New START giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân trên mỗi tên lửa mà hai bên có thể triển khai. Bởi vậy, khi New START bị vô hiệu hóa, hai bên có thể lập tức tăng số đầu đạn được triển khai lên nhiều lần.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat của Nga rời giếng phóng tại sân bay vũ trụ Plesetsk, Nga, hồi tháng 4. Ảnh: BQP Nga.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat của Nga rời giếng phóng tại sân bay vũ trụ Plesetsk, Nga, hồi tháng 4. Ảnh: BQP Nga.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Moskva và Washington đang sở hữu 90% số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới. Nga có 5.977 đầu đạn vào thời điểm đầu năm 2022, trong đó hơn 1.600 có thể sẵn sàng được sử dụng. Mỹ biên chế 5.428 đầu đạn, với 1.750 chiếc sẵn sàng chiến đấu theo ràng buộc của New START.

"Cả Nga và Mỹ đều có thể lập tức tăng số đầu đạn được triển khai lên 4.000 chỉ trong một đêm", Alberque nói.

Kịch bản này có thể gây ra tình trạng bất ổn lớn, bởi nó đặt các bên vào tình thế "khai hỏa hay là chết", khi đối phương coi những địa điểm tập trung nhiều đầu đạn hạt nhân là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Putin cáo buộc Mỹ hành xử "kỳ lạ" khi yêu cầu thanh sát các cơ sở hạt nhân của Nga theo hiệp ước, trong khi NATO đang "giúp đỡ Ukraine tìm cách tấn công những cơ sở này".

Giới quan sát cho rằng ông Putin dường như đang đề cập đến cuộc tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) nhắm vào sân bay Engels gần Saratov, cách Moskva khoảng 730km về phía Đông Nam, hồi tháng 12/2022. Sân bay này là căn cứ máy bay ném bom chiến lược có thể mang vũ khí hạt nhân của Nga.

Ukraine không nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng Nga cáo buộc Kiev đã thực hiện đòn tập kích với sự hỗ trợ của NATO. Ông Putin cho rằng các chuyên gia NATO đã "trang bị và hiện đại hóa" UAV để Ukraine tiến hành vụ tập kích sân bay Engels, song không đưa ra bằng chứng.

Các chuyên gia phân tích an ninh cho rằng nếu New START bị vô hiệu hóa, nó sẽ làm phức tạp thêm các tính toán vốn là nền tảng răn đe lẫn nhau của hai cường quốc.

Theo James Cameron, chuyên gia tại Dự án Nghiên cứu Hạt nhân Oslo, khi không còn công cụ thanh sát được quy định trong New START, Mỹ và Nga sẽ phải quay lại với cách thức "phỏng đoán năng lực và ý định đối phương" thời Chiến tranh Lạnh.

"Hai bên khi đó sẽ hành động dựa trên giả định về kịch bản xấu nhất, tăng cường các hệ thống và kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân phức tạp hơn", Cameron cảnh báo. "Điều đó cuối cùng lại khiến tình hình bất ổn hơn, làm tăng nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân".

Oanh tạc cơ B-1B mang được vũ khí hạt nhân của Mỹ trong nhiệm vụ bay qua bán đảo Triều Tiên tháng 7/2017. Ảnh: USAF.

Oanh tạc cơ chiến lược B-1B Mỹ trong nhiệm vụ bay qua bán đảo Triều Tiên tháng 7/2017. Ảnh: USAF.

Ông Putin cũng tuyên bố Nga "cần phải sẵn sàng tiến hành các vụ thử hạt nhân" sau thời gian dài gián đoạn, dù khẳng định không thực hiện điều này "trừ khi Mỹ làm vậy trước".

Nếu tình huống này xảy ra, đó sẽ là lần đầu tiên Moskva thử vũ khí hạt nhân kể từ năm 1990, một năm trước khi Liên Xô tan rã. Mỹ cũng đã dừng thử hạt nhân từ năm 1992. Chuyên gia Alberque lưu ý rằng trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô từng dùng các vụ thử hạt nhân "để phát tín hiệu tới nhau rằng họ đang tức giận".

Ông Cameron cho rằng bất kỳ vụ thử hạt nhân mới nào của Nga cũng sẽ là một dấu hiệu về nấc leo thang mới trong xung đột Ukraine, cho thấy "vũ khí hạt nhân có thể sẵn sàng được sử dụng".

Trong gần một năm chiến sự, Tổng thống Putin đã nhiều lần nhắc nhở phương Tây rằng Nga đang sở hữu vũ khí hủy diệt và đã tuyên bố đặt 4 tỉnh Ukraine mà Điện Kremlin tuyên bố sáp nhập vào "ô hạt nhân".

Trường hợp New START sụp đổ hoặc không được gia hạn trước tháng 2/2026, nó cũng sẽ gửi tín hiệu đáng báo động đến các cường quốc hạt nhân, có thể châm ngòi một cuộc chạy đua nguy hiểm, thúc đẩy các nước đã sở hữu đầu đạn hạt nhân tăng cường kho vũ khí hủy diệt của mình.

Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ từng không muốn gia hạn New START vì cho rằng hiệp ước không liệt kê đầy đủ các loại vũ khí hạt nhân của Nga, đồng thời muốn đưa Trung Quốc vào khuôn khổ kiểm soát vũ khí rộng hơn. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ hoàn toàn ý tưởng tham gia một hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Moskva và Washington.

"Kịch bản này sẽ gửi thông điệp gì đến Ấn Độ và Pakistan, những cường quốc tầm trung đã sở hữu vũ khí hạt nhân? Trung Quốc sẽ có động thái gì", chuyên gia Alberque đặt câu hỏi. "Viễn cảnh đó có thể nguy hiểm hơn nhiều so với Chiến tranh Lạnh, bởi có nhiều bên cùng chạy đua sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân hơn, ảnh hưởng rất xấu tới an ninh toàn cầu".

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích
  • Chương trình đầu tư EB5 mới nhất