Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và một số Bộ, ngành, chuyên gia hôm 22/2, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết chương trình tổng thể quốc gia phát triển văn hóa đang được gấp rút xây dựng để thúc đẩy sức mạnh nội sinh, đóng góp vào sự phát triển bền vững đất nước.
Một trong những giải pháp để chấn hưng, phát triển văn hóa là xây dựng môi trường lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ, giáo dục đạo đức, lối sống của người dân; bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống, đặc sắc các vùng miền, dân tộc.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế sẽ được ưu tiên; chương trình văn hóa, nghệ thuật có giá trị cao được quảng bá. Chương trình cũng ưu tiên phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, nguồn lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học lĩnh vực văn hóa; ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nói về Chương trình tổng thể quốc gia phát triển văn hóa, ngày 22/2. Ảnh: Minh Khôi
GS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học quốc gia Hà Nội) đề nghị làm rõ hơn mục tiêu cụ thể của chương trình. Các nút thắt chính phải được giải quyết để mở đường, tạo đột phá trong phát triển văn hóa. Khi xây dựng các quy hoạch, chính sách phát triển và bố trí nguồn lực, văn hóa cần đặt ngang kinh tế; đẩy nhanh công nghiệp văn hóa, sáng tạo, trở thành xung lực phát triển đất nước.
"Phải có cơ chế riêng tháo gỡ vướng mắc hiện nay thì mới thực hiện được mục tiêu sản phẩm văn hóa có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật", nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát góp ý.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Văn hóa, Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), đề xuất chú trọng đến hệ giá trị con người Việt Nam, xây dựng văn hóa trong xã hội số, văn hóa ứng xử.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá góp ý xây dựng Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hoá Việt Nam giai đoạn 2023-2030, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh: Minh Khôi |
Ghi nhận nỗ lực của Văn hóa Thể thao Du lịch và các bộ, ngành đã chuẩn bị nội dung Chương trình tổng thể trong suốt một năm qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh "bảo đảm văn hóa phát triển cân đối, hài hòa với chính trị, kinh tế, xã hội".
Nhắc lại câu nói "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, nghiên cứu cơ bản về văn hóa phải đi trước, làm cơ sở nâng cao nhận thức về văn hóa trong mọi lĩnh vực, mọi giai tầng của xã hội; trả lời câu hỏi về vai trò của văn hóa như thế nào để đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng.
Ông nhấn mạnh, xây dựng Chương trình tổng thể quốc gia phát triển văn hóa là cấp bách. Phát triển văn hóa phải gắn với con người, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, văn hóa vật thể, phi vật thể, giữ gìn bản sắc văn hóa trong từng cộng đồng, làng xã; thúc đẩy yếu tố văn hóa trong mọi lĩnh vực, hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, đào tạo.
"Cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn để phát triển văn hóa, nghệ thuật, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu định hướng tư tưởng, chính trị trong tình hình mới", ông Hà nói.