Ba phương án vừa được UBND thành phố gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, liên quan tình hình triển khai tuyến Vành đai 4 theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tuyến đường dài gần 200km, đi qua TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Mỗi địa phương sẽ chủ trì thực hiện đoạn đi qua địa bàn. Tại TP.HCM, đoạn Vành đai 4 dài khoảng 17km, qua huyện Củ Chi, Nhà Bè, với điểm đầu tại cầu Phú Thuận (thị xã Bến Cát, Bình Dương); điểm cuối ở cầu Thầy Cai (huyện Đức Hoà, Long An).
Hướng tuyến của Vành đai 4. Đồ họa: Khánh Hoàng
Theo đó, phương án một, tuyến gần như đi trùng quy hoạch, dài hơn 17km, phạm vi giải toả gần 155ha. Theo cách này, tổng mức đầu tư dự án gần 17.800 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 10.600 tỷ, còn lại là xây lắp.
Phương án hai, phần đầu tuyến dài khoảng 9,7km sẽ nắn chỉnh về phía Nam, tránh đường Bàu Lách và Nguyễn Thị Rành. Gần 4km tiếp theo cũng nắn lại để tránh đường Trung Viết, Cao Thị Bèo. Theo cách này, dự án giảm kinh phí đầu tư còn khoảng 13.800 tỷ đồng, trong đó tiền giải phóng mặt bằng hơn 6.900 tỷ.
Phương án còn lại, tuyến được nắn chỉnh khoảng 14,1km về phía Nam để tránh các đường hiện hữu, tổng kinh phí khoảng 13.600 tỷ đồng. Trong đó, phần bồi thường chiếm gần 6.700 tỷ. Cách này được Sở Giao thông Vận tải thành phố đánh giá khả thi hơn khi tuyến đi thẳng, ngắn, chi phí đầu tư thấp hơn các hướng còn lại. Phương án này cũng hạn chế ảnh hướng người dân, vì chỉ di dời khoảng 481 căn nhà, công trình; trong khi phương án một cần giải toả 1.150 trường hợp, phương án hai khoảng 486.
Theo kế hoạch được các địa phương tuyến Vành đai 4 đi qua thống nhất, trong năm nay dự án sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và khởi công vào quý 4 năm sau. Dự kiến, công trình cơ bản hoàn thành năm 2027, khai thác một năm sau đó.
Giai đoạn một, Vành đai 4 sẽ giải phóng mặt bằng toàn bộ theo thiết kế, rộng khoảng 74,5m nhưng chỉ làm trước 4 làn xe cùng đường song hành hai bên. Dự án mang vai trò liên kết vùng, tạo mạng lưới giao thông liền mạch nối qua các cao tốc, quốc lộ, sân bay. Đặc biệt, tuyến đường kết nối Khu đô thị cảng Hiệp Phước ở phía Nam Sài Gòn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo VNE