Tại phiên chất vấn chiều 7/6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan về định hướng đổi mới mà Bộ trưởng đã, đang và sẽ thực hiện để đưa nông nghiệp nước nhà đến tầm cao mới.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu, đến khi nào người dân mới có thể hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp, cũng như đến khi nào Việt Nam có thể viết tên mình trên bản đồ nông nghiệp hữu cơ của thế giới.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nền nông nghiệp của Việt Nam mang "3 lời nguyền là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. (Ảnh: Báo Chính phủ)
"Đồng bằng sông Cửu Long mặc dù là nơi đất đai rộng nhưng kiểm đếm lại vẫn là nơi manh mún. Sự manh mún, nhỏ lẻ dẫn tới hệ luỵ rất nhiều.
Một lần nữa chúng tôi khẳng định lại, không tổ chức lại được một ngành hàng chúng ta còn rủi ro, vai trò tổ chức ngành hàng là vai trò của chính quyền địa phương. Ở đây rất nhiều đại biểu Quốc hội là lãnh đạo các địa phương, tôi tha thiết, đây là mệnh lệnh đối với thị trường, hãy bắt buộc chúng ta thay đổi nếu chúng ta không muốn đối mặt với rủi ro", Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chia sẻ, vấn đề khi nào 100 triệu dân Việt Nam được an toàn khi dùng thực phẩm là câu hỏi được lặp lại rất nhiều từ trước đến nay.
Ông Lê Minh Hoan khẳng định, Bộ trưởng không thoái thác trách nhiệm của mình. Ngành nông nghiệp có tính liên ngành rất cao và có tính hệ thống, có tính trên dưới, trong ngoài. Chúng ta đang vận động theo nền kinh tế thị trường chứ không phải mệnh lệnh hành chính.
"Hữu cơ hay không hữu cơ nhưng phải có độ an toàn về vệ sinh thực phẩm, quy trình phải được kiểm chứng của xã hội hay các hệ thống phân phối để đánh giá.
Đáng tiếc đến giờ này chúng ta chưa có một hệ thống để đánh giá. Đó cũng là khuyết điểm của ngành nông nghiệp, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa chuẩn hóa được tất cả những quy trình sản xuất", ông Lê Minh Hoan nói.
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhắc tới điệp khúc "được mùa mất giá" và vấn đề giải cứu nông sản chưa có hồi kết, giá vật tư đầu vào liên tục tăng cao, sản xuất phần lớn còn mang tính tự phát; tiêu thụ còn phụ thuộc và một số thị trường; cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Về nội dung này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, câu chuyện "được mùa mất giá", ông hay dùng từ “lời nguyền”, khi cung vượt cầu, được mùa thì giá xuống đó là một quy luật kinh tế. Vấn đề chúng ta khống chế được quy luật đó.
"Đã dư thừa thì chúng ta biết trữ lại và chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường. Thứ hai, chúng ta chuẩn hóa nông sản để đáp ứng thị trường để thị trường thông suốt, giảm áp lực.
Tôi muốn nói, tiêu chuẩn và quy chuẩn là điều trong thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận khuyết điểm là chúng ta còn dễ dãi trong điều hành để chuẩn hóa mặt hàng nông sản.
Như tôi nói, chúng ta chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa thành công, đối mặt với rủi ro khi không đồng nhất được nguyên liệu của nông sản, không đồng nhất thì không thể xây dựng được thương hiệu", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu.
Nhắc lại câu chuyện "được mùa mất giá", vị Bộ trưởng này nhấn mạnh việc cần tổ chức lại sản xuất, minh bạch số lượng, mùa vụ cho từng loại nông sản và phân bổ trong từng loại thị trường.
"Bộ cũng nhận trách nhiệm trước Thủ tướng, sẽ sớm cùng các cơ quan thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài làm việc này", ông Lê Minh Hoan trả lời tại phiên chất vấn.
Theo VTC News