Bà Nhàn mắc ung thư tuyến giáp dạng tủy, một dạng ung thư tuyến giáp hiếm gặp, nếu không phát hiện, điều trị kịp thời có thể di căn vào các cơ quan khác, dễ dẫn đến tử vong. Sau khi bà phẫu thuật tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, kết quả xét nghiệm máu ghi nhận chỉ số calcitonin tăng. Calcitonin là hormone của tuyến giáp, tham gia vào quá trình điều hòa nồng độ canxi và phospho huyết thanh. Nồng độ này có vai trò quan trọng trong chẩn đoán, đánh giá đáp ứng điều trị và theo dõi tái phát ung thư tuyến giáp thể tủy.
Bác sĩ Lâm Đức Hoàng, Trưởng Khoa Xạ 3, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết theo hướng dẫn điều trị của bệnh viện cũng như thế giới, trường hợp của bà Nhàn cần chụp PET/CT để tầm soát những tổn thương di căn ở cơ quan khác như thận, gan, phổi, xương, tuyến thượng thận... Nếu kết quả chụp không thấy tổn thương di căn nào khác, bệnh nhân chỉ cần xạ trị. Trường hợp phát hiện tổn thương ở vị trí khác, bệnh nhân cần hóa trị kết hợp xạ trị mới hy vọng có hiệu quả.
PET/CT là phương tiện chẩn đoán, theo dõi, điều trị nhiều bệnh lý, đặc biệt là phát hiện sớm ung thư nhờ sử dụng thuốc phóng xạ 18F-FDG. Trong khi các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác thường chỉ áp dụng ở một vùng cơ thể, PET/CT có thể khảo sát toàn thân, giúp chẩn đoán bệnh ở mức độ tế bào, mức độ phân tử và có độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác cao, có khả năng phát hiện tổn thương và bệnh lý ở giai đoạn rất sớm. Đây là loại máy hiện đại nhất, chi phí đầu tư rất cao lên đến hàng triệu USD. Giá một lần chụp dao động khoảng 25-27 triệu đồng.
Vấn đề nan giải là hệ thống PET/CT của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM ngưng hoạt động từ đầu năm nay vì doanh nghiệp cung cấp thuốc phóng xạ 18F-FDG bị gián đoạn sản xuất do vướng các thủ tục giấy tờ. Ba bệnh viện khác tại TP.HCM được trang bị máy này là Chợ Rẫy, Quân y 175, Nhân dân 115. Trong đó, Bệnh viện Nhân dân 115 ngưng vận hành máy từ 4 năm nay vì không tìm được nguồn cung ứng thuốc. Hệ thống máy tại Bệnh viện Quân y 175 cũng gián đoạn hoạt động với lý do tương tự Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Hiện chỉ Bệnh viện Chợ Rẫy còn thuốc phóng xạ để chụp PET/CT nhờ nơi này có hệ thống sản xuất thuốc. Tuy nhiên, do bệnh nhân từ các nơi dồn về trong khi mỗi ngày máy chỉ có thể chụp khoảng 10 ca, chưa kể thỉnh thoảng phải ngưng hoạt động để bảo trì máy nên Chợ Rẫy bị quá tải, không đáp ứng kịp nhu cầu bệnh nhân. Thời gian qua, hầu hết bệnh nhân đến Chợ Rẫy phải đăng ký và chờ khoảng một tháng mới đến lượt.
Trường hợp của bà Nhàn, nếu đợi hơn một tháng thì ung thư có khả năng tái phát cao, gây nguy hiểm. "Bệnh nhân mổ xong nếu calcitonin tăng thì có nguy cơ bướu xâm lấn tại chỗ, cần phải xử trí liền, không để lỡ thời gian vàng", bác sĩ Hoàng nói. Bà Nhàn được bác sĩ chỉ định xạ trị bổ túc, sau đó đánh giá tình trạng sức khỏe để có hướng điều trị tiếp theo. Hiện, bà vừa bước vào quá trình xạ trị, chưa rõ kết quả đáp ứng.
"Tôi rất lo lắng nhưng không có điều kiện đi Hà Nội, Đà Nẵng chụp PET, chỉ còn biết đặt hết niềm tin vào các quyết định của bác sĩ và mong kết quả tốt", bà Nhàn chia sẻ.
Hệ thống chụp PET/CT tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Cũng phó mặc vào may rủi khi không có PET/CT, bà Hà, 49 tuổi, cảm thấy rất mệt mỏi, suy sụp. Các bác sĩ phải giải thích, trấn an, động viên rất nhiều để bà thêm tinh thần, vững tin bước vào quá trình điều trị. Bà mắc ung thư vòm hầu cách đây 4 năm, lần nay chụp CT, siêu âm nghi ngờ tổn thương di căn gan và lách. Bà cần được chụp PET/CT để khẳng định là ung thư di căn từ vòm hầu hay nguyên phát từ lách, để từ đó có chiến lược điều trị phù hợp nhất.
Nếu tổn thương từ vòm hầu di căn thì bác sĩ sẽ hóa trị theo phác đồ ung thư vòm hầu. Ngược lại, nếu tổn thương nguyên phát từ lách thì bà Hà sẽ được hóa trị theo phác đồ của bệnh này. Tình trạng của bà Hà cũng không thể đợi chờ lâu, bác sĩ đành quyết định chọn một trong hai hướng, nghiêng về phương án ung thư vòm hầu di căn. May mắn, sau hai đợt hóa trị cách nhau ba tuần, tình trạng bà Hà đáp ứng tốt.
Theo bác sĩ Hoàng, trong một số trường hợp cần khảo sát những tổn thương nhỏ hơn 0,5cm hoặc những tổn thương di căn âm thầm chưa rõ nguyên phát, máy CT, MRI hay siêu âm không thể đáp ứng mà cần đến PET/CT. Phương tiện chẩn đoán hình ảnh này được khuyến cáo chỉ định trong những trường hợp ung thư lympho, tiêu hóa, đầu cổ, phổi... ở giai đoạn tiến xa để đánh giá giai đoạn trước khi điều trị.
"Chẩn đoán càng chính xác thì chiến lược điều trị càng tốt hơn, hiệu quả cao hơn. Những trường hợp nếu không có sự hỗ trợ của PET/CT, đòi hỏi bác sĩ phải phán đoán tốt hơn nhưng vẫn có tỷ lệ xác suất nhất định", bác sĩ Hoàng nói.
Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện TP.Thủ Đức, cho rằng nếu trang bị máy CT, MRI, siêu âm, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tốt thì phần lớn các trường hợp ung thư có thể chẩn đoán qua những phương pháp này. Tuy nhiên, một số trường hợp khó, cần phải có sự hỗ trợ của PET/CT thêm để có được chẩn đoán chính xác nhất, đánh giá được mức độ lan tràn của bệnh, sự đáp ứng của bệnh nhân với điều trị, từ đó quyết định tiếp tục hướng điều trị cũ hay sẽ thay đổi...
Thời gian qua, nhiều bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện TP.Thủ Đức và nhiều trung tâm điều trị ung bướu khác cũng chịu cảnh chạy lòng vòng khắp thành phố không tìm được chỗ chụp PET/CT. "Đây là thiệt thòi rất lớn của người bệnh, bác sĩ điều trị cũng phải cố gắng tìm cách xoay xở chứ không thể ngồi chờ, đòi hỏi phải cân não hơn trong việc ra chỉ định", bác sĩ Vũ nói.
Để tạm thời tháo gỡ khó khăn trong việc thiếu thuốc, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ nguồn thuốc phóng xạ với Quân y 175, Ung bướu TP.HCM để phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, lò thuốc phóng xạ nơi này đã lâu năm, công suất không cao, thỉnh thoảng phải bảo trì sửa chữa nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cao.
Các bác sĩ kỳ vọng trong tương lai TP.HCM có thêm lò sản xuất thuốc phóng xạ để các bệnh viện có thể hỗ trợ nhau khi có sự cố, cũng như phát triển nhiều cơ sở chụp PET/CT do nhu cầu bệnh nhân ngày càng cao. Ngoài ra, theo bác sĩ Vũ, cần phát triển hệ thống y tế đồng đều, những tỉnh thành từ một triệu dân trở lên nên có trung tâm điều trị ung thư đầy đủ phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, PET/CT, để bệnh nhân đỡ phải đổ dồn về TP.HCM. "Khi ấy, nếu chẳng may máy móc của TP.HCM có vấn đề, bệnh nhân có thể về các tỉnh thành lân cận để chụp, thay vì ra tận miền Trung, miền Bắc", bác sĩ Vũ nói.
Theo VNE