'Số nhân viên y tế trên 10.000 dân ở TP.HCM thấp nhất nước'

Thứ tư, 08/12/2021, 11:50
Số nhân viên y tế ở thành phố chỉ đạt tỷ lệ 2,31 người trên một vạn dân, thấp hơn số trung bình cả nước là 7, theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

"Bình thường tuyến y tế cơ sở đã có những hạn chế, khi dịch bùng phát điều này càng bộc lộ rõ. Trong năm nay, số nhân viên y tế ở cơ sở nghỉ rất nhiều", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nói khi trả lời chất vấn "làm sao củng cố y tế cơ sở" của các đại biểu tại kỳ họp HĐND thành phố khóa X, sáng 8/12.

Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP HCM sáng 8/12. Ảnh: Hữu Công

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng trả lời chất vấn, sáng 8/12. Ảnh: Hữu Công

Theo ông Thượng, có nhiều lý do nhân viên y tế nghỉ việc, nhưng dễ nhìn thấy nhất là họ bị kiệt sức sau nhiều tháng tham gia chống dịch, cùng với thu nhập thấp. Sở Y tế TP.HCM có đề án gửi Thường trực UBND TP.HCM, trong đó đề xuất nhiều chính sách giữ chân nhân lực tuyến y tế cơ sở.

Chính sách đầu tiên, thành phố cần hỗ trợ nhân viên y tế cơ sở 4-6 triệu đồng mỗi tháng. Từ năm 2015, TP.HCM hỗ trợ thu nhập cho nhân lực tuyến cơ sở nhưng còn thấp, dưới một triệu đồng mỗi tháng.

Đề xuất tiếp theo, thành phố thu hút nhân lực đến công tác tại trạm y tế. Sở Y tế đã kiến nghị bác sĩ mới tốt nghiệp thay vì tới thực hành 18 tháng ở bệnh viện sẽ làm việc tại trạm y tế 12 tháng. Thực hành tại trạm y tế, bác sĩ không phải đóng tiền, còn được thành phố hỗ trợ chi phí với mức 1,5 lần lương tối thiểu.

"Nếu cơ chế này được thông qua, ước tính mỗi năm có 500 bác sĩ tăng cường xuống trạm y tế. Việc này có lợi cả đôi bên", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.

Cuối cùng, thành phố sẽ tăng người cho trạm y tế. Quy định hiện nay, mỗi trạm y tế phải có 5 đến 10 nhân viên. Tuy nhiên, ở TP.HCM có những phường xã rất đông dân, có nơi khoảng 170.000 dân, 5-10 nhân viên y tế không đáp ứng nổi.

Vì vậy, về lâu dài Quốc hội nên xem xét, điều chỉnh lại biên chế ở trạm y tế dựa trên quy mô dân số (tính theo một vạn dân) chứ không theo địa giới hành chính. Trước mắt, Sở Y tế sẽ kiến nghị tăng trần biên chế trạm y tế từ 10 đến 20 người.

"Nếu các chính sách này được thông qua, chắc chắc các trạm y tế sẽ tuyển dụng được nhân lực", ông Thượng nói.

Nhân viên trạm y tế lưu động xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, mang thuốc, lương thực hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, tháng 9/2021. Ảnh: An Phương

Nhân viên trạm y tế lưu động xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, mang thuốc, lương thực hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, tháng 9/2021. Ảnh: An Phương

Trước đó, báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết từ 1/10, khi thành phố bỏ giãn cách xã hội, số ca mắc, chuyển nặng và tử vong giảm khá rõ so với giai đoạn bùng phát trước đó. Tuy nhiên, từ 20/10 tới nay những con số này có dấu hiệu tăng dần.

Hiện thành phố quản lý và chăm sóc hơn 85.000 F0. Trong đó, 66.500 F0 đang điều trị tại nhà, gần 5.300 điều trị tại cơ sở phường, xã, thị trấn (tầng 1), chiếm 84%; tại tầng 2, số F0 đang điều trị là gần 11.700, chiếm 13%; tầng 3 (bệnh viện hồi sức cho các trường hợp nặng) có 1.800 trường hợp, chiếm 2%, trong đó, có hơn 400 trường hợp thở máy xâm lấn. Số ca mắc tăng dần trong 3 tuần vừa qua.

"Thành phố vẫn đang ở giai đoạn dịch, có giai đoạn tạm kiểm soát được nhưng đáng lo ngại khi số ca mắc, ca nặng và tử vong tăng nhẹ", ông Thượng cảnh báo.

Về kiểm soát dịch, lãnh đạo Sở Y tế cho biết thành phố đã xây dựng quy trình xử lý F0 thích ứng tình hình mới, gồm kiểm soát tại cơ sở y tế, cơ sở sản xuất kinh doanh, tại cộng đồng và trường học; tăng kiểm dịch y tế tại cửa khẩu hàng không, hàng hải, đặc biệt từ vùng xuất hiện biến chủng Omicron.

Ngành y tế thành phố cũng kiểm soát, quản lý chặt F0 tại nhà, lập tổ chuyên trách điều phối trạm y tế lưu động và đã tổ chức 382 trạm để hỗ trợ các địa phương; duy trì bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 và dã chiến; xây dựng chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ cao...

Theo VNE

Các tin cũ hơn