Chuyên gia giải thích vì sao biến thể Delta 'tự diệt' ở Nhật, tương lai cho Việt Nam

Thứ ba, 23/11/2021, 16:56
Thông tin số ca giảm mạnh bất ngờ ở Nhật Bản đã trở thành một chủ đề nóng được nhiều người quan tâm. Các chuyên gia cho rằng khi virus nhân bản sẽ bị lỗi nếu chúng ta thực hiện mạnh mẽ bao phủ vắc xin và thực hiện 5K.

Từ hơn 20 nghìn ca mắc mỗi ngày vào tháng 8 đến hiện tại số ca mắc ở Nhật Bản chỉ hơn 100 ca mỗi ngày, ca tử vong chỉ ở một con số. Nhà hàng, ga tàu điện, các hoạt động dần trở lại bình thường, đó là những điều mà bất cứ quốc gia nào đều mơ ước.

Các chuyên gia cho rằng đó là nhờ tiêm vắc xin, với hơn 75% người Nhật đã được tiêm đủ 2 mũi và thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang đã ngăn chặn được virus. Thậm chí, có chuyên gia cảm thấy vô cùng khó tin.

Theo PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng Khoa Y tế công cộng, trường Đại học Y dược TP.HCM, hiện nay các chuyên gia đều ngạc nhiên về hiện tượng ở Nhật Bản. Tuy nhiên, về lý thuyết thì mỗi khi virus biến đổi đều mạnh hơn. Nếu chúng ta lơ là thôi thì như ở Anh sẽ có biến thể Alpha, ở Nam Phi có biến thể Beta và tương tự ở Ấn Độ chỉ cần lơ là thì biến chủng Delta đã phát triển rất mạnh trở thành nỗi ám ảnh của chúng ta. Bởi virus luôn sinh sản, nhân bản để tồn tại.

Chuyên gia giải thích vì sao biến thể Delta 'tự diệt' ở Nhật, tương lai cho Việt Nam

Ảnh minh hoạ

Các nhà khoa học đã phát hiện biến thể Delta ít đa dạng di truyền hơn biến thể Alpha. Bên cạnh đó, protein nsp14 của nhiều mẫu virus  corona ở Nhật Bản đã qua nhiều lần đột biến ở vị trí A394V.

Biến chủng Delta ở Nhật Bản gặp chướng ngại vật đó là tỷ lệ tiêm vắc xin cao và miễn dịch tự nhiên vì có thời điểm số ca mắc tăng cao với chủng Delta này đã dẫn tới virus biến đổi sang chủng khác để chung sống.

Khi “đối thủ” mạnh nhất đã bị tiêu diệt phải biến đổi thì chúng sẽ chỉ còn là những virus nhân bản lỗi, yếu ớt và dần dần người ta thấy nó tự tiêu diệt. Nếu biến chủng mới xuất hiện và chúng ta không chống lại nó, thả lỏng, lơ là thì virus sẽ tạo ra các biến chủng mạnh hơn nhưng ngược lại chúng gặp phải tác nhân bị “chặt tay, chặt móng” thì những biến chủng sau sẽ lỗi nhiều hơn.

Ngoài yếu tố tự nhiên của virus, PGS Dũng cho biết người dân Nhật Bản tuân thủ phòng chống dịch rất tốt. Họ luôn luôn đeo khẩu trang, ý thức thực hiện các biện pháp chống dịch cực kỳ tốt. Có lẽ vì thế họ nhận được những kết quả đáng kinh ngạc.

Tương tự tại Châu Phi, PGS Dũng cho rằng Châu Phi có số ca mắc giảm, thậm chí người dân còn thấy đeo khẩu trang để tránh bị phạt nhưng trên khoa học chưa thấy các bài báo khoa học mổ xẻ hiện tượng ở Châu Phi.

Virus SARS-CoV-2 còn rất mới. Tuy nhiên, cũng có nhiều lý thuyết đưa ra như do chủng tộc của họ ví dụ họ có miễn dịch tốt thì bảo vệ tốt hơn, tử vong ít hơn. Ngoài ra, mật độ dân số ở Châu Phi khá thưa, người dân tập trung ở nông thôn, mật độ tiếp xúc chưa đủ gần, giao tiếp bên ngoài không nhiều.

Người dân có thói quen sống ở ngoài trời, không dùng máy lạnh; không đóng kín cửa. Mặt khác, các bài báo phổ thông cũng ghi nhận chủng Delta chỉ mới xâm nhập sâu rộng vào tháng 9 vừa rồi trong khi đó yếu tố di truyền (biểu hiện của thụ thể ACE2 ở người Phi Châu ít hơn), người dân Châu Phi cũng trải qua nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nên hệ miễn dịch của họ được huấn luyện.

Từ cách phòng chống dịch của Nhật Bản và biến chủng Delta đang biến mất khỏi quốc gia này, PGS Dũng cho biết đây cũng là tín hiệu tích cực cho Việt Nam. Nếu chúng ta bao phủ vắc xin rộng và người dân tuân thủ 5K thì biến chủng Delta cũng có thể bị tiêu diệt, chặt đứt đường lây truyền.

Bởi bất cứ virus nào khi chúng bị chống lại chúng sẽ nhân bản và quá trình nhân bản này xảy ra lỗi, chắp vá dẫn tới một thế hệ biến chủng mới của chúng yếu ớt hơn, có thể sẽ giống hàng trăm virus tồn tại trong cơ thể không gây hại nữa.

Tuy nhiên, sẽ vẫn còn rất nhiều corona virus xung quanh có khả năng lây nhiễm sang người và sẽ chỉ làm điều đó cho đến khi chúng ta có đủ khả năng miễn dịch hoặc chúng ta có thể phá vỡ chuỗi lây truyền.

Những thông tin mới nhất của giới khoa học cũng cảnh báo người dân không thể chủ quan vì có thể sẽ có làn sóng mới với biến chủng ngoại lai khác.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn