Ra dự luật trừng phạt, Mỹ tăng áp lực Biển Đông với Trung Quốc

Thứ hai, 15/11/2021, 13:13
Dự luật trừng phạt Trung Quốc vì Biển Đông của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng sức ép, buộc Bắc Kinh kiềm chế "hành vi xấu" ở khu vực.

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ tháng trước thông qua dự luật Trừng phạt về Biển Đông và biển Hoa Đông (S.1657), trong đó áp lệnh cấm vận nhằm vào các cá nhân và tổ chức của Trung Quốc tham gia hoạt động áp đặt tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại hai vùng biển này.

"Dự luật là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ ngày càng lo ngại về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và các khu vực xung quanh. Dự luật sẽ tăng áp lực lên những cá nhân, thực thể liên quan nhất tới chính sách đối ngoại quyết đoán của Trung Quốc, thay vì nhắm chung chung vào Bắc Kinh", Charles R Hankla, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học bang Georgia ở Atlanta, nói với VnExpress.

Tàu Trung Quốc neo đậu ở bãi Ba Đầu, Biển Đông hôm 27/3. Ảnh: Reuters.

Tàu Trung Quốc neo đậu ở bãi Ba Đầu ở Trường Sa hôm 27/3. Ảnh: Reuters.

Dự luật S.1657 được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua trong bối cảnh Trung Quốc đơn phương vạch ra "đường chín đoạn", yêu sách chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực. Bắc Kinh đã bồi đắp phi pháp 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo và quân sự hóa thành tiền đồn trên biển.

Trung Quốc hồi tháng 8 thông qua luật hải cảnh mới, cho phép nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài. Nước này cũng áp dụng luật an toàn hàng hải mới, đòi tàu thuyền nước ngoài phải khai báo khi đi vào khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là "lãnh hải". Giới quan sát cho rằng những hành động này của Trung Quốc đều tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực, thậm chí có thể gây ra xung đột do tính toán sai lầm.

"Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do. Washington cần thêm công cụ để đối phó với Bắc Kinh trong bối cảnh họ tiếp tục nỗ lực áp đặt quyền kiểm soát phi pháp với các khu vực ở Biển Đông và biển Hoa Đông", thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio tuyên bố sau khi thông qua dự luật S.1657.

Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), cũng cho rằng các nỗ lực quốc tế phối hợp nhằm công khai và trừng phạt "hành vi xấu" của Trung Quốc là vũ khí có thể ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ảnh vệ tinh do AMTI công bố cuối tháng trước cho thấy ít nhất 150 tàu cá Trung Quốc đã bắt đầu quay lại tập trung trong khu vực cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, vài tháng sau khi tản mát đi các thực thể xung quanh Trường Sa.

Poling cho hay khoảng 300 tàu được cho là thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc từ cuối năm 2017 đã tập trung ở một số điểm tại Trường Sa, trong đó có cụm Sinh Tồn. Hồi tháng 3, phần lớn đội tàu này neo đậu tại bãi Ba Đầu, trong phạm vi lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông của Việt Nam mà không có hoạt động đánh bắt nào.

Ảnh vệ tinh chụp khu vực bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 17/10. Ảnh: AMTI.

Tàu Trung Quốc trong ảnh vệ tinh chụp khu vực bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 17/10. Ảnh: AMTI.

Theo Poling, khi vấp phải phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế, "đội tàu này phân tán sang các khu vực khác, nhưng chưa bao giờ rời Trường Sa".

"Trung Quốc có ý định kiểm soát tất cả hoạt động thời bình trong các khu vực của Biển Đông để đòi yêu sách chủ quyền và quyền lịch sử phi pháp của mình. Lực lượng dân quân biển là một phần chính của cái thường được gọi là hoạt động 'vùng xám' đó", chuyên gia này nói. "Đồng thời, hải cảnh Trung Quốc cũng tăng cường quấy rối hoạt động dầu khí của các nước khác ở khu vực".

Poling cảnh báo nếu tình trạng này tiếp diễn mà không có những nỗ lực gây sức ép của quốc tế, Trung Quốc "sẽ sớm đạt tham vọng kiểm soát tất cả vùng biển trong thời bình".

Mỹ gần đây ngày càng cảnh giác trước các hành vi quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông. Bộ Thương mại Mỹ năm ngoái áp hạn chế với 24 công ty "giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông", bao gồm công ty con của Tập đoàn Kiến thiết Giao thông Trung Quốc, các doanh nghiệp viễn thông và một đơn vị của Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc.

"Dự luật mới của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vượt ra ngoài lệnh trừng phạt trước đó nhằm vào các công ty Trung Quốc đứng sau hành động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông", Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia tại Tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương tại Philippines, nhận định.

Dự luật S.1657 trong thời gian tới sẽ được chuyển lên Thượng viện Mỹ bỏ phiếu. Nếu được Thượng viện thông qua, dự luật sẽ được xem xét tại Hạ viện Mỹ. Một khi được lưỡng viện quốc hội Mỹ phê chuẩn, dự luật sẽ được trình lên Tổng thống Joe Biden ký thành luật.

Nhiều chuyên gia dự đoán dự luật trừng phạt nhiều khả năng được Quốc hội Mỹ thông qua, khi Trung Quốc ngày càng trở thành mối quan tâm chung của các thành viên lưỡng đảng.

"Nếu có điều gì có thể thống nhất các lãnh đạo trong thời điểm chia rẽ này của nền chính trị Mỹ, đó chính là lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc", giáo sư Hankla nói. "Ban soạn thảo dự luật có thành viên của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, cho thấy nó có cơ hội tốt được Quốc hội Mỹ thông qua".

Chuyên gia Pitlo III cũng nhận định dự luật có thể được Quốc hội Mỹ thông qua vì nó sẽ giúp nâng cao uy tín của Washington trong mắt các đồng minh, đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, Mỹ cũng có thể thể hiện được vai trò như "người bảo vệ" những quy tắc hàng hải đã được xác lập trước thách thức ngày càng tăng từ Trung Quốc.

"Trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng được coi trọng và cuộc cạnh tranh với Trung Quốc gay gắt hơn, dự luật có thể nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở Mỹ", ông nói.

Aristyo Rizka Darmawan, giảng viên và nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Đại dương bền vững thuộc khoa Luật, Đại học Indonesia, nhận định dự luật trừng phạt có thể gia tăng sức ép, thúc đẩy Trung Quốc hành xử phù hợp ở Biển Đông mà không gây nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp. "Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới các biện pháp trả đũa của Trung Quốc và cạnh tranh gay gắt hơn với Mỹ", ông nói.

Mối quan hệ Mỹ - Trung những năm gần đây trở nên căng thẳng về nhiều vấn đề, từ thương mại, luật an ninh Hong Kong, Đài Loan, Covid-19 và Biển Đông.

"Đây có thể là một chiến lược ngắn hạn tốt, nhưng không phải là chính sách bền vững và hiệu quả", Rizka Darmawan nói. "Chiến lược dài hạn và quan trọng hơn là phải có một cơ chế được Trung Quốc chấp thuận để đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực này. Một trong những bước để đạt điều đó là Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang được các bên đàm phán, với hy vọng buộc Trung Quốc tuân thủ các quy tắc luật pháp quốc tế một cách tự nguyện".

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích