'Covid-19 có thể thành bệnh thông thường như cúm mùa'

Thứ hai, 15/11/2021, 15:14
Các chuyên gia dự đoán năm 2022 hoặc năm kế tiếp, Covid-19 tại Việt Nam có thể trở thành bệnh đặc hữu như cúm mùa khi tỷ lệ tiêm chủng bao phủ rộng.

Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho rằng tương lai của đại dịch rất khó dự đoán chính xác do có nhiều ẩn số. Diễn biến dịch trên thế giới đang phức tạp, có người tiêm đủ hai mũi vẫn trở nặng nên càng khó dự đoán chính xác dịch bao giờ kết thúc.

"Đại dịch như con tằm, có thể rộ lên rồi biến mất không biết trước; quy luật của virus này lại khá đặc biệt", phó giáo sư Nga nói. Ông lấy ví dụ, virus cúm chủ yếu xuất hiện ở xứ lạnh, vào mùa đông và hiếm thấy ở mùa hè. Song, Covid-19 vẫn bùng phát mạnh ở các nước châu Phi hay như TP.HCM và một số tỉnh phía Nam - nơi thời tiết nắng nóng.

Ngoài ra, virus ngày càng đột biến thành những chủng mới và lây lan mạnh, đợt dịch sau luôn phức tạp hơn đợt dịch trước. Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, tiến sĩ Takeshi Kasai, hôm 25/8, cũng đưa ra hai kịch bản Covid-19 trong tương lai: sống chung với virus hoặc viễn cảnh "ai cũng muốn tránh". Theo đó, kịch bản thứ hai là khi biến thể nguy hiểm hơn phát triển - lây lan nhanh hoặc gây triệu chứng nặng, làm giảm hiệu quả vaccine.

Tuy nhiên, theo ông Nga, tại Việt Nam, với tiến độ phủ vaccine như hiện nay, đại dịch có thể kết thúc năm 2022 hoặc năm kế tiếp "nhưng virus sẽ không hoàn toàn bị xóa sổ mà trở thành mầm bệnh đặc hữu như cúm mùa".

Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế Công cộng, Đại học Y dược TP.HCM) cũng dự báo Covid-19 có thể sớm trở thành bệnh thông thường tại Việt Nam, muộn nhất có thể hết quý 2 năm 2022, nhờ vào việc đa số người dân đều tiêm vaccine.

"Khi khoảng 90% nguời dân trở lên tiêm đủ vaccine thì bệnh sẽ tương đối ổn, thậm chí còn ổn hơn bệnh cúm vì hiệu lực của vaccine cúm chỉ 50-60%, trong khi hiệu lực vaccine Covid-19 đến 80-90%, tỷ lệ bao phủ cao", phó giáo sư Dũng phân tích.

Theo ông Dũng, nhiều người không tiêm phòng cúm vì còn coi thường bệnh này. Trong khi đó, Covid-19 là bệnh mới, mọi người đều rất chú trọng việc chủng ngừa. "Cúm là bệnh lưu hành từ lâu, từ nhỏ đến lớn mọi người mắc nhiều lần nên ít nguy cơ trở nặng thấp hơn. Về lâu dài, khi Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu như cúm, nguy cơ tử vong có thể sẽ thấp hơn cả cúm nếu mọi người tiêm chủng đầy đủ", ông Dũng nói.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (cố vấn Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1) cũng cho rằng khi phủ vaccine trên 90% thì Covid-19 sẽ trở thành bệnh thông thường. Khi đó, người có triệu chứng cần cho dùng thuốc kháng virus sớm, ai trở nặng thì tập trung điều trị.

"Lẽ đương nhiên là sẽ xuất hiện một số ca nặng chứ không thể không có, chỉ cần dồn sức vào cứu chữa", bác sĩ Khanh nói.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khi trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV mới đây, cho rằng không chỉ Việt Nam mà với cả thế giới, vấn đề dự báo Covid rất khó khăn. Hầu hết các nước chưa có dự báo mang tính dài hạn. Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ cảnh báo Covid-19 không thể kết thúc trong năm 2022 mà hy vọng đến năm 2023 sẽ trở thành bệnh tương tự như cúm mùa.

"Một số nước đưa ra dự báo ngắn hạn, bởi đại dịch lần này liên tục xuất hiện những biến chủng mới nguy hiểm", ông Long nói.

Đường sách TP HCM (quận 1) ngày đầu hoạt động trở lại sau hơn 4 tháng đóng cửa vì dịch, hôm 9/10. Ảnh: Quỳnh Trần

Đường sách TP.HCM (quận 1) ngày đầu hoạt động trở lại sau hơn 4 tháng đóng cửa vì dịch, hôm 9/10. Ảnh: Quỳnh Trần

Các chuyên gia lo ngại từ nay đến cuối năm, vào mùa lạnh, dịp Tết diễn ra nhiều hoạt động đông người, trong khi một số người có tâm lý chủ quan gây nguy cơ tăng ca Covid-19. Nguy cơ này cũng được Bộ trưởng Y tế từng đề cập đến trong phiên trả lời chất vấn của Quốc hội khóa XV hôm 10/11, trong bối cảnh cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, dịch bệnh có dấu hiệu tăng trở lại ở một số địa phương.

Theo phó giáo sư Nga, thời tiết lạnh, ít ánh nắng mặt trời... là điều kiện để virus tồn tại lâu hơn, dễ lây lan và phát tán mạnh. Bên cạnh đó, nhiều người nhầm lẫn triệu chứng Covid-19 với các bệnh mùa đông khác như cúm dẫn đến chủ quan, ngại đi khám.

Giáp Tết là thời gian diễn ra nhiều sự kiện đông người như tiệc tất niên, cưới hỏi dẫn đến nguy cơ bùng phát đợt dịch mới cao hơn nếu không phòng ngừa chặt chẽ. Cách thức lây truyền của virus là thông qua giọt bắn, qua bề mặt chứa virus, qua không khí, việc tiếp xúc lâu, thì mật độ đông người trong môi trường khép kín, chật hẹp là những yếu tố nguy cơ cao. Trong khi thời tiết lạnh, mọi người ở trong nhà nhiều hơn, tiếp xúc gần, đóng kín cửa, thông khí kém hơn, nguy cơ lây nhiễm sẽ cao.

Kịch bản tốt nhất cho Tết 2022 là duy trì được tình trạng kiểm soát dịch bệnh như hiện nay, theo các chuyên gia. Phó giáo sư Nguyễn Việt Hùng (Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội) cho rằng việc mở cửa, sống chung với dịch bệnh đồng nghĩa chấp nhận Covid-19 luôn tồn tại và có thể bùng phát ở một số khu vực vào những thời điểm nhất định, nhưng không làm tăng quá mức số lượng bệnh nhân nặng phải nhập viện và giảm tỷ lệ tử vong.

"Khi đó, hầu hết người trên 18 tuổi và một số trẻ em trên 12 tuổi đã được tiêm đủ liều vaccine, dịch có thể xảy ra ở tất cả tỉnh thành nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, đa số tỉnh thành dịch ở cấp độ 1-2 nên người dân vẫn có thể đi lại như hiện nay", phó giáo sư Hùng nói.

Theo phó giáo sư Dũng, để đối phó Covid-19, càng áp dụng nhiều biện pháp càng tốt, chẳng hạn vừa tiêm chủng, vừa thực hiện nguyên tắc 5K, làm việc tại nhà, cấm tụ họp nơi đông người... Tuy nhiên, nếu áp dụng quá nhiều biện pháp thì xã hội sẽ bị đông cứng, các chuỗi cung ứng, chuỗi sinh hoạt xã hội đứt gãy. "Khi nới lỏng giãn cách thì tỷ lệ mắc bệnh sẽ tăng, nếu siết trở lại ca nhiễm sẽ giảm nhưng ảnh hưởng xã hội sâu sắc. Do đó, tôi ủng hộ việc tiêm vaccine và thực hiện 5K, còn những biện pháp khác tác động làm gián đoạn xã hội như đóng cửa nơi làm việc, đóng cửa trường học, cách ly F... thì không nên", ông Dũng nói.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà (Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam) cảnh báo các địa phương luôn cảnh giác. "Nếu địa phương buông lỏng giám sát quản lý, tiêm chậm và người dân không tuân thủ quy tắc chống dịch thì nguy cơ bùng dịch rất cao", ông Hùng nói.

Địa phương cần quản lý chặn chẽ người từ vùng dịch về, cách ly phù hợp. Tổ chức xét nghiệm tất cả các trường hợp ho sốt để đánh giá nguy cơ, từ đó truy vết và phong tỏa hẹp nhất có thể theo phương châm "nguy cơ đến đâu phong tỏa đến đó". Chiến lược xét nghiệm cộng đồng cần thực hiện có chọn lọc, không nên đại trà khi dịch đã "ăn sâu", gây tốn kém nguồn lực.

Phó giáo sư Nga nhấn mạnh đến vai trò của việc nâng cao tuyến cơ sở, chiến lược giãn cách, khoanh vùng, cách ly phù hợp. Không tập trung cách ly F0, có giải pháp cách ly F1 và điều trị F0 không triệu chứng ở nhà, giảm bớt căng thẳng áp lực cho y tế và cả người bệnh. "Việc đổ dồn hết bệnh nhân vào bệnh viện vừa làm mất cơ hội điều trị bệnh khác như đột quỵ, sốt xuất huyết ( bệnh nhân sợ lây bệnh nên không đi viện) hoặc có thể vô tình lây nhiễm dẫn đến bùng phát dịch", ông Nga nói.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân nâng cao ý thức và tuân thủ quy tắc phòng chống dịch. Trong trạng thái bình thường mới, mọi người có thể đi lại, sinh hoạt nhưng phải đảm bảo nguyên tắc 5K. Các cơ quan, tổ chức, nhà máy, xí nghiệp... triển khai phương án phòng chống dịch nhằm đảm bảo sản xuất, làm việc an toàn, không để dịch bùng phát. Những người vì lý do sức khỏe chưa được tiêm vaccine hoặc những người tuổi cao, có bệnh nền... nên hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc, đặc biệt là những nơi đông người.

Theo VNE

Các tin cũ hơn