Cuộc đua phát triển vaccine Covid-19 trước biến chủng mới

Thứ bảy, 23/10/2021, 12:30
Ngày 22-10, tại cuộc họp bộ trưởng tài chính các nước thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), các đại biểu đã nhất trí tăng cường các nỗ lực nhằm mở rộng việc sản xuất và cung cấp vaccine, đồng thời ủng hộ việc chia sẻ vaccine toàn cầu.

Tự lực vaccine

Trong bối cảnh thế giới sẽ phải tiếp tục sống chung với Covid-19 trong thời gian dài, nguồn cung vaccine toàn cầu khan hiếm, các biến chủng mới tiếp tục xuất hiện, cuộc đua phát triển và sản xuất vaccine nội địa giữa các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng căng thẳng.

Theo Straits Times, trên toàn thế giới hiện có 112 loại vaccine Covid-19 đang trong giai đoạn phát triển lâm sàng. Trong đó, các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia … đang thử nghiệm ít nhất 16 loại với hy vọng phát triển được vaccine trong nước thay vì trông đợi hoàn toàn vào sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Ngày 22-10, Công ty Dược phẩm Shionogi có trụ sở tại tỉnh Osaka đã thông báo về kế hoạch thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn đối với vaccine Covid-19 nội địa đầu tiên của Nhật Bản do công ty này nghiên cứu, sản xuất sau kết quả khả quan của giai đoạn thử nghiệm đầu tiên.

Dự kiến, nếu giai đoạn thử nghiệm cuối cùng vào cuối năm nay cho kết quả tích cực và được phê duyệt, sản phẩm của Shionogi sẽ là vaccine Covid-19 nội địa đầu tiên do Nhật Bản nghiên cứu, sản xuất được cấp phép lưu hành tại quốc gia này.

Thái Lan cũng đang thúc đẩy thực hiện thử nghiệm vaccine theo công nghệ mRNA đầu tiên mang tên ChulaCov19. Nước này kỳ vọng vaccine nội địa sẽ được sử dụng để tiêm mũi thứ 2 cho phần lớn người dân chưa được tiêm đủ liều. Trong khi đó, Ấn Độ hiện có 2 vaccine nội địa chủ lực trong chương trình tiêm vaccine Covid-19 là Covishield và Covaxin.

Cuộc đua phát triển vaccine Covid-19 trước biến chủng mới ảnh 1
Biến chủng AY 4.2 cũng đã xuất hiện ở Nga

Biến chủng mới tạo áp lực

AY 4.2 là biến chủng phụ của Delta, được phát hiện lần đầu tại Anh vào tháng 7-2021 và đến nay đã ghi nhận tại hơn 27 quốc gia. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã tái áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt hơn, nhất là khi mùa đông đến gần.

Hãng Thông tấn Nga RIA dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao của Cơ quan giám sát tiêu dùng quốc gia Kamil Khafizov cho biết, dự báo biến chủng AY 4.2 (hay còn có tên gọi Delta Plus) sẽ lây lan rộng, khiến số ca mắc mới Covid-19 ở Nga - hiện đã ở mức cao kỷ lục - tăng hơn nữa.

Ông Khafizov nhận định, biến chủng AY 4.2 có thể thay thế biến chủng Delta mặc dù tiến trình này sẽ diễn ra chậm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa chấp thuận đề xuất của chính phủ cho phép nghỉ làm việc 1 tuần vào đầu tháng 11 tới. Ngày 20-10, Nga ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 trong vòng 24 giờ ở mức cao kỷ lục là 1.028 ca, cùng với 34.073 ca mắc mới.

Tại Singapore, một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 trong khu vực và thế giới cao, với hơn 80% dân số đã tiêm chủng, chính phủ đã thông báo kéo dài lệnh giãn cách xã hội thêm 1 tháng để ngăn chặn dịch lây lan và giảm áp lực đối với hệ thống y tế.

Theo Bộ Y tế Singapore, vấn đề hiện nay không chỉ là bổ sung giường bệnh hay mua thêm trang thiết bị mà là nhân viên y tế đang quá tải và dần kiệt sức.

Đây cũng là mối quan ngại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ngày 21-10, WHO cho biết, tính đến tháng 5-2021, có khoảng 80.000-180.000 nhân viên y tế đã tử vong do Covid-19, đồng thời nhấn mạnh cần ưu tiên tiêm chủng cho nhóm đối tượng này.

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khi các biến chủng mới xuất hiện, áp lực đối với các mũi tiêm nhắc lại ở các quốc gia đã có tỷ lệ tiêm chủng cao có thể sẽ tăng lên.

Ngày 21-10, Nhà Trắng đã kêu gọi mọi thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ủng hộ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine Covid-19 sau khi cuộc thảo luận giữa các thành viên WTO trong 2 ngày 13 và 14-10 tại Geneva vẫn chưa thể đi đến thống nhất.

Theo SGGP

Các tin cũ hơn