Giám đốc BV Chợ Rẫy: Nhiều cán bộ y tế bị xử lý, chắc chắn có sai phạm cá nhân

Thứ năm, 11/11/2021, 16:47
ĐBQH Nguyễn Tri Thức (Đoàn TP.HCM) cho rằng nhiều cán bộ ngành y bị xử lý thời gian qua là sự cố đáng tiếc, nhưng chắc chắn có những sai phạm mang tính cá nhân.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 10/11, nhiều đại biểu nêu tình trạng hàng loạt cán bộ y tế vướng lao lý khi sai phạm trong đấu thầu và mua bán thuốc. Bộ trưởng Bộ Y tế Thanh Long cho rằng đây là những vụ việc “hết sức đau lòng".

Nói về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Tri Thức (Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, Đoàn ĐBQH TP.HCM) đã có trao đổi ngắn với báo chí bên lề kỳ họp.

- Thời gian qua, đấu thầu thiết bị y tế xảy ra nhiều sai phạm, nhiều cán bộ ngành y bị xử lý, quan điểm của ông thế nào về việc này?

Về quan điểm của tôi, những trường hợp xảy ra thời gian qua là sự cố đáng tiếc, chắc chắn có những sai phạm mang tính cá nhân, bởi khi các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố thì đều có các chứng cứ rõ ràng, không thể nào đổ lỗi hoàn toàn cho cơ chế được.

Giám đốc BV Chợ Rẫy: Nhiều cán bộ y tế bị xử lý, chắc chắn có sai phạm cá nhân - 1

Đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn ĐBQH TP.HCM).

Những ai tiêu cực với các bằng chứng từ cơ quan chức năng về thông thầu, móc nối, thổi giá… thì phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận vấn đề chúng ta nên nhìn nhận một cách khách quan, đa chiều. Bởi phía cá nhân sai phạm là đã rõ, nhưng phải xem lại cơ chế. Vấn đề cơ chế ở đây là phải quy định thật sự chi tiết, người muốn làm sai cũng không làm được, đó là vấn đề quản lý.

Chắc chắn có những sai phạm mang tính cá nhân, bởi khi các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố thì đều có các chứng cứ rõ ràng, không thể nào đổ lỗi hoàn toàn cho cơ chế được.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức

- Vậy theo ông, thời gian tới cần có một chương riêng về đấu thầu trang thiết bị y tế trong Luật Đấu thầu của Việt Nam?

Theo cá nhân tôi nên có chương riêng cho đấu thầu thiết bị y tế trong Luật Đấu thầu. Y tế là ngành đặc biệt, không phải kinh doanh, chúng ta không thể kinh doanh sức khoẻ được nhưng cũng phải đảm bảo nguồn thu để có thể đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ người bệnh.

Bởi mặt hàng y tế có đặc thù rất riêng so với mặt hàng khác vì tính chất cấp cứu của người bệnh, mô hình bệnh tật với những bệnh rất hiếm. Như vậy sẽ hạn chế tối đa chuyện tiêu cực, đảm bảo kịp thời cấp cứu người bệnh.

Xã hội hoá y tế là chủ trương rất đúng cho các bệnh viện có điều kiện đầu tư trang thiết bị y tế kịp thời, hiện đại, phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, để tránh lặp lại những sai phạm như trên thì Bộ Y tế và Bộ Tài chính cần khẩn trương hướng dẫn thêm về cơ chế xã hội hoá.

Việc này sẽ giúp tránh nâng giá thiết bị, tránh bắt tay nhau kéo dài thời gian liên kết không phù hợp, cũng như tránh bắt tay nhau trong chia tỉ lệ để lạm thu người bệnh.

- Trên nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu đề cập đến vấn đề loạn giá xét nghiệm, ông có góp ý gì để quản lý chặt việc này?

Tôi thống nhất cao với trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế. Như Bộ trưởng nói, trong giai đoạn dịch bùng phát, nhiều nước tranh nhau mua nên có khi Việt Nam mua cũng không có, cho nên mua được trong thời điểm đó là cấp bách.

Do đó, giai đoạn đó khó đổ lỗi cho ai, nhưng sau này Bộ đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo về việc thu giá xét nghiệm. Đến giai đoạn này, giá xét nghiệm đã tương đối thống nhất trong thực thanh, thực chi của Bộ Y tế, có nghĩa là mua vào bao nhiêu thì thu bấy nhiêu.

Tôi nghĩ từ đây trở về sau trong các bệnh viện công lập, giá xét nghiệm sẽ thống nhất theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Còn về phía các bệnh viện tư, tuy cơ chế thu chi tài chính riêng, nhưng sau phiên chất vấn này tôi nghĩ sẽ có thanh kiểm tra để đảm bảo có sự thống nhất tương đối giữa công và tư nhằm tránh chênh lệch giá xét nghiệm quá mức.

Xin cảm ơn ông!

Theo VTC News

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích