Dù rất muốn được chủng ngừa Covid-19, Pamela Sherry tới nay vẫn lần lữa việc đi tiêm.
“Tôi tin vào vaccine. Tôi muốn được bảo vệ”, Sherry nói. Nhưng do có vấn đề về hệ miễn dịch và lưu thông máu, chị lo ngại tiêm những loại vaccine tại Mỹ - bao gồm các loại sử dụng công nghệ mRNA và vector virus.
Tuy những loại vaccine này an toàn với đại đa số người dân, vẫn xuất hiện một số trường hợp gặp phản ứng phụ nghiêm trọng hiếm hoi, bao gồm viêm cơ tim và tắc mạch máu. Vì thế, Sherry đang chờ những loại vaccine khác, đặc biệt là vaccine được phát triển dựa trên protein đã qua tinh lọc (purified protein).
Một hộp đựng vaccine Novavax. Ảnh: Wall Street Journal. |
Không như những công nghệ tương đối mới mẻ đằng sau vaccine mRNA và vector virus, vaccine protein đã được sử dụng trong hàng chục năm để bảo vệ con người trước viêm gan, zona thần kinh, và các loại bệnh lây nhiễm khác.
Để giúp cơ thể có phản ứng miễn dịch, loại vaccine này sẽ đưa trực tiếp protein và các tá dược kích thích miễn dịch vào tế bào người, thay vì chỉ đưa một mẩu mã gene để tế bào tự đọc và tổng hợp protein.
Tuy vaccine protein ngừa Covid-19 chưa được đưa vào sử dụng rộng rãi, dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối của loại vaccine này rất hứa hẹn, thể hiện hiệu quả bảo vệ mạnh mẽ mà ít có tác dụng phụ hơn những loại vaccine khác.
Những người còn ngần ngại như Sherry có thể sẽ không còn phải chờ đợi lâu nữa. Sau nhiều tháng trục trặc trong khâu kiểm soát chất lượng và sản xuất, hãng công nghệ hóa sinh Novavax của Mỹ tuyên bố sẽ xin cấp phép cho loại vaccine protein ngừa Covid-19 của mình trước cuối năm nay.
Tương tự, hai nhà sản xuất vaccine tại châu Á - hãng Clover Biopharmaceuticals ở Thành Đô, Trung Quốc và Biological E ở Hyderabad, Ấn Độ - cũng có kế hoạch xin cấp phép ở nhiều quốc gia trong những tháng tới.
Đồ họa: Nature. |
Nếu được chấp thuận, những loại vaccine này không chỉ có thể xoa dịu nỗi sợ của những người như Sherry mà còn có thể lấp đầy khoảng trống trong công tác chống dịch toàn cầu.
Cho tới nay, chưa đầy 6% người dân ở các nước thu nhập thấp đã được chủng ngừa Covid-19. Vì thế, với quy trình sản xuất ít tốn kém và điều kiện bảo quản dễ dàng, các loại vaccine protein có thể thu hẹp chênh lệch tiêm chủng giữa các nước giàu và nghèo.
Từ những ngày đầu chống dịch, các nhà nghiên cứu đều dự tính rằng việc phát triển vaccine protein sẽ chậm hơn so với các công nghệ vaccine khác.
Các công ty biết cách sản xuất protein tinh sạch ở quy mô lớn - thông qua tế bào đã qua xử lý từ thú có vú, côn trùng hoặc vi sinh vật - nhưng quy trình này mất rất nhiều bước, và mỗi bước phải được tối ưu hóa.
“Quá trình này vốn dĩ sẽ chậm như vậy”, Christian Mandl, người từng làm giám đốc trong lĩnh vực sản xuất vaccine, cho biết. Hầu hết vaccine protein đang trong giai đoạn thử nghiệm đều được chế tạo dựa trên các phiên bản protein gai của virus SARS-CoV-2. Protein gai là cơ chế giúp virus bám vào tế bào người để lây bệnh.
Indonesia là nước đầu tiên phê duyệt khẩn cấp vaccine Novavax. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh sự trì hoãn đã được lường trước, các nhà sản xuất vaccine protein cũng có một số sai lầm có thể tránh khỏi. Chẳng hạn, khi ông lớn dược phẩm Sanofi và GlaxoSmithKline (GSK) bắt tay nghiên cứu vaccine protein ngừa Covid-19, giới quan sát cho rằng giai đoạn phát triển lâm sàng sẽ diễn ra nhanh chóng.
Nhưng hai công ty này đã dùng sai thuốc thử và tính toán sai liều lượng vaccine. Vì thế, những tình nguyện viên giai đoạn đầu chỉ được tiêm liều lượng bằng 20% so với mức đề ra.
Sơ suất này khiến tiến độ sản xuất của Sanofi và GSK bị chậm lại khoảng 5 tháng vì hai công ty phải làm lại nghiên cứu để tìm ra liều lượng tối ưu cho thử nghiệm giai đoạn cuối.
Loại vaccine protein của Sanofi và GSK hiện ở trong thử nghiệm giai đoạn III với hàng nghìn tình nguyện viên ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latin.
Trong khi đó, các cuộc thử nghiệm quy mô lớn của Novavax và Clover đã cho ra dữ liệu công hiệu vaccine.
Theo một nghiên cứu chưa qua bình duyệt được công bố hồi tháng 10, vaccine protein của Novavax có hiệu quả bảo vệ hơn 90% trước Covid-19 không triệu chứng. Thử nghiệm này có 30.000 người tham gia và được hoàn tất vào đầu năm nay, trước khi xuất hiện biến chủng Delta.
Vaccine protein của hãng Clover ghi nhận công hiệu thấp hơn, chỉ 67% trước Covid-19 có triệu chứng. Tuy nhiên, hãng Clover thử nghiệm vaccine trên những cộng đồng gặp phải các chủng nCoV dễ lây lan hơn như Delta và Mu.
Dù vậy, cả vaccine của Clover và Novavax đều tạo ra lượng kháng thể tương đương vaccine mRNA.
Quá trình phát triển vaccine protein được cho là sẽ chậm hơn công nghệ mRNA. Ảnh: Reuters. |
Những kết quả này cho thấy ứng dụng công nghệ protein vào sản xuất vaccine ngừa Covid-19 “không phải là phương pháp kém hiệu quả hơn chỉ vì tốn nhiều thời gian hơn”, theo Ryan Spencer, CEO hãng Dynavax của Mỹ - nơi điều chế tá dược cho vaccine của Clover.
Các loại vaccine protein có vẻ cũng an toàn với người. Trong số 50 loại vaccine protein ngừa Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng khắp thế giới, chưa loại nào cho tác dụng phụ nghiêm trọng.
Kể cả nhiều tác dụng phụ thường thấy sau khi tiêm vaccine mRNA hoặc vaccine vector virus như đau đầu, ốm, buồn nôn và ớn lạnh cũng ít xuất hiện hơn với vaccine protein.
Ví dụ, chưa đầy 1% người tiêm vaccine protein từ hãng dược Medigen của Đài Loan (Trung Quốc) bị ốm trong nghiên cứu lâm sàng.
“Độ an toàn rất giống với vaccine cúm”, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Szu Min Hsieh thuộc Bệnh viện Đại học Đài Loan ở Đài Bắc - người công bố kết quả thử nghiệm vaccine Medigen giai đoạn II vào hồi tháng 10 - nói.
Dù một số loại vaccine protein thành công trên phương diện công hiệu và thương mại, các loại vaccine khác cũng chưa chắc sẽ có thành công tương tự.
Đầu tiên, hình thái protein gai mà các loại vaccine này sử dụng khác nhau tùy từng sản phẩm. Một số sử dụng loại protein đơn lẻ, một số sử dụng protein bộ ba. Một số sử dụng protein gai hoàn chỉnh, một số khác chỉ dùng một mẩu protein gai.
Một người được tiêm vaccine Medigen tại Đài Bắc, Đài Loan vào tháng 8. Ảnh: Reuters. |
Vaccine protein cũng được sản xuất dựa trên các loại tế bào khác nhau. Novavax và Sanofi/GSK dùng tế bào từ một loại bướm đêm để tổng hợp protein. Clover và Medigen dùng tế bào buồng trứng chuột hamster - tế bào thường được dùng trong ngành công nghiệp hóa sinh.
Ngoài ra, các ứng viên vaccine protein hàng đầu cũng sử dụng tá dược khác nhau. Mỗi loại tá dược sẽ có cách kích thích hệ miễn dịch kiểu riêng, tạo ra các dạng phản ứng miễn dịch khác nhau.
Những yếu tố nói trên đều sẽ tác động tới công hiệu và mức độ an toàn, theo Thomas Breuer, giám đốc y tế toàn cầu của GSK. “Tôi đoán là bạn sẽ thấy có khác biệt, nhưng thời gian và kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ cho chúng ta câu trả lời sau cùng”, ông Breuer nói.
Kết quả thử nghiệm nói trên có khả năng định hình chương trình tiêm nhắc lại ở các nước giàu có, nơi đa số người dân đã được tiêm chủng. Tâm lý lo ngại về tính dung nạp của vaccine mRNA có thể thôi thúc người dân các nước này tìm kiếm các mũi tiêm nhắc lại bằng vaccine protein.
Một khi được phê duyệt, vaccine protein được cho là sẽ nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine tại các nước thu nhập thấp. Chẳng hạn, Novavax và Clover từng cam kết tài trợ hàng trăm triệu liều vaccine trong năm 2022 cho COVAX.
Trong những ngày đầu của cuộc khủng hoảng Covid-19, các nền tảng vaccine như mRNA có lợi thế về mặt tốc độ, Ralf Clemens, một người kỳ cựu trong ngành công nghiệp vaccine và cố vấn khoa học cho hãng Clover, nhận định.
Nhưng lúc này đây, các loại vaccine protein đang dần bắt kịp và chúng sẽ đem lại nhiều ưu thế hơn. Về lâu dài, trên phương diện bảo vệ thế giới trước virus corona, “tôi nghĩ vaccine protein sẽ chiến thắng”, ông Clemens nói.
Theo Zing