Thông thường, trong bối cảnh tính bất định của xã hội và tương lai càng cao thì cộng đồng càng kém trong phân biệt tính chính xác và tính lôgíc của nội dung thông tin họ tiếp nhận. Họ dường như chỉ tin theo các xu hướng chung. Ví dụ có người hiểu sai rằng tin giả là tin thù địch tiêu cực, nên nghe tin tích cực là tự động tin tưởng độ chính xác.
Cơ chế này cũng giống như hội chứng “nghi bệnh” trong y học. Nếu một cá nhân nghi ngờ mình bị bệnh tim thì sẽ luôn tìm kiếm và chú ý đến tất cả các chi tiết, biểu hiện có vẻ chứng minh mình bị bệnh mà bỏ quên mất tất cả những bằng chứng cho thấy trái tim mình khỏe mạnh. Trên truyền thông, nếu trong đầu đã có những nhận thức sai lầm, cá nhân dường như sẽ bỏ qua tất cả những thông tin đúng đắn mà chỉ tìm đọc và chia sẻ những thông tin phù hợp với nhận thức niềm tin của họ.
Rồi bối cảnh giãn cách xã hội khiến chúng ta đang trở nên quá tải với các trách nhiệm khiến mỗi cá nhân chỉ dùng một đơn vị thời gian rất nhỏ để tiếp nhận và xử lý thông tin nên chẳng còn thời gian để đặt ra các câu hỏi phản biện hoặc dành thời gian để kiểm tra chéo các nguồn để xác định tính chính xác.
Giãn cách kéo dài cũng khiến nhiều người căng thẳng và kiệt sức. Trạng thái căng thẳng gây rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh trong não như serotonin và dopamin làm cho cá nhân mất khả năng điều hòa cảm xúc và mất khả năng kiểm soát hành vi xung động. Đó là lý do khiến chúng ta thiên về xử lý thông tin bằng cảm xúc chứ không xử lý thông tin bằng lý trí. Đó cũng là một nguyên nhân khiến chúng ta phải chia sẻ ngay, bình luận ngay về những gì chúng ta nghe thấy, nhìn thấy dẫu chưa được kiểm chứng đầy đủ.
Mà cũng phải thừa nhận, tin giả cũng có tính “kích thích” của nó. Sự thật chỉ có một và giản dị, còn “tin giả” thì muôn hình vạn trạng, lại được hóa trang, đeo mặt nạ với đủ kiểu độc lạ để hút sự chú ý. Có nghiên cứu đã chỉ ra, tin giả có xu hướng được chia sẻ lại nhiều hơn tin thật khoảng 70% cũng chính bởi tính “kích thích” bề nổi này. Việc chia sẻ tin giả thậm chí cũng xuất hiện ở những người có trình độ học vấn cao.
Đối với một số người thì việc bịa ra một câu chuyện giống như một cách “giải trí” của cá nhân, một cách tự làm cho bản thân hưng phấn hơn và thoát khỏi sự nhàm chán, lo lắng và thất vọng của việc giãn cách. Nhưng sau khi chia sẻ câu chuyện, thấy cộng đồng tin, khóc cười với câu chuyện họ bịa ra. Rồi những bình luận, thích, chia sẻ câu chuyện đi xa làm cho họ cảm thấy có quyền lực, cảm thấy có khả năng dẫn dắt ảnh hưởng người khác… Đó là động cơ để họ tiếp tục bịa ra những câu chuyện mới.
Tuy nhiên, thỏa mãn cảm giác thao túng người khác chỉ là mức độ ít nguy hiểm nhất của tin giả. Còn nếu vì mục tiêu kinh tế thì đó là những trò chơi khăm, lừa đảo tiền bạc từ lòng thương người của cộng đồng. Và nếu có chủ đích lừa đảo nhưng không vì mục tiêu kinh tế, đó có thể là những tin giả gây hoang mang, gieo thái độ thù địch, chống phá chế độ, chống phá những cố gắng chống dịch của chính quyền.
Vì vậy, tại thời điểm hiện tại, chúng ta vừa phải chống dịch, vừa phải chống tin giả. Một số loại “vaccine” hữu hiệu chống tin giả mà mỗi cá nhân có thể sử dụng bao gồm thực hành theo Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TT-TT mới ban hành, tự trang bị cho mình một số kỹ năng đánh giá, thẩm định thông tin. Hãy chọn cho mình 1-2 kênh đáng tin cậy nhất để cập nhật tình hình (như báo chí chính thống, cổng thông tin Bộ Y tế...).
Mỗi cá nhân có thể dành thời gian giãn cách này để tạo dựng những quan hệ mới, chữa lành những mối quan hệ có vấn đề trong đời thực và dành thời gian cho các sở thích khác. Đây là một cơ hội tốt để quản lý thời gian sử dụng mạng xã hội và thực hành chia sẻ có ý thức, đọc có chọn lọc, bình luận có trách nhiệm, thích có chừng mực và bình tĩnh đánh giá mọi nguồn tin.
PGS-TS TRẦN THÀNH NAM, Đại học Quốc gia Hà Nội