Những thông tin rộ lên về việc Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân thời gian gần đây đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về cuộc chạy đua giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cạnh tranh khốc liệt
Đầu tháng 11, Lầu Năm Góc công bố báo cáo thường niên cho biết Trung Quốc đã gia tăng mạnh mẽ tiềm lực quân sự, đồng thời thừa nhận khả năng phát triển các loại vũ khí tiên tiến của Bắc Kinh đã vượt ra ngoài dự báo của Washington. Theo đó, Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân của nước này, hướng đến việc sở hữu 700 đầu đạn hạt nhân vào năm 2027, cán mức 1.000 đầu đạn vào năm 2030.
Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua phát triển tiềm lực quân sự. (Ảnh: Reuters)
Báo cáo tương tự của Lầu Năm Góc năm ngoái cho biết, Trung Quốc chỉ có khoảng 200 đầu đạn hạt nhân và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Sự thay đổi trong chiến lược hạt nhân của Bắc Kinh hiện tại hoàn toàn nằm ngoài những gì Washington đoán định trước đó.
Tham vọng phát triển kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc còn được thể hiện ở việc nước này hướng đến xây dựng hoàn thiện bộ 3 răn đe hạt nhân, với khả năng triển khai loại vũ khí hủy diệt này từ tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa hành trình phóng từ máy bay và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Trước khi Lầu Năm Góc công bố thông tin về sự thay đổi bất thường đối với kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) từng đưa ra các bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã xây khoảng 300 hầm chứa tên lửa mới có thể được dùng cho tên lửa đạn đạo.
Địa điểm xây dựng các bệ phóng tên lửa này được xác định nằm ở các thành phố Ngọc Môn (Cam Túc), Cáp Mật (khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ), Ngạc Nhĩ Đa Tư (khu tự trị Nội Mông).
Dù được đánh giá có những bước phát triển mạnh mẽ về tiềm lực quân sự, song kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc vẫn ít hơn nhiều so với Mỹ và Nga. Tháng 10/2021, lần đầu tiên sau 4 năm, Mỹ đã cho công khai số lượng đầu đạn hạt nhân mà nước này sở hữu, thông tin vốn bị cấm tiết lộ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Theo đó, tính đến ngày 30/9/2020, quân đội Mỹ duy trì 3.750 đầu đạn hạt nhân đã kích hoạt và 2.000 đầu đạn trong số này đang được chờ giải trừ, giảm 55 đầu đạn so với trước đó một năm và 72 đầu đạn so với năm 2017. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ ghi nhận số đầu đạn hạt nhân của nước này xuống thấp kỷ lục so với giai đoạn đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh, với tổng cộng 31.255 đầu đạn vào năm 1965.
Trong khi đó, đầu năm nay, số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm cũng cho biết, Nga hiện sở hữu 6.255 đầu đạn hạt nhân. Còn các quốc gia khác cũng đang có dấu hiệu gia tăng đầu đạn hạt nhân, với Anh là 225 và Pháp là 290. Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên có khoảng 460 đầu đạn.
Các chuyên gia cho rằng, trong chiến lược hạt nhân của mình, Trung Quốc chú trọng phát triển các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Trên thực tế, năng lực tên lửa của Bắc Kinh hiện khó theo kịp Washington về tầm bắn, do đó, xây dựng hạm đội tàu ngầm đủ mạnh, hiện diện ở nhiều vùng biển trên thế giới là giải pháp tối ưu để có thể đối phó với đối thủ trong trường hợp xảy ra cuộc chiến tranh hạt nhân.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết, Trung Quốc sẽ có ít nhất 8 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo trong biên chế vào năm 2030, trong đó có 6 tàu ngầm Type 094 đang hoạt động và 2 chiếc Type 096 đang được đóng mới. Tàu Type 094 có thể mang theo ít nhất 12 tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm JL-2, hoặc JL-3, còn các tàu Type 096 cũng sẽ được trang bị mới với JL-3 (tầm bắn có thể vươn đến mọi mục tiêu trên đất Mỹ).
Lực lượng tàu ngầm hạt nhân sẽ đóng vai trò quan trọng đối với khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc trong tương lai.
Nguy cơ tiềm tàng
“Các nước giờ đây không chỉ dùng vũ khí hạt nhân mà còn dùng vũ khí siêu thanh, tên lửa siêu thanh. Trên tên lửa siêu thanh có thể gắn nhiều đầu đạn hạt nhân, phóng đi các hướng khác nhau. Điều này rất nguy hiểm và sẽ là thách thức lớn cho các nước, trong đó có cả Mỹ”, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.
Trong tháng 10, giới chức Mỹ cũng từng lên tiếng về việc Trung Quốc tiến hành 2 vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh, loại vũ khí này có thể đạt đến vận tốc Mach 5 (hơn 6.000km/h) ở giữa hành trình bay. Các cuộc thử nghiệm được tiến hành lần lượt vào tháng 7 và tháng 8/2021.
Đối với một loại vũ khí có vận tốc bay Mach 5, có thể mang đầu đạn hạt nhân, tầm bắn xa, tấn công mục tiêu trong thời gian ngắn, thì khả năng bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không thông thường là không thể. Đây đều là những ưu điểm có thể thấy rõ trên các loại vũ khí siêu thanh.
Chính vì vậy, Trung Quốc được coi là nhân tố "đáng gờm" với nhiều dự án phát triển vũ khí siêu thanh trong thời gian qua. Mục tiêu của Bắc Kinh khi theo đuổi loại vũ khí này là vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, vốn được thiết kế để đánh chặn các hệ thống tên lửa đạn đạo thông thường.
Sự tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ vũ khí siêu thanh của Trung Quốc buộc Mỹ phải hành động. Washington không chịu ngồi yên, và đặt ra những ưu tiên mới trong việc phát triển các loại tên lửa siêu thanh.
Theo Văn phòng Trách nhiệm Giải trình Chính phủ Mỹ (GAO), Mỹ hiện có 70 dự án vũ khí siêu thanh hoặc liên quan vũ khí siêu thanh, được đầu tư khoảng 15 tỷ USD cho giai đoạn từ năm 2015-2024. Hơn nữa, cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) cũng đề xuất cấp 247,9 triệu USD trong tài khóa 2022 để phát triển khả năng phòng thủ chống lại vũ khí siêu thanh.
Cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh đang được xem là ưu tiên của Mỹ và Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Lầu Năm Góc hồi tháng 9 cho biết, đã phóng thử nghiệm một mẫu vũ khí siêu thanh với tốc độ Mach 5. Một tháng sau, hải quân và lục quân Mỹ cũng thử nghiệm các nguyên mẫu là thành phần vũ khí siêu thanh. Ba trong số các thử nghiệm đã thành công.
Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Izumi Nakamitsu từng cảnh báo, nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng do hành động cố ý, do sự cố hoặc tính toán sai lầm đang ở mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Liên Hợp Quốc cũng nhận thấy “ý nghĩa ngày càng gia tăng” của vũ khí hạt nhân trong chiến lược phát triển của nhiều nước, bày tỏ quan ngại về nguy cơ loại vũ khí này được sử dụng.
Năm 1985, lãnh đạo Liên Xô - Mikhail Gorbachev và lãnh đạo Mỹ - Ronald Reagan, lúc bấy giờ đã đưa ra một nguyên tắc được sử dụng cho đến ngày nay. Theo nguyên tắc này, sẽ không có “bên chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân, và không nước nào được khai chiến”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nước cạnh tranh phát triển vũ khí hạt nhân như hiện nay và thậm chí không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong các cuộc xung đột khu vực, nguyên tắc này không còn phù hợp và làm tăng đáng kể nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, các nước lớn cho rằng để kết thúc vấn đề theo ý chí của một bên thì quân sự luôn là giải pháp ưu tiên, trong đó vũ khí hạt nhân được xem là đòn quyết định trong các cuộc xung đột, cạnh tranh.
“Mỹ đã quyết định ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945 để kết thúc chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Theo cách giải thích của Washington, nếu không hành động như vậy khó kết thúc được chiến tranh và nếu chiến tranh thông thường tiếp diễn cũng sẽ cướp đi sinh mạng của hàng triệu người”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cho hay.
Lối thoát?
Giới phân tích quân sự cho rằng, trong các nước sở hữu vũ khí hạt nhân hiện nay, Mỹ và Nga là những quốc gia có hệ thống trả đũa hạt nhân được thiết lập khi xảy ra các cuộc tấn công hạt nhân và hệ thống này được liên kết trực tiếp với hệ thống cảnh báo sớm tên lửa. Ngay cả khi chỉ một bên sử dụng một số ít vũ khí hạt nhân chiến thuật, điều đó cũng có thể dẫn đến những hậu quả không thể tưởng tượng được.
Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện nay nếu một cuộc xung đột hạt nhân nổ ra giữa Nga và Mỹ, sẽ kéo theo 1.700 vụ nổ hạt nhân chỉ trong 5 giờ và sẽ có ít nhất 100 triệu người thương vong.
Rõ ràng, viễn cảnh về một cuộc chiến tranh hạt nhân là điều không bất kỳ quốc gia nào mong muốn, và chắc rằng không nước nào muốn mình sẽ là bên kích hoạt các ngòi nổ hạt nhân. Nhận thức được điều đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sớm thông qua Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NTP) vào ngày 12/6/1968. Đây được xem là một trong những văn kiện pháp lý quốc tế cơ bản của cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Trung Quốc đầu tư phát triển mạnh mẽ năng lực quân sự thời gian gần đây. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ, hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới là Nga và Mỹ đã liên tục thảo luận về các hiệp ước vũ khí nhằm kiềm chế, ngăn chặn nhau phát triển, triển khai vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 2, Washington và Moskva đã gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START). Đây là hiệp ước duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai nước.
New START cho phép mỗi nước triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Hơn nữa, Mỹ và Nga cũng bị giới hạn về số lượng tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và tàu ngầm, cũng như oanh tạc cơ mang bom và tên lửa hành trình hạt nhân.
Trước sự phát triển mạnh mẽ về năng lực hạt nhân của Trung Quốc, Washington nhiều lần kêu gọi, yêu cầu Bắc Kinh phải tham gia vào hiệp ước New START cùng với Mỹ và Nga. Cựu Tổng thống Donald Trump từng có ý tưởng về một sáng kiến kiểm soát vũ khí hạt nhân ba bên với Nga và Trung Quốc nhằm tránh một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém.
New START chỉ có Mỹ và Nga tham gia, nên Trung Quốc không bị hạn chế theo hiệp ước này. Bắc Kinh cũng có lý do để từ chối tham gia vào hiệp ước cùng Washington và Moskva. Trung Quốc phải tính đến kịch bản về khả năng xảy ra cuộc xung đột leo thang với Mỹ, để có thể chủ động nếu xảy ra trường hợp như vậy, Bắc Kinh cần có đủ tên lửa, có thể được phóng từ bất cứ đâu và có đủ đầu đạn để xáo trộn các biện pháp đối phó của Washington.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, việc Trung Quốc tích cực phát triển vũ khí hạt nhân thời gian qua là dấu hiệu đáng quan ngại, việc lôi kéo Bắc Kinh tham gia vào hiệp ước New START là cần thiết song điều này không hề dễ.
“Tên lửa hạt nhân của Trung Quốc được cho sẽ nhằm mục tiêu chủ yếu vào Mỹ, cụ thể là các căn cứ quân sự của Mỹ nằm ở chuỗi đảo thứ nhất, chuỗi đảo thứ 2 và trên đảo Guam. Và Mỹ muốn kéo Trung Quốc ngồi vào đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân song Bắc Kinh chưa đồng ý với lý do kho vũ khí nước này chưa đáng kể so với Washington. Trong khi đó, Nga cũng muốn cả Anh và Pháp tham gia New START, không chỉ riêng Trung Quốc. Chính vì thế, hai bên vẫn đang nhùng nhằng, chưa ngã ngũ”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân phân tích.