Cuộc họp của thành viên CPTPP vào tháng 10/2020 tại London - Anh. Ảnh: Nikkei
Mới đây, Nhật, Australia đã tiếp bước một số nước đồng minh khác của Mỹ thể hiện quan điểm thận trọng với việc Trung Quốc muốn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPP), họ hoài nghi về khả năng Trung Quốc sẽ chấp thuận những tiêu chuẩn cao về thương mại tự do trong hiệp định này, theo bài đăng từ Nikkei.
Ngoài ra, cũng có những lo lắng về việc khi Trung Quốc gia nhập TPP, Trung Quốc sẽ có thể thay đổi những quy định của CPTPP để phù hợp với lợi ích của nước này.
“Chúng ta cần phải quyết định xem Trung Quốc liệu có sẵn sàng tuân thủ những tiêu chuẩn cao mà hiệp định yêu cầu hay không”, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Hiroshi Kajiyama tuyên bố mới đây. Nhật là thành viên của CPTPP. Việc Bắc Kinh sẵn sàng thỏa hiệp với các vấn đề kiểu như trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi.
Nước thành viên Australia cũng thể hiện quan điểm hoài nghi. Khi Australia kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc của virus corona, Trung Quốc đã ngay lập tức trả đũa bằng cách áp thuế với sản phẩm rượu của Trung Quốc và áp mức trần nhập khẩu sản phẩm thịt và than đá từ Australia.
Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan cho biết: “Như chúng tôi đã nói với phía Trung Quốc, có những vấn đề quan trọng cần đến sự hợp tác từ các bộ ngành các nước thành viên”. Ông muốn phát đi thông điệp rằng Canberra sẽ không ủng hộ khởi động đàm phán bàn về việc Trung Quốc gia nhập CPTPP trừ khi các biện pháp hạn chế thương mại của phía Trung Quốc bị loại bỏ.
Việc Trung Quốc gia nhập CPTPP cũng khiến cho nhiều nước lo lắng Bắc Kinh sẽ sử dụng quy mô thị trường cực lớn nhằm xoay chuyển tình hình theo ý mình.
Rất ít chuyên gia phân tích tin rằng Trung Quốc sẽ được chấp thuận cho gia nhập CPTPP, nhưng họ nhìn việc Trung Quốc thể hiện ý định muốn gia nhập như cách Bắc Kinh tận dụng khoảng trống mà phía Mỹ tạo ra khi Mỹ không muốn gia nhập bất kỳ hiệp định thương mại mới nào.
Ban đầu, Nhật và Mỹ dẫn đầu trong những nỗ lực hình thành thỏa thuận thương mại này như một đối trọng kinh tế với Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tuy nhiên vào năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó đã rút khỏi CPTPP ngay khi ông nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Dù rằng đã rút khỏi hiệp định, phía Mỹ vẫn thể hiện sự không hài lòng khi Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP.
“Chúng tôi cho rằng các hành vi phi thị trường và việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để gây sức ép với các nước khác chắc chắn sẽ được tính đến khi các nước cân nhắc về việc Trung Quốc gia nhập CPTPP”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Theo quan điểm của chính phủ Nhật, việc Mỹ trở lại CPTPP có thể coi như cách tiếp cận tốt nhất nhằm ứng phó với Trung Quốc, tuy nhiên bản thân nội tại nước Mỹ đang có khá nhiều sự phản đối với CPTPP.
Trung Quốc đã chính thức nộp hồ sơ xin gia nhập hiệp định thương mại Thái Bình Dương trong đó thành viên bao gồm Nhật, Australia, Malaysia và nhiều nền kinh tế khác trong khu vực, theo Bộ Thương mại Trung Quốc công bố vào ngày thứ Năm.
Theo báo Nikkei, trong cuộc đối thoại qua điện thoại với Ngoại trưởng New Zealand – ông Damien O'Connor, Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Wentao đã nói chính thức về việc Trung Quốc sẽ gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với tên được biết đến trước đây là TPP. Hồ sơ giấy tờ gia nhập cũng đã được gửi đến các nước thành viên.
New Zealand hiện đang là nước chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề giấy tờ liên quan đến CPTPP.
Việc Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP không phải diễn biến mới, trước đây từ tháng 11/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói đến việc Trung Quốc sẽ cân nhắc vào CPTPP.
Trung Quốc đang vận động và ráo riết với tất cả các biện pháp cần thiết để có thể gia nhập Hiệp định Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào ngày 1/1/2022 đúng theo kế hoạch.
Hiệp định này bao gồm 15 nước thành viên trong đó có nhiều nước Đông Nam Á. Việc Trung Quốc cố gắng gia nhập CPTPP cũng như RCEP cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tăng cường gia tăng sức ảnh hưởng kinh tế lên trật tự thế giới.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP có thể gây ra căng thẳng giữa nước này với một số nước thành viên. Việc gia nhập CPTPP được dựa trên nguyên tắc đồng thuận chung từ tất cả các nước thành viên.