Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Nga trong chuyến công du châu Âu đầu tiên trên cương vị tân Chủ tịch nước Việt Nam "cho thấy Nga là điểm đến chính trị quan trọng nhất đối với Việt Nam", ông Grigory Trofimchuk, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu khoa học Ý tưởng Á - Âu, trả lời Zing trước chuyến thăm của Chủ tịch nước đến Nga (diễn ra trong các ngày 29/11-2/12).
"Chuyến thăm chính thức đầu tiên của tân Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đến Liên bang Nga tự nó đã là một sự kiện lịch sử, một biểu tượng chính trị", ông khẳng định.
Ông Trofimchuk cho biết Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được biết đến nhiều ở Nga, qua công việc trước đó của ông trên cương vị Thủ tướng.
"Có thể tin tưởng rằng những dự định và kế hoạch trước đây giữa hai nước sẽ nhận được những động lực mới. Ông Nguyễn Xuân Phúc là một người bạn, người đồng chí đáng tin cậy", ông Trofimchuk cho biết.
Trong khi đó, tiến sĩ Alexander Korolev, chuyên gia về chính trị và chính sách đối ngoại Nga tại Đại học New South Wales, Australia, ghi nhận lịch sử lâu dài trong quan hệ Việt Nam - Nga. Vào năm 2020, Việt Nam và Nga đã kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trước đó, hai nước trở thành Đối tác chiến lược toàn diện từ tháng 7/2012.
Bất chấp Covid-19, quan hệ Việt - Nga vẫn được tiếp nối qua những cuộc điện đàm và hội nghị trực tuyến. Sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh, hai nước cuối cùng cũng khôi phục trao đổi đoàn cấp cao, thông qua chuyến công du sắp tới của Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi ấy là Thủ tướng) gặp Tổng thống Vladimir Putin năm 2016. Ảnh: TTXVN. |
Hoạt động biểu tượng và thực chất đều quan trọng
Theo tiến sĩ Korolev, chuyến thăm Nga lần này của Chủ tịch nước dự kiến mang lại các kết quả thực chất.
“Hai nước nhiều khả năng sẽ ký kết thỏa thuận mới về việc nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19 của Nga (như Sputnik V). Cũng có thể hai nước sẽ có tiến triển trong quan hệ hợp tác chiến lược, bao gồm hợp tác kỹ thuật quân sự”, ông dự đoán.
Tiến sĩ Korolev cho rằng hai bên cũng sẽ dành sự chú ý đáng kể cho việc đưa hợp tác du lịch - lĩnh vực vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 - trở lại bình thường.
Tiến sĩ Alexander Korolev. Ảnh: UNSW. |
Bất chấp ảnh hưởng của Covid-19, hai bên duy trì đà tăng trưởng tích cực trên phương diện kinh tế. Năm 2020, kim ngạch hai nước đạt 4,85 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2019. Con số này đạt 2,6 tỷ USDtrong nửa đầu năm 2021, tăng 12,5% so với cùng kỳ 2020, theo Bộ Ngoại giao.
Theo tiến sĩ Korolev, một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Nga là trên lĩnh vực năng lượng và quân sự.
“Về hợp tác quốc phòng, Nga đã đẩy mạnh chuyển giao hệ thống vũ khí để giúp tăng cường năng lực phòng vệ của Việt Nam. Giữa hai nước cũng tồn tại các cơ chế trao đổi thông tin trong hợp tác quốc phòng”, ông Korolev nói. “Moscow còn từng giúp Việt Nam xây dựng căn cứ tàu ngầm và xưởng sửa chữa, đóng tàu ở Cảng Cam Ranh”.
“Về hợp tác năng lượng, năm 2013, Hà Nội và Moscow đồng ý kéo dài quan hệ đối tác năng lượng cho tới hết năm 2030”, ông Korolev nói.
Tháng 7/2016, Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên ký kết hiệp định thương mại tự do với khối Liên minh Kinh tế Á Âu do Nga dẫn dắt.
Tiến sĩ Korolev chỉ ra rằng những lĩnh vực trên cũng nhiều khả năng sẽ là lĩnh vực hai nước tiếp tục hợp tác trong tương lai.
"Ngoài ra, hợp tác về sản xuất vaccine ngừa Covid-19 còn là một cơ hội khác cho quan hệ song phương Nga - Việt", ông Korolev chỉ ra.
Trong khi đó, chuyên gia Trofimchuk nói rằng hoạt động mang tính biểu tượng như viếng thăm lăng lãnh tụ V.I. Lenin cũng sẽ là điểm nhấn.
"Không phải tất cả lãnh đạo nước ngoài ngày nay đều đưa hoạt động này vào chương trình của chuyến thăm, và hầu hết người Nga đều cảm thấy hài lòng về điều này", ông nói.
"Nếu bỏ quên trang sử hào hùng và vĩ đại của lịch sử thế giới và dân tộc, chúng tôi sẽ không thể đưa nền kinh tế của mình lên tầm cao mong muốn, vì chúng tôi hiểu rõ thái độ của người Việt và quan chức Hà Nội đối với di sản lịch sử của chúng tôi", theo chuyên gia Trofimchuk.
Grigory Trofimchuk, chuyên gia về các vấn đề quốc tế, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu khoa học “Ý tưởng Á - Âu”. Ảnh: NVCC. |
Dư địa cho tương lai
Trả lời Zing, ông Trofimchuk nhắc lại điều từng viết trong cuốn sách Việt Nam Cất Cánh (2020) rằng "Việt Nam không xây dựng quan hệ với Nga trên cơ sở chính trị cơ hội. Tất cả những điều này sẽ cho phép chúng ta thúc đẩy các kế hoạch, dự định trong tương lai mà không có bất kỳ lo ngại hay do dự nào".
Trong tương lai, ông cho rằng "để đưa quan hệ của chúng ta lên một tầm cao mới, trước hết, cần đảm bảo rằng người Nga và ngưởi Việt hiểu nhau hơn. Chỉ khi đó, nền kinh tế của chúng ta mới có thể tiến lên phía trước".
Về mặt thực tiễn, ông đề xuất Việt Nam và Nga tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên cao hơn, bởi tài nguyên và trữ lượng cho phép. Hai nước cũng nên tận dụng hơn nữa định dạng quan hệ cấp vùng, khi các vùng, lãnh thổ và các nước cộng hoà thuộc Nga có thể hợp tác trực tiếp với các tỉnh của Việt Nam.
Trong khi đó, chuyên gia của Đại học New South Wales cũng nhận định Việt Nam và Nga đều gặt hái được lợi ích khi tăng cường hợp tác. “Ở chiều ngược lại, Việt Nam không chỉ là đối tác quan trọng đơn thuần với Nga mà còn là cánh cổng dẫn vào các tổ chức đa phương ở khu vực”, tiến sĩ Korolev nói.
Một trong 6 chiếc tàu ngầm lớp Varshavyanka 636.1 (hay Kilo) mà Việt Nam đặt mua của Nga. Ảnh: Nam Khánh.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga tại Đông Nam Á, với khối lượng giao thương ngày một tăng. Hợp tác với Việt Nam cũng giúp Nga đa dạng hóa quan hệ kinh tế và an ninh trong khu vực, theo ông Korolev.
“Giữa hai nước cũng có các dự án hợp tác dài hạn sử dụng công nghệ cao, như việc Nga góp mặt trong quy hoạch 10 năm phát triển ngành điện quốc gia của Việt Nam”, ông Korolev cho biết.
Đặc biệt, tiến sĩ Korolev nhấn mạnh Việt Nam đã luôn là cầu nối giữa Nga với ASEAN. Năm 1996, Việt Nam ủng hộ để Nga trở thành đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN và tham gia vào Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS).
"Việc Việt Nam tham gia vào Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) đã tạo điều kiện cho phép hội nhập Á - Âu tiến vào Đông Nam Á, nơi Việt Nam đã trở thành một trong những đầu tàu kinh tế của ASEAN", ông Trofimchuk nói thêm.
Trong dài hạn, ông đề xuất Moscow và Hà Nội đánh giá kịp thời những thách thức trong thế giới hiện đại, vì tình hình "rõ ràng đã thay đổi trong bối cảnh của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19".
"Có nhiều loại thách thức khác mà chúng ta cần cùng nhau giải quyết như năng lượng 'xanh' - lĩnh vực cả Nga và Việt Nam đều có những thành công đáng kể; lĩnh vực công nghệ cao và nhiều lĩnh vực khác", ông nói.
"Ví dụ, các nhà khoa học Nga có một đề xuất hấp dẫn về việc xây dựng cảng hàng vũ trụ quốc tế ở miền Nam Việt Nam. Điều này lập tức nâng tầm hợp tác của chúng ta lên tầm cao không gian, theo đúng nghĩa đen. Nói cách khác, điều quan trọng là hai bên cần đạt được bước ngoặt mới, thực sự ngoạn mục, vượt ra ngoài thông lệ", ông nói.
Chuyến đi thể hiện đường lối đối ngoại "hiệu quả"
Theo tiến sĩ Korolev, chuyến thăm chính thức Nga lần này của Chủ tịch nước là tín hiệu cho thấy Hà Nội đang cố gắng đa dạng hóa các đối tác chiến lược của mình, đồng thời thể hiện Việt Nam đang hướng tới duy trì thế cân bằng giữa lợi ích của các cường quốc.
Vị tiến sĩ đánh giá đường lối đối ngoại nói trên “rất hiệu quả”, vì việc xây dựng quan hệ đối tác thân thiết hơn với Nga cho phép Việt Nam có thêm lợi thế phòng ngừa rủi ro, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn leo thang.
Quan hệ thân cận hơn với Nga còn giúp Việt Nam vừa tiếp cận được với công nghệ năng lượng và trang thiết bị quân sự tiên tiến, vừa có thể giữ được thế trung lập trong cạnh tranh giữa các cường quốc, theo ông Korolev.