Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters
“Chúng tôi lo ngại về việc nhiều người có cảm giác 'an toàn giả tạo' rằng vắc xin đã giúp chấm dứt đại dịch. Họ nghĩ rằng những người đã tiêm vắc xin không cần thực hiện bất cứ biện pháp phòng ngừa nào khác”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một cuộc họp báo về tình hình COVID-19 ở châu Âu.
Ông Tedros cảnh báo rằng “chưa có quốc gia và vùng lãnh thổ nào hết dịch”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “áp dụng các biện pháp phù hợp để ngăn chặn hậu quả tồi tệ của bất cứ làn sóng dịch nào trong tương lai”.
Ông cũng kêu gọi các bên chia sẻ thành quả của khoa học và từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin ngừa COVID-19.
Trước đó một ngày, WHO cho biết tổng số ca tử vong do COVID-19 ở châu Âu có thể tăng từ 1,5 triệu ca lên 2,2 triệu ca trong mùa đông năm nay nếu làn sóng hiện tại không được kiểm soát.
Trong báo cáo mới nhất, WHO cảnh báo tình hình sẽ trở nên “căng thẳng, thậm chí cực kỳ căng thẳng trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) ở 49 trên tổng số 53 quốc gia khu vực châu Âu từ nay đến ngày 1/3/2022”.
“Tổng số ca tử vong có thể lên tới hơn 2,2 triệu ca vào mùa xuân năm sau”, WHO dự đoán, tăng 700.000 ca so với con số 1,5 triệu ca hiện tại.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) mới đây đã thay đổi quan điểm về việc tiêm vắc xin liều tăng cường, và khuyến nghị áp dụng mũi tiêm thứ ba cho tất cả những người trưởng thành, ưu tiên những người trên 40 tuổi, thay vì chỉ tiêm cho người già yếu, suy giảm miễn dịch.
“Bằng chứng từ Israel và Anh cho thấy liều tăng cường có thể gia tăng đáng kể khả năng bảo vệ khỏi nguy cơ nhiễm virus và mắc bệnh nặng ở tất cả các nhóm tuổi trong thời gian ngắn”, ECDC cho biết trong một báo cáo.
Andrea Ammon, người đứng đầu ECDC, khuyến cáo các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nên đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, triển khai tiêm liều tăng cường và áp dụng các biện pháp hạn chế khác.
“Và cả ba việc đó nên được thực hiện ngay bây giờ”, bà Ammon nhấn mạnh. “Chúng ta không được lựa chọn.”
Theo dữ liệu của ECDC, khoảng 66% dân số của Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm chủng đủ liều. “Vẫn còn một khoảng trống tiêm chủng lớn mà chúng ta không thể lấp đầy ngay lập tức. Và điều đó đã tạo điều kiện cho virus lây lan”, bà Ammon nói.
Theo người đứng đầu ECDC, biện pháp phong toả - giống như những gì Áo đang làm - là một chiếc “phanh khẩn cấp”, được sử dụng khi “chúng ta muốn giảm số ca bệnh trong thời gian ngắn”.
Khi được hỏi có cần thiết phải huỷ bỏ các lễ hội cuối năm hay không, bà Ammon cho biết: “Chúng ta vẫn còn khoảng một tháng nữa mới đến Giáng sinh. Nhưng nếu tình hình không được cải thiện, thì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng nên được áp dụng trong suốt kỳ nghỉ lễ.”