Ngày 21/2, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch về việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư cho dự án Vành đai 3. Thành phố đặt mục tiêu đến ngày 30/6 sẽ bàn giao 90% mặt bằng và khởi công dự án, đến 31/12 sẽ hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng.
Nếu tiến độ được đảm bảo, TP.HCM thực hiện bàn giao mặt bằng vượt kế hoạch trước đó, 70% mặt bằng vào ngày 30/6.
Để thực hiện kế hoạch, thành phố đang huy động hệ thống chính trị các quận huyện vào cuộc. TP.Thủ Đức và 3 huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi báo cáo hàng tuần, hàng quý tình hình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án, kịp thời đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Hạ tầng giao thông TP.HCM cần được nâng cấp mạnh mẽ
Theo quy định, để khởi công dự án, công tác giải phóng mặt bằng phải đạt ít nhất 70%. TP.HCM lập kế hoạch khởi công Vành đai 3 vào tháng 6 để kịp hoàn thành vào năm 2025. Cùng với TP.HCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An cũng đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để cùng khởi công vào tháng 6.
Dự án vành đai 3 TP.HCM dài 76km, tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, gồm 8 dự án thành phần. Mỗi địa phương thực hiện 2 dự án thành phần gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng. Đoạn qua địa bàn TP.HCM dài 47km, có 1.683 trường hợp giải tỏa mặt bằng với diện tích thu hồi đất hơn 412ha.
Dự án metro 2 Bến Thành - Tham Lương bị chậm tiến độ
Trên địa bàn TP.HCM, không ít dự án bị chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng “vỡ kế hoạch”. Trong đó, dự án tàu điện ngầm (metro) số 2 (Bến Thành - Tham Lương) do Ban Quản lý đường sắt đô thị làm chủ đầu tư vừa bị UBND thành phố điểm tên.
Tuyến metro số 2 dài hơn 11,3km, gồm 1 ga trên cao, 9 ga ngầm và 1 depot. Metro số 2 đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú, được phê duyệt năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, sau đó điều chỉnh lên 2,1 tỷ USD (tương đương 48.000 tỷ đồng) vào cuối năm 2019.
Dự án có diện tích chiếm dụng 251.130m2 với 603 hộ bị ảnh hưởng, bàn giao mặt bằng đạt 85%. Tuy nhiên, thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận 3 vướng mắc nên tiến độ giải phóng mặt bằng bị chậm.
Ngoài ra, toàn bộ công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời trong năm 2024 để nhà thầu thi công vào năm 2025. Hiện tiến độ thẩm định, phê duyệt, thiết kế dự toán bồi thường di dời tái lập hệ thống cấp nước rất chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ dự án trọng điểm này.
Lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm về dự án chậm tiến độ, do chưa thực hiện đúng chỉ đạo trong thông báo ngày 9/12/2022 của Văn phòng UBND thành phố.
Ngoài ra, 1 công trình giao thông tại TP.HCM cũng bị chậm tiến độ là dự án xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.
Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 4/2020, dự kiến hoàn thành vào quý 4/2023. Công trình sau khi hoàn thành được kỳ vọng giúp giảm ùn tắc giao thông tại khu vực phía Nam thành phố.
Tuy nhiên vào tháng 10/2022, Sở GTVT TP.HCM thu hồi giấy phép và đình chỉ thi công dự án. Bởi việc thi công làm hư hỏng mặt đường, gây mất an toàn giao thông tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. So với tiến độ đề ra, hầm chui thi công chậm hơn 1 năm, khối lượng mới đạt hơn 34%.
Hiện dự án trong giai đoạn thi công hạng mục đốt hầm kín, đốt hầm hở, trạm bơm của hầm chui và di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Tuy vậy, các hạng mục này đều chỉ đạt từ 27-52% khối lượng thi công, chậm tiến độ.