Quán cơm 2.000 đồng/suất ở khu vực cư xá Lữ Gia, P.15, Q.11 (TP.HCM) cứ vào mỗi trưa thứ hai, tư, sáu luôn nườm nượp thực khách. Trong số phần lớn là những người bán vé số dạo, thu mua ve chai, chạy xe ôm, xích lô..., có rất nhiều bạn học sinh, sinh viên nghèo ở các tỉnh, thành đến TP.HCM trọ học. Địa chỉ cụ thể của quán mới được chuyển đến là 2 căn nhà khang trang tại số 54/21 đường 281. Quán được bố trí bài bản với khu vực bàn tiếp khách, phát thẻ cơm, nước uống, bếp nấu, khu vực bàn ăn với đầy đủ ghế ngồi thoáng mát.
Ban đầu, tôi cứ nghĩ “cơm hai ngàn” chắc sẽ rất đơn sơ, vì “tiền nào của nấy”. Hóa ra, khi trực tiếp làm khách của quán, tôi mới nhận ra ý nghĩ ban đầu ấy không phù hợp chút nào tại nơi được gọi là địa chỉ tin cậy đối với người nghèo này. Để có được khoảng 500 suất cơm phục vụ mỗi ngày, một nhóm hơn 10 người tình nguyện ở quanh cư xá Lữ Gia do bác Lê Văn Hán (61 tuổi) làm nhóm trưởng kiêm quản lý quán tập trung từ sáng sớm. Không ai bảo ai, dường như nhiệm vụ đã được mặc định từ trước cho mỗi người. Người cân gạo, xối nước rồi đổ vào khay lò hơi nấu; người thì tất bật lặt rau nấu canh; người lại cặm cụi chặt thịt, bóc trứng để luộc, chiên xào.
Khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ chuẩn bị, cơm và thức ăn nấu chín được phân sẵn từng phần trên các khay nhựa trông rất sạch sẽ, được đặt ngay ngắn trên các kệ sắt.
Khoảng tầm 10 giờ sáng là quán bắt đầu đón những vị khách đầu tiên. Các suất ăn được phục vụ hết thường vào khoảng 12 giờ trưa. Những người tình nguyện lại quần quật với việc rửa dọn, vệ sinh quán, thu xếp bàn ghế. Họ nhiệt tình, vui vẻ cùng gánh vác công việc nặng nhọc này với nhau mà không chút nề hà. Bác Lê Văn Hán bảo rằng mọi người làm việc như thế đã là “chuyện thường ở quán cơm hai ngàn từ mấy năm nay”. Những người tình nguyện phục vụ cũng thường ăn trưa tại quán. Khi khách đã vãn, nếu còn thức ăn gì dư lại thì dùng, có hôm không còn gì thì mọi người về nhà mình ăn cơm.
Bác Hán trực tiếp mang nước phục vụ người già đến quán ăn cơm - Ảnh: Đình Phú
Quán cơm tình thương
Bác Hán vẫn nhớ như in ngày mở quán (15.8.2008) tại địa chỉ nhà thuê ở 6/15D1, đường số 3, cư xá Lữ Gia. Có lẽ chẳng bao giờ ông quên được vì ngày ấy đã bắt đầu cho một sự lan tỏa đặc biệt của tình yêu thương.
Theo lời kể của người đàn ông tốt bụng này, khai sinh ra quán cơm hai ngàn là chị Nguyễn Thị Khánh Mỹ, 34 tuổi. Từng có thời gian khó khăn, khi đã vượt qua được nhờ vào công việc kinh doanh hiệu quả, chị Mỹ lập tức hướng đến người nghèo. Chị mua gạo cung cấp cho một số bệnh viện để phát miễn phí cho những bệnh nhân nghèo nằm lại điều trị dài ngày. Chị nghĩ giúp chút ít gạo cho họ có thể tự nấu nướng để ăn cũng là một cách làm hay, vì rất nhiều bệnh nhân ung thư nằm điều trị tháng này qua tháng nọ. Khi phát hiện ra có lúc bệnh viện không nhiệt tình phối hợp, chị Mỹ chuyển sang mở quán cơm.
Dù lúc đầu mọi người can ngăn vì thấy việc mở quán rất phiền phức vì tốn kém thời gian phục vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm... chị Mỹ vẫn quyết tâm làm cho bằng được. Mỗi sáng chị thức dậy từ rất sớm lo nhận thực phẩm, nấu nướng đâu vào đó xong đến 7 giờ thì đi làm. Người thân trong gia đình và bác Hán phụ giúp việc bán cơm vào buổi trưa. Công việc cứ thế kéo dài hơn 1 năm cho đến khi có nhiều người tình nguyện đến “tiếp sức”.
Xế trưa, khi khách của quán đã thưa dần, bác Hán mang ra một suất cơm và mời tôi “ăn cho biết”. Cũng như các vị khách được phục vụ trước đó, suất ăn đầy cơm với thức ăn là một quả trứng, sườn kho, canh rau và kèm một quả chuối.
Tôi chia sẻ thật lòng: “Con cũng sống xa nhà một mình, thường mỗi ngày ăn cơm như thế này ở mấy quán cơm bụi bình dân cũng phải trả ít nhất 20.000 đồng. Ăn cơm của bác chỉ trả tiền có 1/10 thôi. Sao bác không miễn phí hết luôn vì thu 2.000 đồng chẳng được bao nhiêu?”.
“Lúc đầu dự tính không thu tiền, quán sẽ phục vụ cơm nước miễn phí luôn nhưng sợ làm như thế thì mọi người đến ăn sẽ ngại, xem đó như là của bố thí. Vì ngại làm tổn thương đến người nghèo nên quán quyết định thu tiền, từ lúc mới mở đến giờ vẫn thu 2.000 đồng mỗi suất. Dù tiền thu được chỉ đủ trả tiền điện nấu cơm bằng lò hơi, quạt máy nhưng điều quan trọng nhất là người nghèo đến với quán đều được phục vụ chu đáo như những vị khách bình thường trong các quán cơm khác. Cháu thấy đó, khách và chủ cũng có mua bán hẳn hoi chứ có xin xỏ, ban phát gì đâu. Vì thế mà quán phục vụ cũng thấy vui mà người nghèo cũng thấy ấm lòng vì được sẻ chia yêu thương”.
Nghe bác Hán tâm tình tôi hiểu hơn về câu chuyện lòng tốt ở đời này. Dường như lòng tốt không bao giờ đơn độc và dù nghèo thì những người có số phận không may cũng không bao giờ bị rẻ rúng, khinh khi.
Ở quán cơm hai ngàn, tôi nhận thấy một điều đặc biệt. Những vị khách dù không hề quen biết nhau trước đó nhưng khi đến quán ăn cơm đã ngồi tâm tình với nhau rất lâu. Hỏi ra mới biết họ không chỉ khó khăn về điều kiện mưu sinh mà gia cảnh nhiều người còn đơn chiếc, sống rày đây mai đó nên ít khi có người bạn đồng hành để sẻ chia tình cảm. Nơi quán cơm hai ngàn, dẫu chỉ qua một đôi lần tình cờ gặp nhau, ngọn lửa tin yêu cuộc đời dường như được nhen nhóm trong mỗi con người nghèo khó và nơi này có lẽ họ cảm nhận điều đó đủ đầy hơn ở bất kỳ nơi nào khác.
Chỉ lên bức tường của quán cơm có treo băng rôn in đậm dòng chữ: “Chúng tôi phục vụ các bạn. Thành công mong các bạn nhớ đến những anh em còn khó khăn”, bác Hán vui vẻ nói với tôi: “Có nhiều bạn sinh viên ăn cơm ở quán suốt thời gian đi học. Ra trường kiếm được việc làm, có thu nhập ổn định đã quay trở lại quán, mang theo những ký gạo đến ủng hộ”. Tình thương đã thật sự vun đắp cho tình thương. Tôi nghĩ đó cũng là một thành công khác ngoài sự phục vụ chu đáo người nghèo hằng ngày của quán cơm hai ngàn.
Theo TNO