Trường “lên”, trường “xuống”
Theo thống kê của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), từ sau khi xét tuyển, tỷ lệ học sinh (HS) khá giỏi từ khoảng 80% giảm xuống còn 30%. Những trường “đại gia” khác như Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn), THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6) cũng đau đầu với tình trạng HS khá giỏi giảm sút.
Ông Trần Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi so sánh: “Chất lượng xét tuyển lớp 10 năm nay khác xa những năm thi tuyển trước. Ngoài sáu lớp chuyên, tám lớp nâng cao, 10 lớp còn lại chất lượng kém lắm!”. Khi không còn động cơ thi vào lớp 10, HS bậc THCS học thiếu nghiêm túc, thầy cô cũng cho điểm thoáng hơn. Học lơ là dẫn đến hệ quả nhiều em trúng tuyển lớp 10 nhưng đã bỏ học vì “học không nổi”.
Phụ huynh học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, xem điểm chuẩn vào lớp 10
Khi xét tuyển, các trường “top” phải chia sẻ số lượng HS khá, giỏi cho các trường THPT trên cùng địa bàn, nên việc giảm HS khá giỏi là tất yếu. Vì thế, ngược với nỗi buồn tuyển sinh của trường “top”, những trường “vùng trũng” lại phấn khởi vì chất lượng đang dần dần chuyển biến tích cực. Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2), trong giai đoạn thi tuyển trước đây, số HS giỏi quá ít, chỉ có năm-sáu em, nay đã có thể chuyển phép tính từ “số lượng” sang “tỷ lệ”, HS giỏi đạt 10 - 15%, HS khá cũng tăng 30 - 40%.
Ông Nguyễn Tiến Hỷ, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thiêm nói: “Khi thi tuyển, trường có 50% HS đến từ các quận khác, HS rớt hết các nguyện vọng (NV) mới về trường khiến “đầu vào” rất thấp. Giờ thì trường đã có nhiều HS khá giỏi, giáo viên dạy khỏe hơn”. Ông Nguyễn Duật Tu, Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Bình, một trường vùng sâu của Q.Thủ Đức cũng vui mừng vì số HS giỏi, HS đậu ĐH của trường đã nhiều và nhận xét: “Nhờ xét tuyển trên địa bàn, HS học đúng tuyến nên đã hạn chế được tình trạng bỏ học. Thi tuyển trước đây, 1/3 HS trúng tuyển vào trường từ Q.2, Q.9 “chạy” sang. Đi học quá xa nhà khiến nhiều em bỏ học”.
Ba nguyện vọng: Bước lùi của xét tuyển?
Từ những góc độ lợi ích khác nhau, nỗi niềm xét tuyển của các trường cũng chẳng giống nhau. Tuy nhiên, các trường đều không phủ nhận ưu điểm lớn nhất của việc xét tuyển là quá trình bốn năm học của HS được đánh giá một cách toàn diện, giảm rủi ro “học tài thi phận”, HS khá giỏi rớt lớp 10 (do chọn sai NV), HS đi học gần nhà, không mất thời gian di chuyển.
Thế nhưng, hầu hết các quận, huyện đều bất lực trước nạn phụ huynh (PH) “chạy trường, chạy hộ khẩu” để con em có chỗ học ở những trường THPT “điểm”. P.Trường Thọ - khu vực Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức) trú đóng là một ví dụ, trở thành điểm nóng “chạy” hộ khẩu, khiến bộ phận tuyển sinh của trường phải có thêm kỹ năng… điều tra. Một PH bị từ chối hồ sơ nhập học vì không đúng diện KT3, nhưng chỉ sau vài tiếng “hô biến”, vị PH này đã đường hoàng mang một hồ sơ đúng chuẩn khác đến nộp. Trường THPT Nguyễn Hữu Huân cũng khá đau đầu khi bỗng dưng có 38 HS cư ngụ trong cùng một hộ khẩu mà diện tích căn nhà chỉ có vài chục mét vuông…
“Chạy” trường, “chạy” hộ khẩu không phải là chuyện cá biệt mà đã trở thành vấn đề nóng ở các quận, huyện xét tuyển. Vì vậy, năm học 2012 - 2013, Sở GD-ĐT đề nghị các quận, huyện thực hiện phương án: cho HS đăng ký ba NV xét tuyển vào ba trường THPT trên địa bàn, theo thứ tự NV ưu tiên. “HS được chọn trường theo NV, sẽ không có trường hợp chuyển trường, chuyển hộ khẩu. Các trường THPT nỗ lực xây dựng “học hiệu” cho mình, HS cũng phải cố gắng trong học tập mới có thể vào được ngôi trường mơ ước”, Sở GD-ĐT kỳ vọng.
Nếu được UBND TP thông qua, phương án này sẽ mở rộng quyền chọn trường của PHHS, nhưng đây lại là một bước lùi của xét tuyển. Nhiều hiệu trưởng cho rằng, xét tuyển theo phương án ba NV sẽ phủ nhận những ưu điểm của phương án này trước đó (tạo sự đồng đều về chất lượng đầu vào giữa các trường THPT trên cùng địa bàn, HS học trường gần nhà). Hầu hết HS sẽ chọn những trường “có tiếng” ở NV 1, 2, giúp những trường “top” có cơ hội vùng lên; còn những trường “vùng trũng” lại quay lại vị trí “NV 3”, nhận HS “vét”. PHHS sẽ phải chịu áp lực chọn NV 1, 2, 3 mà không phải ai cũng hiểu hết được tính chất của ba NV ưu tiên “rớt sàng lọt xuống nia” này. Đó là chưa kể quy trình xét tuyển sẽ phải phức tạp hơn.
Phải chăng, việc mô phỏng xét tuyển theo ba NV của thi tuyển chứng tỏ ngành GD-ĐT và các quận, huyện đã đầu hàng và chấp nhận sống chung với nạn “chạy” trường?
9 quận, huyện xét tuyển lớp 10
Năm học 2012 - 2013, tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM vẫn thực hiện theo hai phương thức xét tuyển và thi tuyển. TP.HCM có chín quận, huyện tiếp tục xét tuyển là các quận 2, 6, 9, Thủ Đức, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn. Do không có trường THPT nào mới được xây dựng nên không tăng thêm số quận, huyện xét tuyển lớp 10. Những quận, huyện còn lại tổ chức thi tuyển với ba môn: văn, toán và ngoại ngữ. Từ học kỳ II năm học này, việc đánh giá, xếp loại HS bậc THCS, THPT thay đổi, không nhân hệ số cho môn văn, toán. Nhiều quận, huyện thắc mắc, thi tuyển lớp 10 có bỏ nhân hệ số đối với môn văn, môn toán? Theo Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT TP.HCM, do quy chế thi không thay đổi nên môn văn, toán vẫn giữ hệ số hai như những năm trước. |
Theo PhunuOnline