An ninh Nguồn nước và an ninh lương thực là chủ đề mà Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra cho Ngày nước Thế giới (22/3) năm nay.
Nguồn nước sử dụng của mỗi người dân Yemen chỉ bằng 2% so với
mức trung bình trên thế giới. Ảnh minh họa. (Nguồn: EPA/TTXVN).
Nhân dịp này, LHQ cũng cảnh báo nguy cơ thế giới đối mặt với vấn nạn thiếu nước vào năm 2050, thời điểm dân số Trái Đất dự kiến sẽ tăng thêm 2 tỷ người lên 9 tỷ người.
Trong các báo cáo mới đây, LHQ cho biết nguồn nước thế giới hiện đang đối mặt với nhiều thách thức như nhu cầu gia tăng và tình trạng biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng trầm trọng hơn.
Tình trạng khan hiếm nước đang diễn ra tại nhiều khu vực và hiện có khoảng 40% người dân tại những nơi khí hậu diễn biến thất thường đang bị thiếu nước trầm trọng.
LHQ cảnh báo đến năm 2050 sẽ có khoảng 70% dân số thế giới phải đối mặt với nạn thiếu nước.
Theo LHQ, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó là do sử dụng quá nhiều nước cho hoạt động sản xuất lương thực.
Mặc dù cuộc Cách mạng Xanh hồi những thập nhiên 70-80 của thế kỷ trước với việc tăng cường sử dụng các loại hóa chất làm phân bón, thuốc trừ sâu, cũng như áp dụng hình thức thủy lợi dẫn thủy nhập điền… đã giúp cứu nhiều người thoát khỏi tình trạng đói kém, song cũng gây những tác hại nghiêm trọng tới môi trường.
Khoảng 25% đất đai canh tác trên thế giới bị xuống cấp, nhiều dòng sông lớn bị cạn kiệt vào những thời điểm nhất định trong năm, diện tích sông ngòi, ao hồ bị thu hẹp.
Ngoài ra, việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu cũng gây ô nhiễm các nguồn nước, làm giảm lượng nước, đồng thời đe dọa môi trường và hoạt động sinh hoạt của con người.
Để khắc phục những khó khăn trên, các chuyên gia môi trường cho rằng cách thức đơn giản nhất là phải sử dụng hiệu quả nguồn nước còn lại.
Theo LHQ, khi đánh giá về năng suất của ngành nông nghiệp cần phải tính tới cả hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào như đất đai, hóa chất và nguồn nước.
Công nghệ mới về thủy lợi cần được phát triển để nước được sử dụng hiệu quả hơn trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cần phải có những chính sách quản trị nguồn nước nhằm giảm tác động của các thảm họa liên quan đến nước.
LHQ cũng đưa ra biện pháp "nông nghiệp bảo tồn" nhằm duy trì hệ sinh thái nông nghiệp để tăng năng suất và đảm bảo phát triển bền vững, tăng lợi tức, bảo đảm an ninh lương thực trong khi vẫn có thể bảo vệ môi trường và nguồn nguyên liệu.
Ngoài ra, LHQ cũng kêu gọi người dân trên thế giới tích cực bảo vệ rừng, sử dụng hiệu quả nguồn nước, tăng cường áp dụng công nghệ tái chế nước thải và thay đổi chế độ ăn uống nhằm bảo vệ nguồn nước cho tương lai.
Năm 1993, Đại Hội đồng LHQ đã chọn ngày 22/3 hàng năm là Ngày nước Thế giới nhằm nêu bật vai trò của nguồn nước đối với cuộc sống của con người, từ đó gia tăng nhận thức của cư dân hành tinh về tình trạng nguồn nước và kêu gọi các hành động bảo vệ thiết thực.