Học sinh ngày càng "gấu"

Thứ sáu, 23/03/2012, 09:57
Dư luận cả nước đang lên án lối hành xử vô văn hóa, chống người thi hành công vụ. Cùng với những clip quay cảnh đánh đấm, chửi bới của học sinh liên tục được tung lên mạng, lâu nay nạn bạo lực học đường đã trở nên báo động đỏ.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, từ năm 2009 đến tháng 10-2011 cả nước xảy ra 1.558 vụ học sinh (cấp II, III) đánh nhau trong và ngoài trường. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, tình hình càng “nóng” lên khi các clip liên tục được tung lên mạng. Các vụ đánh nhau không chỉ diễn ra ở các thành phố mà có chiều hướng lan rộng đến nhiều địa phương.

 


Những clip quay cảnh đánh nhau được tung lên mạng
 

 Ngày 19-3-2012, cư dân mạng bàn tán xôn xao về clip nữ sinh N.T.L (Trường THCS Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) bị một nhóm bạn hành hung. Clip được quay bằng điện thoại di động cho thấy L. bị một học sinh nữ xông vào đánh, xung quanh có nhiều học sinh mặc đồng phục lao nhao cổ vũ với những lời lẽ thô tục, đầy hăm dọa. Được biết nhà trường đã xác định số học sinh tham gia đánh L. và tung video clip lên mạng. Đa phần họ là những học trò cá biệt, nhiều lần bị kỷ luật.

Trước đó không lâu, clip nhóm nữ sinh gần 20 người đánh nhau tập thể cũng khiến nhiều người phát sốt. Hình ảnh cả đám người trong trang phục học sinh lao vào “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với nhau trước cổng khu di tích Hải Thượng Lãn Ông thuộc xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh trông rất phản cảm. Sau đó là cảnh hai nữ sinh đánh tay đôi trong sự cổ vũ nhiệt tình của bạn bè. Cả hai hùng hổ xông vào vật nhau, túm tóc, đấm đạp như những tay giang hồ. Trong âm thanh hỗn loạn có cả tiếng chửi thề.
 


Tuyên truyền cho học sinh là việc làm cần thiết và đáng được nhân rộng
 

 Clip nữ sinh hỗn chiến xuất hiện trên Youtube với tựa đề “Nữ sinh THPT tư thục Bắc Giang đánh nhau” cũng gây nhức nhối trong dư luận. Sau cuộc tranh cãi quyết liệt với những lời lẽ khó nghe, hai nữ sinh đã dùng tay tát vào mặt, lấy chân đạp lên đầu một nữ sinh khác. Điều đáng nói là cuộc ẩu đả xảy ra tại lớp học nhưng không có ai đứng ra can ngăn.

Một cái chết thương tâm xảy ra vào ngày 29-11-2011 vì bạo lực học đường. Nạn nhân là em Bùi Phú Hoàn (SN 1998), học sinh lớp 8B Trường THCS Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. Trong giờ học môn tiếng Anh, do Hoàn mất trật tự nên lớp phó học tập Nguyễn Văn Đạt lên tiếng nhắc nhở, Hoàn phản ứng khiến đôi bên phát sinh mâu thuẫn. Đến giờ ra chơi, Đạt vẫn ấm ức, đẩy Hoàn vào góc tường rồi dùng cây dù đánh túi bụi lên người Hoàn. Do bị dập lá lách, Hoàn tử vong sau đó.

Thực trạng bạo hành học đường ngày càng nghiêm trọng khi mới đây một thầy giáo bị học sinh đánh đến mức phải tạm nghỉ dạy. Theo thông tin ban đầu, ngày 19-3-2012 thầy Nguyễn Thành Trung - giáo viên dạy Hóa kiêm giám thị Trường iSchool Sóc Trăng - xuống lớp học kiểm tra nề nếp học tập của học sinh, khi lên tiếng nhắc nhở học sinh Lý Thái Bình thì bị em này dùng gậy đánh vào tay gây thương tích.

TIÊN HỌC LỄ

Trong cuộc hội thảo “Thực trạng và một số giải pháp phòng ngừa hành vi bạo lực trong nữ học sinh” do Hội liên hiệp phụ nữ VN tổ chức, một lãnh đạo Bộ Công an phát biểu: “Sở dĩ tình trạng bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng là vì nhà trường chỉ lo dạy chữ, chạy chỉ tiêu lên lớp mà coi nhẹ việc dạy làm người. Hơn nữa, nội dung giáo dục đạo đức, công dân còn nặng về lý thuyết, chưa được áp dụng vào thực tiễn, dẫn đến kỹ năng sống của các em học sinh còn kém...”.

Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ hành vi bạo lực học đường ngày càng lan rộng còn do sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Không thể phủ nhận các em trong độ tuổi mới lớn bị tiêm nhiễm nọc độc từ những phim “đen”, game bạo lực và các trang web không lành mạnh... Phần lớn các trò chơi trực tuyến đều mang tính bạo lực đã ảnh hưởng không ít đến nhận thức của các em, bởi đây là lứa tuổi đang phát triển, tâm lý chưa ổn định, dễ bị kích động, lôi kéo, làm những việc khác thường để chứng tỏ bản thân. Ngoài ra, các em còn bị nhiễm từ chính những cảnh bạo hành trong gia đình và ngoài xã hội.

Theo tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) thì thực trạng hành vi bạo hành học đường cho thấy vấn đề giáo dục đạo đức trong nhà trường chưa thật sự hiệu quả, kèm theo đó là sự thiếu hụt về kỹ năng sống của các em học sinh, dẫn đến việc mất phương hướng khi giải quyết vấn đề mâu thuẫn, dễ dẫn đến xung đột. Một điều cần phải nhìn nhận là hiện tượng vô cảm của học sinh trước nỗi đau của bạn bè. Để ngăn chặn hành vi bạo lực học đường, trước tiên phải xem lại biện pháp giáo dục gia đình, cần có những định hướng tích cực về từng chương trình giáo dục trong gia đình, nhằm hướng đến những giải pháp căn cơ về lễ giáo và kỹ năng sống trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, cần nghiêm túc xem xét lại công tác giáo dục về tình  bạn, lòng nhân ái và sự ứng xử trong cộng đồng...

Để giải quyết tận gốc nạn bạo lực học đường, biện pháp quan trọng nhất vẫn là sự kết hợp giáo dục đồng bộ, hợp lý giữa gia đình với nhà trường và xã hội. “Tiên học lễ, hậu học văn”, ngôi trường nào cũng trương to dòng chữ này nhưng dường như chỉ là hô khẩu hiệu chứ chưa được quan tâm đúng mức.
 

Theo CATP

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn