Ép học sinh chọn trường dễ đậu

Thứ sáu, 23/03/2012, 09:34
Học sinh (HS) dự định đăng ký vào trường, ngành mình thích nhưng giáo viên, nhà trường THPT lại đề nghị HS dự thi vào ngành khác, trường khác để đảm bảo khả năng đậu ĐH.


Tin liên quan
 

>> Nên ôn thi tốt nghiệp theo sách giáo khoa

>> Chọn đúng ngành: Học trung bình vẫn nhiều cơ hội


Học sinh lớp 12A1 Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, Q.Tân Bình, TP.HCM được hướng dẫn ghi hồ sơ đăng ký dự thi chiều 22-3 - Ảnh: Như Hùng
 

H., một HS giỏi lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM), ấm ức phản ứng lại thầy quản nhiệm của mình khi thầy một mực khẳng định em không nên thi khối B vào trường y dược vì chắc chắn sẽ rớt ĐH. Trong khi đó, nếu em tập trung ôn khối A vào một ngành nào đó của Trường ĐH Bách khoa thì 100% là đậu.


Hướng nghiệp kiểu... chắc đậu
 

Tước quyền chọn lựa tương lai
 

Nhà trường chỉ tập trung vào mục tiêu duy nhất là HS phải đậu ĐH, tức chọn trường có điểm phù hợp mà thiếu quan tâm đến sở thích, nguyện vọng riêng của từng em. Với sự định hướng như vậy, vô tình cơ hội và quyền được chọn lựa tương lai của HS bị mất đi.
 

Thử tính toán một HS thi đậu ĐH nhưng đậu vào một trường, ngành mà em không ham thích, như vậy em sẽ lãng phí bốn năm ĐH với bao nhiêu thời gian, tiền của mà khi ra trường chưa chắc đã tìm được công việc ưng ý.
 

Việc định hướng của nhà trường chỉ nên dừng lại ở chỗ vẽ ra và phân tích cho HS hiểu bức tranh về xu hướng ngành nghề và tôn trọng quyền lựa chọn của các em, vì các em đã đủ lớn để có thể chọn cho mình một lối đi trên cơ sở tham khảo ý kiến của người lớn.
 

Với chuyện hướng nghiệp, nếu thầy cô nói “em phải thế này”, “em phải thế kia” là hoàn toàn không đúng.

Cô NGUYÊN HƯƠNG
(chuyên viên tư vấn hướng nghiệp)

Gia đình của H. ở đồng bằng sông Cửu Long. Suốt ba năm nay khi đầu tư cho H. lên thành phố học trường tư, cả nhà chỉ mong H. sớm thi đỗ ĐH và trở thành bác sĩ. Do hầu hết HS trường này học khối A, suốt năm lớp 10 và 11 H. được học tập trung ba môn toán, lý, hóa như những HS khác. Đến năm lớp 12, H. mới bắt đầu được ôn tập thêm môn sinh để thi thêm khối B.

H. nói: “Sức học của em đạt khoảng 20 điểm nên thầy cô không muốn em thi y dược và bảo biết sẽ rớt mà sao còn thi vào làm gì! Em cũng biết năm nay thi có thể sẽ rớt, nhưng nếu rớt thì năm sau sẽ thi lại vì bác sĩ là nghề em đam mê từ nhỏ”. H. cho biết trong lớp có khoảng 15 bạn cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trong khi đó, giáo viên quản nhiệm của H., người theo sát H. suốt ba năm học tại trường, khẳng định: với lực học của H. thì thi khối A cơ hội đậu ĐH sẽ cao hơn rất nhiều so với khối B, vì thế đã tư vấn cho H. rất nhiều về chuyện tập trung thi khối A và chọn một trường dễ đậu.
 

Đây không phải là chuyện cá biệt ở các trường tư thục. Cô Nguyên Hương, chuyên viên tâm lý hướng nghiệp (tổng đài 1080), cho biết: “Nhiều năm nay tôi đã gặp khá nhiều trường hợp tương tự, tập trung chủ yếu ở các trường tư, có cả một số trường công cũng can thiệp quá sâu vào việc làm hồ sơ dự thi ĐH của HS. Nhiều em gọi điện đến tổng đài bức bối vì nhà trường một mực muốn em thi vào một trường với điểm chuẩn “an toàn”, tìm mọi cách phản bác ý kiến của HS về chọn trường và khăng khăng định hướng của thầy cô là đúng.
 

Mới đây một phụ huynh trường tư tại Tân Bình cũng bối rối khi con chị muốn luyện khối A1 và D1 nhưng trường không luyện tiếng Anh, cũng không có thời gian ra ngoài học thêm nên không dám thi hai khối A1 và D1 mà đành chọn khối A”.
 

Vì thành tích
 

Không ít phụ huynh gửi con vào trường nội trú tức là gửi kỳ vọng: con mình phải vào ĐH bằng mọi giá. Điều này đặt lên vai nhà trường trọng trách phải tư vấn như thế nào để HS đậu ĐH, mà phải đậu vào trường vừa sức, không được... dư điểm. Điều này khiến áp lực của công tác tư vấn, định hướng dồn lên vai các thầy cô giáo trường tư trách nhiệm rất nặng nề.
 

Tại Trường THPT Hồng Đức (TP.HCM), đầu năm học hơn 500 HS khối 12 bắt đầu định hướng ngành nghề, xác định sẽ thi khối nào. Trên cơ sở học lực các năm trước, HS sẽ cùng thầy cô (giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm) dự kiến điểm thi ĐH có thể đạt bao nhiêu với khối thi đã chọn.
 

Ông Phạm Thanh Tâm, hiệu trưởng nhà trường, nói: “Thực tế nhiều năm qua điểm do HS tự đánh giá trước kỳ thi không chênh lệch nhiều so với điểm thi ĐH. Trường chúng tôi không hứa hẹn với phụ huynh HS sẽ đậu ĐH, chúng tôi chỉ báo với từng phụ huynh mức điểm con em họ là bao nhiêu chứ không định hướng nên thi ngành nào, trường nào”.
 

Ông Tâm khẳng định việc các trường giúp HS chọn đúng trường vừa sức là điều tốt. Nhưng thực tế có nơi làm không trung thực, muốn lên hạng trong bảng thống kê thành tích điểm thi hằng năm, trường tư vấn theo hướng hạn chế không cho HS trung bình thi ĐH. Hoặc để bảo đảm đậu, có nơi tư vấn HS thi trường có điểm chuẩn dưới sức học của HS. Như vậy là vì thành tích, vì cái danh của trường mà hạn chế cơ hội của người đi học. Chọn nghề, chọn trường là quyền của HS. Cũng đừng nghĩ những HS trung bình không có cửa vào ĐH. Thực tế cũng có em học không giỏi nhưng biết cách học tốt trong giai đoạn đua nước rút nên cuối cùng vẫn đủ điểm sàn.
 

Bà Nguyễn Yên Chi, phó hiệu trưởng Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, khẳng định: “Không hề có chuyện bắt buộc HS thi trường này, trường kia theo ý của nhà trường”.
 

Tuy nhiên, bà cũng nói: “Khi thấy các em chọn trường không phù hợp năng lực, các thầy cô sẽ tư vấn, khuyên nhủ, nhưng nếu các em vẫn không thay đổi thì nhà trường vẫn tôn trọng ý muốn của các em trên cơ sở tham khảo thêm ý kiến gia đình”.
 

Chệch choạc do học lệch
 

Không phải tất cả các trường định hướng chọn trường cho HS đều vì thành tích. Nhưng thực tế cách tổ chức ôn luyện cho HS ở hầu hết trường tư thục hiện nay để lại một điều đáng lo: một bộ phận HS thiệt thòi khi bị lệch hướng chọn nghề, chọn trường từ năm lớp 10. Các trường tổ chức lớp, tổ chức ôn luyện, dạy nâng cao nghiêng hẳn hai khối A và D1, có trường chỉ chú trọng vào ba môn khối A (toán, lý, hóa).
 

Việc dạy lệch này được thực hiện từ năm lớp 10, khi HS chưa suy nghĩ nhiều về ngành nghề cho đời mình. Tại Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, HS từ lúc bước vào trường được đào tạo tập trung vào ban cơ bản và nâng cao ba môn toán, lý, hóa. Lên lớp 12, những HS có nhu cầu thi khối B, D được bổ trợ các môn như sinh, văn, ngoại ngữ. Như vậy, thời gian dành cho khối A vẫn chiếm ưu thế và các khối khác rõ ràng chỉ là lựa chọn kiểu “dự bị”. Vì vậy không tránh khỏi việc giáo viên tích cực thuyết phục HS thi khối A là khối sở trường để cơ hội thành công cao hơn so với các khối B, D có thời gian đầu tư ít hơn.

Theo TTO

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn