Người đi đường mua nước giải khát chiều 14/4 ở khu vực vỉa hè công viên Hoàng Văn Thụ - Ảnh: N.Khải
Ðến 15g ngày 14/4, hàng chục người đeo khẩu trang mặt bịt kín mít đứng ngồi bên vỉa hè, thậm chí đậu xe bên lề đường quanh công viên Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình, TP.HCM) để cùng... giải khát. Chị Lan, người bán dừa ướp lạnh ở khu vực này, nói: "Hổm rày dừa bán chạy lắm vì khí trời oi bức, nhiều người uống dừa giải khát".
Theo chị Lan, hiện mỗi ngày bán được gần 200 trái, hơn gấp đôi ngày thường. Ngồi uống nước sâm giải khát cạnh đó, anh Nguyễn Hoàng Tuấn - kỹ thuật viên Công ty điện tử viễn thông Hoàng Xuân, P.Tân Quý, Q.Tân Phú - cho biết đang đi bảo trì camera cho khách hàng, khát quá nên tấp vào kêu nước uống, ngồi nghỉ một lát rồi đi tiếp.
Tại quán nước vỉa hè đường Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận), bạn Kiều Trang - sinh viên Trường ÐH KHXH&NV TP.HCM - cho biết mấy ngày gần đây, trừ những việc bất đắc dĩ lắm mới ra đường do nắng nóng quá.
"Khi nào đi học tôi cũng không quên đội nón, thoa kem chống nắng, bao tay, khẩu trang..." - Trang nói. Anh Nguyễn Quốc Dũng, bảo vệ cây ATM Eximbank tại ngã ba Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi (Q.Tân Bình), cho biết mỗi ngày phải uống hơn 4 lít nước. Anh Dũng tâm sự do công việc phải tiếp xúc nhiều với khói xe, bụi đường, nay cộng thêm thời tiết nóng bức nên sức khỏe có phần giảm sút.
Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - Ðài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, nhiệt độ hiện nay chưa đạt đến mức kỷ lục như đỉnh điểm nắng nóng những năm trước (38-39 độ C), nhưng tạo cảm giác nóng bức đến khó chịu.
Nguyên nhân do từ sáng sớm đã xuất hiện nắng nóng kéo dài đến tận chiều, nhiệt độ trên 30 độ C được duy trì hơn 10 giờ mỗi ngày (bình thường 7-8 giờ), chưa kể độ ẩm trong không khí rất cao, khô hanh và oi suốt cả ngày.
Theo bà Lan, do áp thấp nóng phía tây đang phát triển nên thời tiết nóng bức này sẽ còn tiếp tục duy trì trong những ngày tới. Nhiệt độ cao nhất cũng chỉ ở mức 35-36 độ C, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía bắc miền Ðông Nam bộ.
Theo TTO