>> 50% người chuyển giới ở châu Á nhiễm HIV
>> 46% người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới vẫn bị kỳ thị
>>Obama tái khẳng định ủng hộ hôn nhân đồng tính
>>Chủ tịch Cuba ủng hộ quyền đồng tính
Với người này, tuổi thơ chỉ là những ngày dài buồn bã, khổ sở. Mỗi ngày đến lớp là một ngày nặng nề vì phải nghe những lời trêu chọc của đám bạn, “những câu nói, những tiếng cười kia cứ vây lấy tôi mỗi khi tôi xuất hiện, ám ảnh tôi trong mỗi giấc mơ”.
Không chỉ là trò đùa trong mắt bạn, một người đồng tính khác còn từng bị chính cô giáo mang bí mật của mình rêu rao trước lớp và nhiếc móc thậm tệ. Đến tận bây giờ, Minh, một người đồng tính nam vẫn không thể quên được buổi học ngày hôm ấy.
Hôm đó, cậu chỉ biết đứng chết trân, những giọt nước mắt chảy tràn xuống má khi nghe những lời cay nghiệt của cô giáo. “Em thật là bệnh hoạn, tôi không ngờ trong lớp học của tôi lại có một người biến thái đến như vậy.
Em coi trong trường trong lớp này có ai như em không? Nếu như hôm nay tôi không đọc được những gì em viết thì tôi không dám nghĩ em lại ghê vậy. Tôi đọc mà sởn gai ốc. Các em, các em có thấy nó biến thái không?”. “Dạ có!”, cả lớp đồng thanh.
Teen bị đồng tính bị tẩy chay tại học đường (Ảnh minh họa)
Buổi "đấu tố tập thể" ấy giống như những thước phim quay chậm và mỗi lần hồi tưởng lại vẫn khiến Minh nhói đau.
Những câu chuyện đau lòng trên được các chuyên gia kể lại trong buổi họp báo nhân ngày Thế giới chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người đồng tính, chuyển giới, diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Thạc sĩ-bác sĩ Hoàng Tú Anh, Chủ tịch Liên minh Quyền tình dục cho biết, những người đồng tính, chuyển giới hiện vẫn còn gặp nhiều sự kỳ thị, phân biệt đối xử ngay trong trường học. Đây không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam.
Báo cáo của UNESCO năm 2012 cho thấy trên thế giới, tuỳ từng khu vực, tỷ lệ trẻ em đồng tính và chuyển giới bị kì thị và bạo lực trong trường học là khoảng 30% đến hơn 70%.
Một nghiên cứu trên hơn 500 người đồng tính và chuyển giới ở Việt Nam năm 2012 do Liên minh Quyền tình dục thực hiện cũng cho kết quả tương tự.
46% số người tham gia nghiên cứu này cho biết từng trải nghiệm việc bị phân biệt đối xử và bạo lực với nhiều hình thức tại trường học. Chẳng hạn họ bị gọi một cách xúc phạm, đặt biệt danh xúc phạm, châm chọc, mỉa mai về cách đi, nói, ăn mặc, việc yêu/thích người cùng giới, bị đánh… Đáng chú ý là sự phân biệt đối xử gây ra bởi các thầy cô giáo và cán bộ trong trường cũng chiếm tới 18%.
Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, do sợ bị kỳ thị và bạo lực nhiều hơn, các em đã không dám báo cáo với thầy. "Thế nhưng ngay cả khi được báo cáo, thì có 44% các trường hợp nói rằng thầy cô đã không làm gì. 16% thậm chí thầy cô còn quay lại khiển trách chính nạn nhân", bà Tú Anh cho biết.
“Thiếu nhạy cảm cũng như không đủ thông tin và kiến thức trong lĩnh vực này, các thầy cô giáo có thể làm tổn thương không chỉ tuổi thơ non nớt của các em mà còn cả cuộc đời sau đó của các em. Bạo lực được gây ra trong trường học mang lại những tổn thương nặng nề, sâu đậm về thể chất lẫn tinh thần, ảnh hưởng tới việc học tập, phát triển của các em”, chuyên gia nhận định.
Gần 29% số người được hỏi trong nghiên cứu này cho biết thấy chán học và học sút. Gần 40% mất niềm tin vào tương lai và khoảng 31% có ý định tự tử.
Nhà nghiên cứu xã hội học Phạm Nguyên Thanh, Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe gia đình và phát triển cộng đồng thì cho rằng, bản thân các em học sinh không ý thức được hành vi của mình ảnh hưởng, làm tổn thương đến bạn. Đa số các em trêu bạn chỉ coi đó là trò đùa nghịch của tuổi học trò, song vẫn có khoảng cách dè dặt trong việc kết bạn với nhóm học sinh “đặc biệt”, “là lạ ” này.
Vì thế, theo các chuyên gia, để hạn chế, tiến tới chấm dứt kỳ thị với người đồng tính, chuyển giới trong trường học, ngành giáo dục cần báo động trong các trường về tình trạng bạo lực với học sinh thuộc nhóm này, ban hành quy định về việc nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử và có biện pháp xử lý thích đáng với những ai gây bạo hành.
Bên cạnh đó, cũng cần đưa nội dung về xu hướng tình dục, chuyển giới bao gồm cả thái độ, cách xử trí phù hợp khi bị và chứng kiến bạo lực liên quan đến giới vào chương trình giáo dục giới tính trong trường học. Các cơ sở giáo dục cần kết nối với các cơ sở tư vấn và hỗ trợ xã hội khác để hỗ trợ cho các học sinh đồng tính và chuyển giới.
Theo Yume