Bộ GD & ĐT phải giải quyết vụ dừng đề án 322

Thứ hai, 21/05/2012, 12:47
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải xin lỗi những nhân tài như bọn em. Bắt đầu lại ư? Đâu phải cái gì cũng có thể bắt đầu lại dễ dàng. Khi nhiệt huyết bị kìm chế, niềm tin bị mất đi thì kết quả học tập có thể nguyện vẹn? Chúng em muốn Bộ kéo dài Đề án 322, giải quyết cho chúng em đi học và nhất định phải đi trong năm nay…


>>
"Chuyện hài" của Đề án 322
>>
Tiến sĩ 322 bị sốc ngày trở về


Đó là những bức xúc, trăn trở, nguyện vọng tha thiết của các ứng viên du học theo Đề án 322 muốn gửi đến Bộ Giáo dục và Đào sau khi Bộ có quyết định dừng Đề án 322. PV đã có buổi tiếp xúc và ghi nhận trực tiếp những ý kiến, bức xúc của các ứng viên du học theo Đề án 322.

“Bắt đầu lại ư? Đâu phải cái gì cũng có thể bắt đầu lại được dễ dàng…”

Đoàn Thị Vĩnh Hạnh là một trong những sinh viên xuất sắc nhất năm 2010 của Trường ĐH Y – Dược Huế nhận được học bổng du học Pháp theo nguồn ngân sách Nhà nước (Đề án 322). Sinh trưởng trong một gia đình bố mẹ là công nhân nên du học là chuyện gì đó Hạnh chỉ dám nghĩ đến trong mơ.


Đoàn Thị Vĩnh Hạnh, sinh viên ĐH Y - Dược Huế, một trong những ứng viên du học theo Đề án 322 đang vô cùng bức xúc và lo lắng cho tương lai của mình khi có quyết định dừng Đề án 322  (Ảnh Thu Hòe)

Niềm vui bất ngờ ập đến khi Hạnh kết thúc học kỳ đầu tiên tại Trường ĐH Y – Dược Huế. Nhận quyết định du học Pháp theo Đề án 322 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hạnh vui sướng khấp khởi xin bảo lưu kết quả học tập tại Trường ĐH Y – Dược Huế và lặn lội từ trong Quảng Trị ra Hà Nội thuê trọ, học ôn ngoại ngữ để chờ ngày du học. Thế nhưng, quyết định dừng đề án 322 của Bộ Giáo dục và Đào tạo như "gáo nước lạnh" dội vào Hạnh và gia đình em.

“Ở Hà Nội này, em không có bất cứ một người quen nào. Sau khi bảo lưu kết quả học tập tại trường, em lặn lội ra Hà Nội học bồi dưỡng ngoại ngữ theo chương trình của Bộ.

Tuy nhiên, 6 tháng học ngoại ngữ theo chương trình của Bộ không đủ để bọn em có thể thi được chứng chỉ. Bố mẹ đã phải vay mượn rất nhiều tiền bạc gửi ra cho em để em có thể đi học thêm tiếng Pháp ở các Trung tâm ngoại ngữ và thuê gia sư về nhà kèm.

Ra Hà Nội đến nay đã được 13 tháng. Chỉ riêng tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống và đi học thêm ngoại ngữ của em cũng đã là 5.000.000 đồng/tháng.

Bố em là công nhân, mẹ là giáo viên tiểu học. Sau em là 2 đứa em nhỏ, nhà lại có ông bà già hơn 90 tuổi. 5.000.000 đồng ở Quảng Trị đủ cho cả gia đình em chi tiêu trong cả tháng, nhưng khi em ra Hà Nội thì nó chỉ đủ cho riêng em…

Đến bây giờ, em đã hoàn thành được tất cả các chứng chỉ theo yêu cầu của Bộ chỉ chờ ngày lên đường thì lại nhận được quyết định này. Em thật sự bị sốc, bức xúc, thất vọng và thấy xấu hổ với bố mẹ, bạn bè…”, Hạnh tâm sự.

Hạnh trầm ngâm một hồi, đôi mắt của em như muốn khóc, rồi lại vỡ òa trong nỗi bức xúc:

“Hai năm trời chờ đợi, cố gắng, nỗ lực bây giờ đổi lại kết quả thế này. Em thấy mình bị tổn thương về danh dự quá lớn. Gia đình, họ hàng, bạn bè, trường lớp… ai cũng biết em được đi du học vì đã thi đỗ thủ khoa, nhưng đến giờ em vẫn chưa được đi. Việc học tập ở trường thì dang dở.

Cùng vào trường với em, các bạn đã sắp kết thúc năm thứ hai trong khi đó em vẫn bấp bênh chờ đợi và không biết tương lai sẽ thế nào. Em đã phải bỏ ra 2 năm trời để học ngoại ngữ, chờ đợi và nếu bây giờ không được đi thì khoảng thời gian đó với những cố gắng, nỗ lực của em đổ sông, đổ biển hết. Bắt đầu lại ư? Đâu phải cái gì cũng có thể bắt đầu lại được dễ dàng...”.


“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải xin lỗi những con người, nhân tài như bọn em…”

Tương tự là trường hợp của Phan Phương Thảo, ở Buôn Mê Thuột – Đắc Lắc, sinh viên ĐH Luật Hà Nội. Thảo nhận được quyết định du học Pháp theo Đề án 322 của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đang là sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH Luật Hà Nội.

Sau khi kết thúc năm học đầu tiên tại Trường ĐH Luật Hà Nội, Thảo đã xin bảo lưu để chuyên tâm vào việc học ôn ngoại ngữ và tham gia các khóa học bồi dưỡng các kỹ năng ngắn hạn khác với mục đích chuẩn bị hành trang tốt nhất để du học.



Phan Phương Thảo, sinh viên ĐH Luật Hà Nội, ứng viên du học Pháp theo Đề án 322: "Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xin lỗi những nhân tài như bọn em..." (Ảnh Thu Hòe)

Thảo cho biết: “Những chi phí đã bỏ ra trong quá trình học ngoại ngữ đến giờ em không thể thống kê được hết. Tốn kém nhưng được bố mẹ động viên và em cũng tự động viên mình là cố gắng khắc phục khó khăn để được đi học tập ở những nước tiên tiến sau này sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn cho bản thân và phục vụ tốt hơn khi trở về. Không riêng chỉ em mà tất cả các ứng viên du học của Đề án 322 đều có chung suy nghĩ đó”.

Đến thời điểm hiện tại, Phan Phương Thảo đã nhận được thư mời nhập học của Trường ĐH Lyon (Pháp) và thi được chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu của Bộ chỉ chờ ngày lên đường du học. Thế nhưng, quyết định dừng Đề án 322 của Bộ đã khiến Thảo vô cùng sốc.

Thảo bức xúc: “Trong quá trình em học ôn ngoại ngữ để thi chứng chỉ, em đã nghe được những thông tin trái chiều về việc có thể kinh phí cho Đề án 322 không đủ và bọn em sẽ gặp trở ngại cho việc du học. Nhưng lúc đó, em vẫn tin tưởng vì mình được nhận quyết định du học đàng hoàng từ Bộ. Nhưng đến thời điểm này, khi mà em đã đi gần đến đích sau bao cố gắng, nỗ lực và hy vọng, em thấy mất niềm tin hoàn toàn rồi…”.

Thảo tâm sự thêm: “Từ khi biết được quyết định này, đầu óc em lúc nào cũng căng thẳng vì lo lắng. Đêm em không thể ngủ được. Thời gian bọn em học tiếng quá vất vả và dài. Gia đình em thì không khá giả gì. Để hoàn thành quá trình học ngoại ngữ vừa qua, em đã phải đi làm thêm, tự bươn chải rất vất vả. Mọi cái đến được như ngày nay là điều không hề dễ dàng.

Ngoài ra còn là vấn đề tâm lý. Bạn bè không thấy em đến trường và chưa thấy đi du học đều hỏi han khiến em không biết trả lời thế nào và thấy xấu hổ lắm! Lúc nào em cũng thấy lo lắng. Tương lai không chắc chắn khiến em rất buồn nản…”.


Rất nhiều phụ huynh và các ứng viên thuộc diện du học theo Đề án 322 đã họp mặt để ký vào đơn kiến nghị  với Bộ Giáo dục và Đào tạo sáng ngày 20/5 (Ảnh Thu Hòe)


Bày tỏ những bức xúc và lo lắng về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định điều chuyển quốc gia du học với các ứng viên du học theo Đề án 322, Thảo cho biết:

“Pháp là nước có chất lượng giáo dục tốt. Ngành luật của Việt Nam và Pháp cùng chung một hệ thống và có nhiều điểm tương đồng. Sang đó học tập, em sẽ có được điều kiện học tập tốt hơn và học được những điểm tốt và ưu việt từ ngành luật của đất nước này.

Hơn nữa, du học ở Pháp có những điều kiện rất thuận lợi. Chính phủ Pháp hỗ trợ tiền học phí rất nhiều gần như là miền phí. Theo tìm hiểu của em, quá trình học luật ở Pháp chắc chắn sẽ tốt và phù hợp với sinh viên luật Việt Nam hơn hẳn nhiều nước khác.

Bây giờ đi những nước như Cu Ba, Ma Rốc… em cũng chưa tìm hiểu kỹ, nhưng em chắc chắn một điều là nó không thể tốt được như Pháp. Bọn em đi theo nguồn kinh phí của Nhà nước thì cũng xác định học để về phục sự đất nước mà thôi.

Học xong mà không thể quay về đất nước ứng dụng và phục vụ tốt thì có xứng đáng không, có phí hoài tiền của của Nhà nước, nhân dân và bố mẹ mình không?”.


Khi được hỏi về nguyện vọng, Thảo và Hạnh cùng với các ứng viên du học theo Đề án 322 đều có chung một quan điểm:

“Nguyện vọng lớn nhất của chúng em là Nhà nước tiếp tục kéo dài Đề án 322 để chúng em được đi học và nhất định là phải được đi trong năm nay.

Thời gian chờ đợi 2 năm đã quá đủ rồi. 20 tuổi không còn là quá trẻ để có thể chờ đợi thêm được nữa. Em học luật thì đã xác định là phải học 5 năm. Các bạn khác học y còn phải học lâu hơn 6 -7 năm.

Khi nhiệt huyết bị kìm chế, hãm lại, bị thất vọng như thế, em nghĩ bây giờ chúng em không được giải quyết cho đi ngay năm nay thì kết quả học tập không thể nguyên vẹn và tốt được.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có cách giải quyết thỏa đáng và xin lỗi nhưng con người, nhân tài như bọn em… bởi vì tất cả cố gắng của chúng em cuối cùng cũng là mong muốn quay lại làm việc cho quê hương, mong đóng góp cho sự phát triển đất nước”.


Theo Giaoduc

 

Các tin cũ hơn