Việc sinh con khi đã quá 40 tuổi không bao giờ được các bác sĩ khuyến khích vì nó mang lại nhiều nguy cơ sức khỏe cho cả bà mẹ và em bé. Sanchia 41 tuổi không thể hình dung nổi những gì cô và đứa con tương lai của mình phải đối mặt.
Trong nhiều tháng mang thai đầu tiên, mọi chuyện diễn ra rất tốt đẹp. Nhưng trong một buổi khám định kỳ, bác sĩ nói thai của cô sẽ ra sớm, rất sớm.
Khi đó thai nhi mới đang ở tuần thứ 24. Sanchia nhanh chóng được chuyển tới bệnh viện The Rosie, ở đó họ có đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa tốt nhất nước Anh và mọi thiết bị cần thiết cho những trường hợp mang thai đặc biệt và sinh khó
Vì lúc này thai nhi chưa phát triển đầy đủ, các bác sĩ tại đây cùng với bà mẹ kém may mắn phải chống chọi với việc đứa con đòi ra quá sớm. Nguy cơ lớn nhất đến từ lá phổi còn non nớt của bé, các bác sĩ đã phải tiêm thuốc giúp phổi phát triển nhanh nhất có thể để ít nhất, cậu bé có thể thở khi chào đời.
Còn Sanchia chỉ được phép nằm yên trên giường, họ mong có thể kéo dài thời gian mang thai càng lâu càng tốt. Chừng ấy nỗ lực cũng chỉ duy trì cái thai trong bụng mẹ thêm 5 ngày. Cậu bé Benn được sinh ra vào một ngày tháng 11/2010, ra đời sớm hơn 3 tháng so với những trẻ sinh đủ tháng khác.
Sanchia sinh dễ vì thiên thần bé xíu này nặng chưa tới 1kg và chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay bác sĩ. Benn vẫn cất tiếng khóc khi chào đời, điều có vẻ bình thường nhưng là hết sức tuyệt vời nếu nghi đến việc lá phổi yếu ớt thậm chí khiến cậu bé không thể thở một cách dễ dàng và bình thường.
Ngay sau khi sinh, cậu được đặt vào một chiếc túi chườm lạnh đặc biệt, tránh việc nhiệt độ cơ thể quá cao của cậu sẽ gây tổn thương đến não bộ.
Người mẹ trải qua 6 giờ đồng hồ lo lắng tột cùng trước khi được nhìn và chạm vào đứa con bé bỏng của mình lần đầu tiên, khi xung quanh bé là rất nhiều các thiết bị hỗ trợ sự sống.
Hình ảnh này có thể làm tan nát trái tim của bất kỳ người mẹ nào. “ Khi được đi thăm con lần đầu, tôi đã rất sửng sốt khi thấy thằng bé nhỏ xíu như vậy. Cháu là đứa trẻ bé nhất tôi từng thấy” – Sanchia nhớ lại.
Sanchia sau đó lại sớm phải nhận tin còn xấu hơn về sức khỏe cậu bé: có một lỗ hổng ở tim (mà đáng lẽ ra sẽ không còn ở đó nếu cậu bé ra đời đủ tháng), xuất huyết não nặng, hai lá phổi hoạt động yếu ớt và làn da mỏng thâm tím.
Nhớ lại giây phút được thông báo tình hình sức khỏe tồi tệ của con, Sanchia nói: “Tôi thậm chí không thể tả cho bạn cảm giác kinh khủng thế nào khi nghe điều đó. Tôi gần như chết lặng khi phải đối mặt với thực tế ấy”.
Duy trì sự sống của cậu là cả một cuộc chiến. Các bác sĩ không hứa trước điều gì, dù chỉ là khả năng sống sót, họ đã thử nhiều cách như tiêm thuốc giúp làm liền lỗ hổng ở tim nhưng điều này lại gây ra xuất huyết nặng hơn và họ phải dừng lại.
Thực tế sau vài ngày, các tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn. Nhưng khó có điều gì lấy đi niềm tin và nghị lực người mẹ: “Họ không hi vọng thằng bé sẽ qua khỏi, nhưng tôi không bao giờ từ bỏ con trai mình. Bản năng làm mẹ cho tôi biết Benn là một cậu bé dũng cảm và cháu sẽ vượt qua”.
Để con biết rằng cậu luôn có mẹ ở bên trong cuộc chiến giành sự sống ấy, Sanchia dành gần như toàn bộ thời gian bên con, lắng nghe từng nhịp thở, thấp thỏm với từng tiếng bip bip phát ra từ chiếc máy hỗ trợ hô hấp.
Cứ như vậy, cô còn không nhận ra rằng cậu bé đã ở trong lồng kính được hơn 20 ngày mà vẫn cứ nghĩ con chỉ mới sinh hôm qua. Với người mẹ, thời gian bên con không đong đếm được, mỗi một hơi thở nhẹ đều quý giá hơn mọi châu báu trên đời.
Điều gì có thể giữ cho niềm tin của người phụ nữ ấy không bị sụp đổ khi trong suốt nhiều ngày, không hề có một dấu hiệu khả quan nào về sức khỏe của cậu con trai của cô? Chỉ có những người làm mẹ mới thấu hiểu hết được điều đó.
Không có việc gì một người mẹ từ chối làm vì con, không có hi vọng nào mà một người mẹ từ chối đặt vào đứa con mình.
Phép lạ bằng tiếng cười mẹ mang tới
Vào ngày đầu tiên của năm mới, bất ngờ có những chuyển biến tích cực từ trong cơ thể cậu bé. Bằng cách nào đó, lỗ hổng ở tim bắt đầu có dấu hiệu tự liền lại và máu não đã lưu thông tốt hơn, sự sống vốn định từ chối cậu bé này đã dần quay trở lại.
Sanchia và mọi người đều tin rằng thần chết đã phải khuất phục trước cậu chiến sĩ bé nhỏ can đảm này. Có thể nói hơi ấm của tình yêu và niềm tin mạnh mẽ của ngườii mẹ chính là phép lạ đã truyền sức mạnh cho cậu.
Về phần Sanchia, cô rất biết ơn bệnh viện The Rosie, nên ngay từ những ngày đầu trong việc chiến đấu không ngừng nghỉ với con trai, cô còn đứng lên góp tiếng nói nhằm giúp cho chiến dịch quyên góp mở rộng bệnh viện để nhiều thai phụ khác được giúp đỡ.
Sau hơn 18 tuần trong bệnh viện, hai mẹ con Sanchia được trở về nhà. Cậu bé còn nhỏ xíu nhưng các tổn thương đã gần như hồi phục hoàn toàn. Nhưng niềm hạnh phúc chưa hẳn trọn vẹn, cậu bé vẫn phải chịu đựng những nguy cơ cao từ chứng ngừng thở khi ngủ.
Phổi của em thường dừng hoạt động kéo dài tới 20 giây hoặc hơn khi bé đang say giấc và hoàn toàn mất ý thức, bao gồm cả bản năng sinh tồn, điều này sẽ dẫn đến việc cơ thể thiếu oxi và bé sẽ chết, trừ khi có yếu tố nào đó kích thích phổi hoạt động trở lại.
Trong trường hợp của Benn, chứng này sinh ra do hệ thần kinh, hệ cơ và phổi chưa phát triển hoàn thiện và thực tế không có biện pháp chữa trị nào, cách đối phó duy nhất đó là phổi của em cần phải được kích hoạt trở lại đúng lúc từ giờ cho tới khi em khoảng 8 tuổi.
Và đó là công việc hết sức quan trọng và nặng nề với người mẹ, vốn đã trải qua những mối lo sợ tưởng như không thể vượt qua nổi.
Đó thật sự là một thử thách cho bất kỳ ai, nếu không đủ mạnh mẽ và tỉnh táo, người ta có thể sẽ mắc sai lầm, một sai lầm không thể nào sửa chữa được, người mẹ có thể mất con mãi mãi chỉ sau có vài giây chậm trễ.
Người ta đặt dưới đệm của Benn một máy báo động, mỗi khi phổi của bé ngừng đập trên 10 giây, nó sẽ báo chuông cho Sanchia biết. Và cách Sanchia dùng là cù cho cậu bé cười, điều này sẽ giúp bé tỉnh và phổi của cậu nhận được tín hiệu ra lệnh hoạt động từ não.
“Hoặc là tôi cù nhẹ vào gan bàn chân hay dưới cằm và bụng thằng bé. Như thế sẽ giúp cháu bắt đầu thở trở lại. Nếu cháu ngủ say quá, tôi thậm chí phải gọi to để đánh thức cháu” - Sanchia chia sẻ.
Đó giống như thay vì tiếng khóc, Benn sẽ nhiều lần trong đời bật tiếng cười đón chào cuộc sống trở lại từ bàn tay người mẹ dũng cảm của cậu.
Hình dung hằng đêm, có đêm lên tới 23 lần, Sanchia phải bật dậy nhanh nhất có thể, dù lúc đó là mấy giờ, dù lúc đó cô có mệt mỏi thế nào, buồn ngủ bao nhiêu, khi nghe thấy tiếng chuông báo, cô cần đến bên nôi của con để đánh thức con dậy.
Sanchia hoàn toàn gánh gánh nặng này trên vai, chiến đấu vì sự sống của con hàng đêm, trong nhiều năm nữa, cô có lẽ sẽ không có một giấc ngủ trọn vẹn và thảnh thơi, khi sinh mạng của con trai cô bị đe dọa từng phút trong lúc ngủ.
May sao, dù không được chào đời thuận lợi, nhưng dưới bàn tay chăm sóc của mẹ, cậu bé Benn lớn lên khỏe khoắn và xinh đẹp. “Thằng bé phát triển bình thường ở tuổi của nó, và tôi rất tự hào về con mình”, Sanchia nói trong hạnh phúc.
Cậu bé Benn nay đã một tuổi rưỡi, chỉ có Sanchia mới biết một năm rưỡi ấy quý giá từng nào, và dù cái giá nào đã phải trả thì đó với cô vẫn là một món hời, những vất vả chẳng là gì khi so sánh với nụ cười xinh xắn trên môi chàng trai bé nhỏ của cô.
Đến một ngày, khi Benn lớn lên khỏe mạnh, sẽ có một cô gái đem một tình yêu chân thành tới cậu. Nhưng không tình yêu nào có thể lớn hơn, đúng đắn hơn tình yêu mẹ Sanchia đã dành cho cậu. Vì cậu do mẹ sinh ra, vì mẹ sinh ra cậu hàng đêm trong những năm đầu bước vào thế giới.
Theo phunutoday