Bà Trần Thị Thu, Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng, cho biết: Năm 2004-2005, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng một trạm cung cấp nước sạch tại thôn Xuân Tây, với mức đầu tư 2,7 tỷ đồng, nhằm đưa nước sạch đến từng hộ gia đình.
Tuy nhiên, do thiết kế không phù hợp nên trạm chỉ sử dụng được vài tháng rồi bỏ không. Hai thôn Xuân Tây và Xuân Đông, với khoảng 800 hộ dân phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo từ đó đến nay.
Người dân lấy nước mương về dùng trực tiếp nấu ăn
Để có nước sử dụng, người dân phải lấy nước kênh mương thủy lợi chảy qua thôn. Nhằm hạn chế “bẩn”, nhiều gia đình đã đào giếng sâu hơn 2 m nằm trong một ao nhỏ khoảng
200 m2, sau đó đưa nước từ mương vào ao rồi cho ngấm qua một lớp cát, sỏi thông vào giếng, rồi lấy nước trong giếng này để sử dụng. Tuy nhiên, người dân cho biết, cách lọc này chỉ lọc được rác, lá cây… chứ những thứ gây ô nhiễm có thể hòa tan trong nước thì không thể.
Chị Đinh Thị Vải (ở thôn Xuân Tây) cho biết: “Nước lấy từ kênh mương thủy lợi chảy qua nhiều xã của H.Ninh Hòa và Vạn Ninh. Người ta phun thuốc sâu, thuốc cỏ, xả rác, ném xác súc vật dưới đó nên dù có lọc dùng vẫn lo”.
Nhiều nhà không có ao lọc thì lấy nước mương đổ vào một can nhựa nhỏ có đựng cát để lọc, thậm chí phải dùng trực tiếp nước mương. Chị Trần Thị Hương cho biết: “Hằng ngày tôi phải lấy nước mương rồi dùng trực tiếp để nấu cơm, nấu nước uống. Bị bệnh đường ruột, đau mắt thường xuyên nhưng cứ phải dùng”.
Ông Cao Như Hoàng, trưởng thôn Xuân Tây, nói: “Do địa hình phía dưới có đá tảng nên người dân không đào được giếng, mà nếu đào được thì nước cũng bị nhiễm mặn. Dùng nước kênh mương, số người bị bệnh đường ruột, đau mắt, ung thư… ngày càng nhiều. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, nhưng chưa nghe nói gì”.