>> Nắng nóng trên diện rộng
>> Người Hà Nội mắc võng ngủ vỉa hè vì nắng nóng
Mấy lần bị giục đứng dẹp vào một bên cho người khác đi, đôi mắt người phụ nữ mới lờ đờ mở ra, rồi nhắm lại ngay. Những người bị chặn đường sốt ruột, cáu gắt, quát tháo, chị mới cố sức thều thào: “Em bị cảm, không đi được”, rồi mặc kệ. Vài người bèn dìu chị vào ngồi nhờ cửa hàng bên đường và dắt xe để gọn vào giúp.
Bà chủ cửa hàng giúp người phụ nữ cởi mũ và lớp áo chống nắng dày cộp, lấy khăn ướt lau mát và cho chị uống nước. Một lúc sau, chị mới hồi dần. Hóa ra nhà chị chỉ cách đó vài trăm mét, nhưng vì phải vượt gần chục cây số dưới cái nóng ghê gớm, lại phải chen chúc trong đám đông nặc mùi khói xe, mồ hôi và tiếng động cơ, chị bị say nắng đến lả người, chỉ đủ sức tấp lại vỉa hè rồi gục luôn trên xe.
Có thể tử vong
Những trường hợp say nắng khi đang đi trên đường như vậy rất thường xảy ra trong mùa hè, nhất là với những người vốn sức khỏe không tốt hoặc chịu nóng kém. Cách đây một tuần, tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình, một người đàn ông 41 tuổi làm nghề thợ xây cũng phải nhập viện cấp cứu ở Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới trong tình trạng hôn mê, co giật, sùi bọt mép, mạch chậm… mà nguyên nhân cũng là say nắng, hậu quả của việc lao động ngoài trời. Trước đó, các bác sĩ bệnh viện này cũng vừa cấp cứu cho hai ca nguy kịch vì say nắng khác, trong đó có một trẻ em.
Chứng say nắng nghe thì có vẻ bình thường, nhưng thực ra rất nguy hiểm. Bác sĩ Phạm Mạnh Thân, Bệnh viện Saint Paul, Hà Nội, cho biết tình trạng say nắng nặng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân dẫn đến say nắng là do thân nhiệt tăng mạnh sau khi ánh nắng chiếu vào da, nhất là vùng gáy, khiến trung khu điều nhiệt (có vai trò giữ cân bằng nhiệt độ cơ thể trước sự thay đổi nhiệt độ môi trường) bị rối loạn. Hậu quả là thân nhiệt tăng mạnh, gây rối loạn các chức năng trong cơ thể, nhất là chức năng thần kinh. Bệnh nhân cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, mệt như muốn xỉu đi, mặt đỏ bừng, đau đầu, cử động không còn nhanh nhẹn, thân nhiệt có thể tăng đến 39 độ C.
Nắng nóng quá sẽ dẫn đến tử vong
Những trường hợp nặng còn có biểu hiện nôn mửa, khó thở, tim đập nhanh, co giật, thậm chí hôn mê, ngừng thở. Ở trẻ em, triệu chứng say nắng nặng có thể rất giống với viêm não, như sốt cao, nôn, co giật, lơ mơ, thậm chí hôn mê…
Làm gì khi bị say nắng?
Sau nắng trong y khoa là một biểu hiện cấp cứu, vì vậy cần phải xử trí ngay lập tức. Điều cần làm trước tiên là đưa bệnh nhân vào chỗ có bóng râm, tốt nhất là nơi thoáng mát, bỏ bớt áo ngoài, nới lỏng y phục. Ngoài việc quạt nhẹ cho bệnh nhân, cần dùng khăn thấm nước mát lau khắp người để hạ nhiệt. Ưu tiên chườm mát ở nách, bẹn, cổ là những nơi có động mạch lớn đi gần da.
Ngoài ra, những người say nắng thường đã ra rất nhiều mồ hôi (một phản ứng của cơ thể khi thân nhiệt tăng, nhằm cân bằng nhiệt trở lại) nên bị mất nước và rối loạn điện giải, do đó bệnh nhân cần được uống nước có pha chút muối và đường, tốt nhất là dung dịch oresol pha đúng liều lượng hướng dẫn. Nếu không bù nước và muối kịp thời, bệnh nhân say nắng nặng có thể bị trụy tim mạch và tử vong.
Cần đưa đi bệnh viện ngay nếu bệnh nhân không giảm sốt, khó thở, đau bụng, đau ngực hoặc hôn mê, không thể uống nước được. Việc chườm mát cho bệnh nhân vẫn phải được thực hiện liên tục trên đường đi. Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ truyền dịch để bù nước và điện giải cho bệnh nhân, nếu cần thiết có thể phải dùng thuốc để hạ sốt, chống co giật, thậm chí có thể phải đặt ống nội khí quản, cho thở máy với bệnh nhân hôn mê.
Để phòng say nắng, không nên làm việc quá lâu dưới trời nắng, tránh đi ngoài trời nắng gay gắt một đoạn đường quá dài (nên nghỉ ngơi sau từng chặng). Cần trang bị đủ các phương tiện chống nắng như mũ, áo chống nắng, kính… Uống đủ nước, nên uống nước có chút muối nếu ra nhiều mồ hôi.
Ngoài ra, bác sĩ Phạm Mạnh Thân đặc biệt lưu ý mọi người khi ra đường cần che kín vùng gáy, bởi trung khu điều nhiệt nằm ở vùng này. Việc ánh nắng gắt chiếu trực tiếp vào gáy rất dễ dẫn đến say nắng.
Theo Báo Đất Việt