>>Hà Nội: Thức trắng đêm, hỗn loạn mua hồ sơ lớp 1
>>Hiệu trưởng chạy trốn vì áp lực tuyển sinh
Là một trong những phụ huynh tham gia màn "đạp đổ cổng trường" PTCS Thực nghiệm sáng 12/5, chị Thư tâm sự, đây là sự lựa chọn số 1 cho cô con gái thứ hai. Con gái lớn - bé Phương, cũng đang học lớp 3 tại PTCS Thực nghiệm (thuộc Bộ GD&ĐT).
"Tôi thấy con gái mình thật sự có tuổi thơ. Trong khi nhiều bạn bè tối về đánh vật với con, kèm cặp từng tý, thì tôi rất thảnh thơi. Trường không dạy thêm, trẻ có ít bài tập. Khi về nhà, bé có thời gian vui chơi, thi thoảng cháu tự học và mẹ chỉ phải nhắc nhở tư thế ngồi khoa học", chị Thư nói.
Theo chị Thư, chương trình học thực nghiệm có môn Toán là khác chương trình đại trà nhiều nhất. Em trai chị đang học đại học năm thứ ba khi xem sách vở của bé Phương phải "choáng" vì lớp 2 đã học giải phương trình. Vị phụ huynh đặc biệt thích cách dạy Văn của trường Thực nghiệm. Học sinh được thoải mái bày tỏ suy nghĩ và cô giáo sẽ chấm theo kiểu sửa câu đúng hay sai.
Nhiều phụ huynh cho biết PTCS Thực nghiệm đáp ứng những tiêu chí mà họ đặt ra:
Không gây áp lực cho trẻ, hợp túi tiền, môi trường trong lành
Ở trường Thực nghiệm, mỗi học kỳ, các bé đều có một buổi đi dã ngoại, tổ chức trung thu, lễ hội... Cuối học kỳ sẽ có hội chợ để các bé tự mua bán - trao đổi hàng hóa.
Có con sắp tốt nghiệp tiểu học của trường Thực nghiệm, chị Tú (phố Láng Hạ, quận Đống Đa) cho biết, chị đã đăng ký cho con học tiếp lớp 6 vì "trường dạy bé kiến thức căn bản và chú trọng kỹ năng sống". Sau 5 năm con gái học ở trường này, chị Tú nhận xét, giáo viên tập trung dạy trẻ cách tư duy thay vì nhồi nhét kiến thức.
Nếu như chương trình đại trà dạy 1 + 1 = 2 thì ở trường Thực nghiệm dạy bản chất của phép cộng, bản chất của các số tự nhiên, dạy học sinh tư duy bản chất vấn đề trước, sau đó mới làm tính sau. Với cách dạy này, trẻ sẽ khó tiếp cận lúc đầu, nhưng khi học quen rồi thì làm các phép tính nhanh hơn.
Cũng như chị Thư, chị Tú rất hài lòng với cách dạy Văn ở trường Thực nghiệm. Trừ những quy định bắt buộc như có mở bài, thân bài, kết luận thì các cháu không phải làm theo khuôn phép. "Hồi lớp 3 đi họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm của con nói rằng đọc bài văn của bọn trẻ biết ngay bài nào có hướng dẫn của phụ huynh bài nào không. Bài có bố mẹ hướng dẫn cô đề nghị viết lại theo đúng cảm nhận lứa tuổi và cũng nhắc phụ huynh không can thiệp", chị Tú kể.
Theo bé Diệu Anh (lớp 5), tại lớp bé không phải học quá nhiều, lại hay được đi tham quan tìm hiểu di tích lịch sử. "Cháu thích nói chuyện với thầy hiệu trưởng vì thầy hay hỏi cháu "học hành thế nào, ăn uống có tốt không, rồi hỏi ngủ có đủ giấc không". Cô giáo coi chúng cháu như bạn và thường xưng hô bạn - tớ", Diệu Anh nói.
Bé Phương (lớp 3) chia sẻ, chỗ ngồi của học sinh được thay đổi thường xuyên, thế nên có thể thân thiện với nhiều bạn. "Mỗi bạn sẽ được làm lớp trưởng hoặc tổ trưởng một tuần theo hình thức quay vòng. Chúng cháu cũng sẽ phân chia lao động, chia cơm phục vụ lẫn nhau và dọn dẹp phòng học. Ai cũng cảm thấy vui vẻ", Phương nói.
Nếu như nhiều trường không có khuôn viên cho trẻ chơi thì ở trường Thực nghiệm, khuôn viên rộng rãi, lại rất nhiều sân chơi thể thao, hết giờ trẻ xếp cặp sách lại một góc rồi tung tăng chơi. "Nhiều lần đến đón con mình bở hơi tai đi tìm. Trường có sân sỏi đầy bóng mát, trẻ có thể hái lá chơi đồ hàng. Nếu không thỏa thuận trước với con thì rất mất thời gian đi tìm", chị Thư nói.
Không gian xung quanh trường cũng là điểm mà chị Tú rất ưng ý. Chị cho biết, khuôn viên trường rộng rãi, thoáng đãng và có vị trí cách biệt với nhà dân, hàng quán, tạo môi trường sư phạm tốt. Vấn đề ăn uống và sinh hoạt của trẻ tại trường cũng đảm bảo.
Với nhiều phụ huynh, PTCS Thực nghiệm còn hấp dẫn bởi học phí vừa phải. Chị Thư cho biết, con chị học lớp 3, mỗi tháng phải đóng gần 1 triệu đồng, phù hợp với thu nhập của gia đình. Chị Tú cũng rất ưng ý với khoản học phí phải đóng cho con gái lớp 5, dao động 800-900 nghìn đồng một tháng (gồm cả ăn bán trú).
Tuy nhiên, theo một số phụ huynh "điểm trừ" của trường Thực nghiệm là chưa chú trọng rèn luyện chữ viết nên các em viết khá xấu. Trẻ tự do viết theo các nét khác nhau bởi thầy cô chỉ chú tâm dạy cho trẻ tư tưởng, định hướng hơn là luyện chữ.
Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Lê Tiến Thành cho biết, mô hình đào tạo thực nghiệm được áp dụng ở Việt Nam hơn 30 năm và đã thành công. Mô hình này được Bộ GD&ĐT thông báo ứng dụng và nhân rộng trên cả nước. Hiện có 16 tỉnh, với hàng chục trường đang dạy theo mô hình này. "Tuy nhiên, do Sở GD&ĐT Hà Nội chưa đăng ký nên Bộ không thể ép buộc", Vụ trưởng Thành nói thêm.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở cũng nhận được thắc mắc của nhiều phụ huynh về việc vì sao không mở rộng mô hình thực nghiệm cho học sinh Hà Nội. Theo lý giải của ông Thống, chương trình thực nghiệm đang trong thời gian triển khai thí điểm. Ngay các nhà quản lý hay giáo viên các trường khác ở Hà Nội cũng chưa nắm được nội dung chương trình đào tạo của trường Thực nghiệm.
"Tôi cũng muốn lưu ý, đây là chương trình giáo dục khá chuyên biệt nên khi phụ huynh cho con vào học trường này cần cân nhắc kỹ vì nếu không tiếp tục theo học ở đây, các cháu sẽ rất khó trong việc hòa nhập với các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội bởi nội dung kiến thức, phương pháp học tập khác nhau", ông Thống nói.
PTCS Thực nghiệm ở phố Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội) trực thuộc Bộ GD&ĐT, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, tôn trọng tính sáng tạo, tự chủ của học sinh. Nhiều nhà khoa học tên tuổi từng học ở đây, trong đó có GS Ngô Bảo Châu. |
Theo VnExpress