Ngoài việc mang muối đem bán, lạc đà không bướu còn có ích trong việc cung cấp thịt, da cũng như lông cừu và chất béo - tất cả đều có thể được coi như món hàng để trao đổi. Ngay cả phân của chúng cũng được sử dụng làm nhiên liệu nấu ăn.
Ngoài ra, sa mạc muối Salar de Uyuni còn là một địa điểm hoàn hảo để thử nghiệm các hệ thống viễn thám của vệ tinh trên quỹ đạo bởi không khí ở đây rất khô và bầu trời luôn trong sáng.
Ở đây cũng có những ngôi nhà, khách sạn đặc biệt được xây dựng từ những viên gạch muối, với bàn, ghế và giường ngủ cũng bằng muối.
Tuy nhiên, danh tiếng về cánh đồng muối lớn nhất thế giới không phải là yếu tố duy nhất làm nên tên tuổi cho Uyuni. Cái độc đáo nhất và biến Salar de Uyuni trở thành miếng nam châm làm nức lòng những người thích khám phá là khi cánh đồng muối ngập nước xăm xắp vào mùa hè.
Mặt nước nông phẳng lặng không gợn một chút sóng đã biến thành tấm gương thiên nhiên khổng lồ mà nhà du hành vũ trụ Neil Amstrong đã nhìn thấy từ Mặt trăng vào năm 1969. Dường như thế giới được nhân đôi và được phản chiếu đầy đủ trong tấm gương, tạo nên một cảm giác vừa lạ vừa siêu nhiên.
Theo MASK