Vỡ mộng xuất ngoại

Chủ nhật, 17/06/2012, 11:03
Có người thân lao động ở nước ngoài giúp không ít gia đình trở nên khấm khá nhưng cũng khiến nhiều hộ dân rơi vào cảnh trắng tay hay nợ nần chồng chất. Nhiều lao động còn trở về không lành lặn hoặc bỏ mạng nơi xứ người…
Tại Hà Tĩnh, hầu như vùng quê nào cũng có người đi lao động ở nước ngoài, cuộc sống nhiều gia đình vì thế cũng trở nên khấm khá nhờ nguồn tiền gửi về. Cứ thế, người trước rước người sau, họ theo các đường dây môi giới xuất khẩu lao động để được xuất ngoại bằng mọi cách.
 
Gà trống nuôi con
 
Nhiều ngôi làng ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh những năm gần đây trở nên khá giả khác thường. Trong khoảng 2.000 người của Cương Gián đang lao động tại nước ngoài, phụ nữ chiếm 1/4. Họ đã góp vào sự giàu có chung của cả xã. Tuy nhiên, không hiếm gia đình có người đi lao động nước ngoài đã rơi vào cảnh bần cùng.
 
Chúng tôi tìm đến nhà anh Lê Văn Định, có vợ là chị Phan Thị Quý đang lao động ở Malaysia, vào một buổi trưa. Căn nhà 2 gian của Định trống trơn, chỉ có vài chiếc ghế nhựa vứt lỏng chỏng. Chiếc giường đặt cạnh cửa sổ được phủ một cái màn rách trông thật thảm hại. Nghe tiếng chó sủa, từ trong buồng ngủ, một người đàn ông đáp lại bằng giọng nói yếu ớt.
 
Anh Định gắng cựa mình ra khỏi đống chăn để tiếp khách. Giọng khàn khàn, anh kể về gia cảnh mình nghe thật não nề: “Vốn khốn khó, cách đây 2 năm, tôi cố vay gần 50 triệu đồng cho vợ qua Malaysia làm thuê kiếm tiền mong có vốn làm ăn. Vậy mà đến nay, vợ tôi mới gửi về được 4 triệu đồng vì lương thấp. Chỉ vài tháng nữa là cô ấy hết hợp đồng lao động, vợ chồng tôi lại rơi vào cảnh nợ nần”.
 

Một thanh niên ở Hà Tĩnh bị tàn tật trong thời gian đi lao động ở nước ngoài. 
 
 
Vợ đi nước ngoài làm thuê, anh Định ở nhà làm phụ hồ mỗi ngày kiếm khoảng 80.000 đồng nhưng công việc cũng bữa được, bữa mất. Với 4 miệng ăn, gia đình anh thuộc diện hộ đói của xã. Khi chúng tôi đang trò chuyện với Định thì 3 đứa con nhỏ của anh nhếch nhác chạy về đòi cơm.

Anh Định dỗ: “Bố còn ốm chưa đi xay gạo được, chút nữa sang hàng xóm vay tạm rồi sẽ nấu cơm”. Đứa con trai nhỏ nhất vẫn không chịu tin, buộc cha mình phải mở nồi cơm cho xem. Thấy trống không, cậu bé xịu mặt, không đòi nữa.

 
Cạnh nhà anh Định, một căn nhà xây tạm bợ cửa đóng kín mít không có lối ra vào. Chủ nhân căn nhà này là anh Hoàng Xuân Sự, có vợ là chị Võ Thị Bảo đang lao động ở nước ngoài. Vốn sống bằng nghề chài lưới khó nhọc nhưng luôn thiếu thốn, năm 2011, anh Sự quyết định cầm sổ đỏ và vay mượn bạn bè được 100 triệu đồng làm thủ tục cho vợ sang Đài Loan giúp việc gia đình. Dù có vợ xuất ngoại nhưng anh Sự vẫn ngày ngày ra biển đánh cá, kiếm tiền nuôi 3 con nhỏ từng bữa.
 
Ở Cương Gián, rất nhiều gia đình có cùng cảnh ngộ vợ xuất ngoại, chồng ở nhà “gà trống nuôi con” như anh Định và anh Sự. Theo thống kê của Hội Phụ nữ xã Cương Gián, địa phương này có hàng chục gia đình dù vợ đi lao động nước ngoài nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. Nhiều người chồng đành gửi con lại cho cha mẹ, vào Nam làm thuê làm mướn kiếm tiền.
 
Mơ đổi đời, về trắng tay
 
Sau hơn 6 tháng sống chui lủi ở Malaysia, cuối năm 2011, anh Nguyễn Trí Hợi, ngụ xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc - Hà Tĩnh, cùng 4 người nữa mới thuê được người đưa về tới Việt Nam trót lọt nhưng nay không biết làm gì ra tiền để trả nợ.
 
Hợi cho biết đầu năm 2011, thông qua một công ty môi giới xuất khẩu lao động ở TP Vinh - Nghệ An, anh và 5 người ở xã Sơn Lộc nộp 45 triệu đồng/người để sang Malaysia lao động phổ thông. Theo thỏa thuận ban đầu, sau khi qua Malaysia, Hợi và những người cùng xã sẽ được bố trí làm tại nhà máy sản xuất đồ điện tử với mức lương 400 USD/tháng. Tuy nhiên, sang tới Malaysia, họ phát hiện mình bị đơn vị môi giới lừa theo hình thức du lịch.
 
“Sang tới đó, họ “bán” chúng tôi cho một công ty sản xuất bao bì với mức lương 200 USD/tháng nhưng suốt 3 tháng đầu không được nhận” - anh Hợi bức xúc. Làm việc trong môi trường khắc nghiệt, lương không có, Hợi và các lao động tìm cách trốn khỏi nhà máy.
 
“Trốn hơn một tháng, trong tay không có đồng xu cắc bạc nào nhưng may mắn, chúng tôi liên lạc được với đường dây đưa người về Việt Nam qua biên giới’’ - anh Hợi ngao ngán. Với khoản tiền 20 triệu đồng thuê người đưa về cùng 45 triệu đồng chi phí xuất cảnh và giờ trắng tay, Hợi cho biết anh đang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
 
Đau lòng hơn, một số lao động phải bỏ mạng ở xứ người mà gia đình phải âm thầm gánh chịu, không thể báo cơ quan chức năng, cũng không được đền bù, hỗ trợ. Anh Nguyễn Văn Tưởng ở xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc sang Thái Lan làm việc tự do nhiều năm. Bất ngờ, năm 2010, gia đình nhận được tin anh bị giết chết bỏ vào túi ni lông và công nhân môi trường đô thị Bangkok đã phát hiện.
 
Cách đây không lâu, hơn 10 người ở Hà Tĩnh, Quảng Bình sang Thái Lan làm thuê chui. Đến Tết, họ về quê qua sông Mê Kông, bị lật thuyền chết và mất tích nhưng gia đình phải nghẹn ngào chịu đựng mà không biết kêu ai. Mới đây, một số lao động nữ quê Hà Tĩnh làm chui ở Angola cũng bị cướp xông vào phòng trọ sát hại và lấy hết giấy tờ, tiền bạc... khiến họ lâm cảnh trắng tay.
 
Nghĩa địa thuyền viên
 
Trở về nước đã ngót 10 năm nhưng đó cũng là quãng thời gian mà anh Nguyễn Văn Dương, ngụ xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh, suốt ngày phải ngồi trên xe lăn. Vụ tai nạn trên boong tàu đánh cá 10 năm trước khiến anh liệt nửa người, gãy xương cổ… và trở thành tàn phế.
 
Năm 2001, anh Dương đi lao động ở Hàn Quốc và trở thành thuyền viên trên một con tàu đánh cá thuộc hãng MoNa với mức lương mỗi tháng 300 USD. Làm việc chưa tới một năm, trong một chuyến đi biển, khi đang đứng trên một tấm ván kiểm tra tàu thì anh gặp tai nạn. Cú rơi mạnh xuống boong tàu ở độ cao gần 10 m khiến Dương bất tỉnh nhưng may mắn còn giữ được mạng sống.
 
Cùng cảnh tàn phế do đi lao động ở nước ngoài như anh Dương, trường hợp anh Nguyễn Thắng ở xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh cũng bi đát không kém. Thắng đi tàu ở Đài Loan, trong một lần cập cảng biển Nam Phi, thuyền trưởng giao cho anh leo lên sơn tàu. Vừa bước lên giàn tàu, không hiểu sao, đầu anh choáng váng, miệng nói ngọng rồi bổ nhào xuống khoang ngất lịm. Vụ tai nạn khiến hai hàm răng Thắng không còn một chiếc, chân phải bị vỡ bánh chè. “Trước hôm bị tai nạn, tôi bị chủ tàu cá bắt làm việc suốt đêm nên kiệt sức” - anh rầu rĩ.
 

Đám tang một thuyền viên xấu số tại nghĩa địa thuyền viên dưới chân núi Đỏ - Hà Tĩnh
 
 
Dưới chân núi Đỏ tại xã Kỳ Khang có một nghĩa địa riêng dành cho các thuyền viên xấu số. Nhiều ngôi mộ ở đây dù ghi đủ tên, tuổi, quê quán nhưng chỉ lập ra để người thân tưởng nhớ vì không mang được thi thể thuyền viên từ nước ngoài về quê.

Nhiều gia đình ở Kỳ Khang cho biết những người chết xa xứ như vậy, nhất là thuyền viên gặp nạn trên biển ở nước ngoài, nếu đưa thi thể về thì sợ “xui xẻo” cho làng xóm nên người nhà phải mang ra núi chôn. Giờ đây, dưới chân núi Đỏ, những ngôi mộ của các thuyền viên xấu số nằm hoang lạnh và các nấm mồ gió không thi thể cũng mọc lên hằng tháng.

 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong hợp đồng đi nước ngoài lao động, có một điều khoản mà các công ty môi giới buộc thuyền viên và gia đình họ phải chấp nhận. Đó là nếu chẳng may thiệt mạng, thuyền viên sẽ bị thủy táng, chôn cất trên đất liền, hải đảo hoặc hỏa táng ngay tại nước sở tại khi chính quyền ở đó cho phép. Vì vậy, nhiều thuyền viên ở Hà Tĩnh tử nạn phải nằm lại nơi xứ người.
 
Nhiều thuyền viên ở Hà Tĩnh cho biết hàng chục người xấu số gặp nạn trên biển đã bị chôn dọc các vùng đảo nơi tàu đánh cá xa bờ hoạt động hay những hải cảng gần đó. Haiti là nơi thuyền viên Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc gặp nạn được chôn cất nhiều nhất. Theo thuyền viên Hoàng Đình Châu ở xã Kỳ Khang, trong 4 người của gia đình bà Nguyễn Thị Nhung chết khi đánh cá ở vùng biển Haiti thì 3 người mãi mãi nằm lại tại một nghĩa trang gần biển Haiti…
 
Theo Vietbao

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn