Bó củi sính lễ cưới chồng của sơn nữ

Thứ bảy, 16/06/2012, 16:45
Con gái dân tộc Rơ Ngao ở làng Tu Peng, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô, Kon Tum, cứ đến tuổi cập kê là phải vào tận rừng sâu kiếm cả trăm bó củi dẻ về làm lễ vật tặng bố mẹ chồng mới được kết hôn.

Chị Y Na có cuộc sống gia đình hạnh phúc, được nhà chồng tôn trọng nhờ đã
kiếm được một đống củi rất to.

 
Sống giữa mảnh đất đại ngàn Tây Nguyên với cây cối rậm rạp, um tùm, người Rơ Ngao ở làng Tu Peng rất coi trọng củi. Với họ, củi là một trong những thứ không thể thiếu được trong mỗi gia đình. Người dân nơi đây đã có một luật tục khá kỳ lạ, đó là mỗi một cô gái đến tuổi cập kê đều phải vào rừng kiếm củi để chuẩn bị làm lễ vật cho gia đình nhà chồng.
 
Già làng A Hanh cho hay, củi là thứ rất quan trọng nói lên tình yêu của người con gái đối với người con trai. Nhìn vào những bó củi kiếm được của người con gái, người trong làng có thể đánh giá cô gái ấy “công, dung, ngôn, hạnh” như thế nào.
 
Nếu củi của người con gái càng nhiều, đẹp, đều… chứng tỏ cô có đôi bàn tay khéo léo, hình thức đẹp, sống hiếu thảo, cẩn thận và chắc chắn người chồng mà cô sắp lấy là một chàng trai khỏe mạnh, đẹp trai; tình yêu của cô với người con trai đã rất sâu nặng. Chính vì điều này nên người dân của làng Tu Peng luôn xếp củi để khoe trước nhà.
 
Theo luật tục, củi hứa hôn của người con gái phải được từ cây dẻ khỏe mạnh. Củi từ cây dẻ bị cụt ngọn thì sẽ là điềm xấu cho hôn nhân sau này.
 

Củi sơn nữ tìm về làm sinh lễ nhà chồng phải thẳng, chắc, lột vỏ trắng đẹp và xếp
ở đầu nhà rông như một cách khoe tự hào.

 
Ngoài ra, củi hứa hôn phải tuân thủ đúng quy định như: mỗi thanh phải có chiều dài khoảng 80 cm, phải thẳng, chắc, tất cả vỏ ngoài phải được lột sạch sẽ, đầu của mỗi thanh củi phải được chặt bằng hoặc vát nhọn.
 
Chính vì những quy định khắt khe này nên mỗi người con gái mới lớn đều phải chịu rất nhiều hiểm nguy, vất vả trong thời gian dài từ 2 đến 3 năm để vào rừng kiếm đủ số củi mới được lấy chồng. Đây cũng là thời gian thử thách khó khăn nhất cho tình yêu của cô gái với người yêu.
 
Theo Già A Hanh, trước đây, khi rừng còn nhiều, người con gái phải một mình vào rừng kiếm củi. Nếu anh con trai nào mà đi kiếm củi giúp, bị làng phát hiện thì sẽ bị phạt vạ.
 
Hiện tại, khi rừng đã bị tàn phá nhiều, để kiếm được củi, người con gái phải vào tận rừng sâu mới có, thời gian sẽ rất lâu nên làng đã quyết định cải tổ “lệ”. Đó là cô gái có thể mượn bất cứ ai trong làng đi kiếm củi giúp mình, trừ người chồng tương lai.
 

Sơn nữ muốn cưới được chồng phải mất nhiều năm kiếm củi về làm lễ vật.

 
Theo đó, cô gái đang yêu chỉ cần mượn người dân trong làng cùng vào rừng kiếm củi giúp. Họ sẽ đi liên tục từ 20 đến 30 ngày. Khi củi kiếm được đã đủ (ít nhất là 100 bó), hai bên gia đình sẽ tổ chức lễ ăn hỏi và người con gái mang hết củi đến gia đình nhà chồng, dựng nhà xếp củi thật ngay ngắn và chờ gia đình nhà chồng tổ chức đám cưới.
 
Để đáp lại sự vất vả của cô, bố mẹ chồng sẽ tổ chức đám cưới thật linh đình cho con trai và con dâu với từ 10 đến 20 ghè rượu cần, nhiều gà, lợn, nhà nào khá giả thì đãi thêm bia. Những người kiếm củi giúp cho cô dâu trước đó sẽ được trân trọng kính mời.
 
Ra nhà chứa củi mà cô con dâu Y Na đã kiếm được làm vật đính ước, Già A Hanh tự hào khoe: "Đây là củi con dâu mình kiếm đấy, mình đã nấu 5 năm nay mà chưa hết. Cái tay của con dâu mình khéo lắm, vợ chồng mình thương nó lắm".
 
Chị Y Na cho biết, trước đây để kiếm củi cho bố mẹ chồng, chị phải mất 4 năm vào rừng, hàng ngày trèo qua mấy ngọn đồi, lội mấy con suối, mới đến được nơi có những cây dẻ đẹp. Để có được một đống củi lớn mà bố mẹ chồng nấu hơn 5 năm nay, chị đã gùi nặng trên vai cả nghìn cây số không quản mệt nhọc. Trong thâm tâm lúc ấy chị Na tin rằng, có như vậy chị mới được bố mẹ chồng yêu thương.
 
"Đã từng có những cô gái vụng về, kiếm củi không vừa ý nhà trai, sau đám hỏi bị nhà trai trả lại củi và không cưới nữa", Già Y Háp (70 tuổi) nói.


Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích