Uẩn khúc vụ tranh chấp 1.000 tỷ đồng: Di chúc đã bị ém nhẹm?

Thứ bảy, 16/06/2012, 11:27
Người nhà nữ đại gia âm thầm làm việc thiện T.K.P. khẳng định cái chết của bà T.K.P có nhiều bất thường. Họ tin rằng, bà P. có di chúc nhưng bị ai đó cố tình giấu đi…
Cuộc đời, sự nghiệp của bà chủ lò bún khô T.K.P (66 tuổi, ngụ đường Tô Hiệu, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú, TPHCM) khiến nhiều người tò mò và bàn tán kể từ khi bà chết đi, để lại khối tài sản khổng lồ.

Theo hồ sơ PV Dân trí có được, bà P. có cha là T.T., mẹ Hà Kim L. đã mất. Gia đình bà đông anh chị em nhưng có nhiều người đang định cư ở nước ngoài, chủ yếu là ở Đức, trong đó có ông T.L.Kim (SN 1942), T.V.Phi (SN 1960), Hà X. (SN 1950, người duy nhất mang họ mẹ)… Ở TPHCM, chỉ có bà P., một người em gái đã lập gia đình và ông T.V.P (SN 1958, ngụ P.Hiệp Tân, Tân Phú).

Ông T.V.P kể lại rằng, chị của ông là người cần cù, chịu khó trong công việc. Anh chị em đều có gia đình. Bà P. ở vậy nuôi cha mẹ. Vì vậy, bà thừa kế cơ sở bún gia truyền và tài sản, bất động sản do cha mẹ để lại.

Do muốn phát triển nghề bún để làm bộ mặt, niềm tự hào của gia đình, và bà P. độc thân nên anh em ở nước ngoài đều tin tưởng gửi tiền về hùn hạp làm ăn. Họ còn gửi tiền nhờ bà P. mua đất để sau này về nước định cư, có đất đai sinh sống. Chính vì tài sản cha mẹ để lại, anh em hùn hạp và cơ sở bún phát đạt nên nguồn vốn của bà P. ngày càng mạnh.

 

Chân dung cô con gái nuôi của bà P. tên T.H.H.L 
 

Bà luôn có cuốn sổ tay nhỏ, ghi rất chi tiết công việc hằng ngày cũng như những khoản tiền làm ăn với đối tác. Thậm chí, bà ghi số tiền vài triệu đồng cho ai đó mượn, ghi ngày giờ, số tiền giao cho nhân viên nào đó đóng tiền điện, nước, tiền rác hàng tháng…

Giàu có nhưng không chồng, con, người phụ nữ hiền hậu, chân chất ấy chỉ biết chuyên tâm vào làm việc thiện. Việc giúp người của bà diễn ra trong âm thầm, không đánh bóng tên tuổi.

Năm 1987, bà đến bệnh viện và nhận một bé gái bị cha mẹ bỏ rơi ngay khi lọt lòng về làm con nuôi. Bà đặt tên cho con là H.L, lấy họ của bà. Tên đầy đủ là T.H.H.L. Nay, cô con gái ấy đã 25 tuổi. Ngoài ra, bà P. còn làm người mẹ đỡ đầu cho 2 cô con gái là N.H.T.Trang (SN 1985) và N.H.T.Trâm (SN 1990). Trong 3 người con nuôi, chỉ có T.H.H.L được bà làm giấy tờ là con nuôi. Hiện nay, Trang, Trâm đã lập gia đình và ở riêng tại Tây Ninh.

Còn với H.L, bà thương yêu như chính núm ruột mình đẻ ra. Học hết cấp 3, bà cho H.L sang Singapore học. Nhưng không an tâm khi con trẻ bơ vơ xứ người. Bên Đức, anh chị em bà nhiều nên bà chuyển H.L sang đó học để có người thân bên cạnh chăm lo.

Khi con nuôi đi học, bà P. đầu tư xây dựng một nhà dưỡng lão ở Tây Ninh, nơi quê mẹ của bà. Bà dự định khi con gái học xong, về tiếp quản công ty thì bà lui về quê mẹ sống cuộc đời ẩn dật, an nhàn của tuổi già.

Thế nhưng, ngày 10/3/2010, bà đột ngột qua đời. Cái chết của bà P. khiến cho anh chị em của bà có nhiều băn khoăn và cho rằng có nhiều dấu hiệu bất thường.

Ông P. kể rằng, lúc nhận tin bà P. mất, các anh em bên Đức liền tức tốc mua vé máy bay về nhưng H.L không đi chung mà về sau hơn một ngày. Trong đám tang H.L cũng tỏ ra khá bình thản, không khóc lóc. Cũng theo ông P. thì trong lúc tang gia bối rối, H.L lại lén vào phòng làm việc của mẹ nuôi để đột nhập vào máy tính xóa hết dữ liệu, thư từ… Trong phòng ngủ của bà P., két sắt bị mở toang, đồ đạc bị xáo trộn. H.L còn thuê vệ sĩ đuổi người thân ra khỏi nhà...

 

Cô gái ngàn tỷ H.L (giữa) và 2 cô con gái được bà P. nhận đỡ đầu 
 
 
Đến lúc này, anh em bà P. mới yêu cầu lập ra một hội đồng gia tộc để quản lý số tài sản của bà P để lại. Do ông T.V.P là người ở TPHCM nên được Hội đồng gia tộc cử ra cùng với H.L quản lý khối tài sản. Ngay sau đó, hội đồng gia tộc nhờ thừa phát lại đến kiểm kê số tài sản của bà P.

Trước sự chứng kiến của những người trong gia đình, thì két sắt duy nhất trong buồng ngủ của bà P. đã bị mở toang, chỉ có giấy tờ và vài đồng bạc lẻ. Khi kiểm tra dưới gầm giường nằm, gầm tủ, sàn nhà… thì mọi người mới phát hiện số tài sản lớn gồm túi kim cương, hột xoàn, vòng vàng, nữ trang, ngoại tệ… được bà P. đã cất giấu kỹ trước đó.

Những chồng giấy tờ được xếp ngay ngắn, thứ tự theo thời gian. Những đồng tiền xu của những quốc gia mà bà P. từng đặt chân đến cũng được cất kỹ như bộ sưu tập. Ngay cả những tờ mệnh giá 200, 500 đồng cũng được bà bảo quản kỹ càng. Điều tuyệt nhiên, không ai tìm ra được tờ di chúc.

Ông T.V.P cho biết, ông không tin được một người tỷ mỉ từng chút, lo nghĩ xa như chị mình lại không để lại di chúc đề phòng khi bất trắc. Có thể di chúc đã bị tẩu tán hoặc cố tình ém nhẹm. Hiện gia đình ông P. đang nhờ cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ những nghi vấn về cái chết bất thường của chị mình.

Luật sư của ông T.V.P. cho biết, nếu có di chúc, chắc chắn số tài sản sẽ bị chia ra cho nhiều người theo ý nguyện của bà P. và chi trả số tiền hùn hạp của anh em. 

 
Theo Dantri
 

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn