Ông bị ung thư, bệnh viện trả về chờ chết, nhờ ấm thuốc sắc, sự săn sóc của bà may mắn ông thoát khỏi cửa tử. Giờ đến lượt bà bị tiểu đường biến chứng không làm gì được, ở tuổi 80 ông lại lọ mọ chăm bà. Tấm lòng và tình nghĩa ấy của ông được xã tặng bằng khen tấm gương "ông chăm bà" tiêu biểu.
Ông Bùi Văn Trứ và bà Bùi Thị Tính (Đình Thôn, Mỹ Đình, Hà Nội) cùng ở tuổi 80 nhưng trái với bà "mắt mờ, chân chậm" thì ông Trứ lại trẻ trung, khoẻ mạnh hơn nhiều so với tuổi của mình. Hiếm khi thấy ông không ăn mặc chỉn chu, dù đi dạo hay đi chợ, lúc nào ông cũng quần tây, áo sơ mi cắm thùng rất đĩnh đạc.
Bà Tính bảo, đó là "bệnh nghề nghiệp" của ông. Ông làm nghề thợ may, thời trẻ may đồ Tây trên phố Huế. Cũng chính vì cái nghề của ông, bà và ông mới nên duyên. "Tôi khóc đúng 3 đêm, nhất quyết không chịu lấy ông. Nhưng bà cụ nhà tôi bảo, ruộng bề bề không bằng nghề trong tay, lấy "nó" thì ăn trắng mặc trơn, ép phải nghe lời", bà Tính cười nhớ lại chuyện cũ.
Khởi đầu từ một sự ép buộc, nhưng suốt 60 năm qua, ông bà đã sống với nhau vẹn nghĩa tào khang, cái nghĩa ấy thể hiện rõ nhất khi một người lâm vào cảnh ốm đau, hoạn nạn.
Hơn chục năm trước, ông Trứ bị ung thư đại tràng. "Bệnh viện mổ xong, không chiếu xạ, cũng không cho dùng thuốc, trả về, bảo lo dần hậu sự, không thể sống quá được 10 ngày. Tôi đang rối hết ruột gan thì có người mách lấy lá đu đủ, đàn ông 7 lá, đàn bà 9 lá, sắc 4, 5 bát nước còn lại non lưng đem uống", bà Tính kể.
Còn nước còn tát, không đành lòng nhìn ông ra đi, bà Tính ngày đêm sắc thuốc cho chồng. May mắn, bệnh ông chuyển dần. Uống được một thời gian ông từ lúc nằm liệt giường đã khoẻ lại, sức khoẻ ổn định cho tới bây giờ. "Không những khỏi ung thư mà những nốt lở loét trên lưng tôi do bệnh da liễu kinh niên cũng khỏi nốt, không rõ có phải do tôi "hợp" lá đu đủ không", ông Trứ cười.
“Bà ngồi xích lại tôi cho tình cảm”, ông Trứ kéo vợ gần về phía mình trước ống kính máy ảnh.
Bà bệnh, tôi ăn kiêng theo bà
Ông khỏi bệnh được vài năm, thì lại đến bà đổ bệnh. Do không biết sớm, kiêng khem tốt, mà từ tiểu đường bà Tính bị biến chứng sang nhiều bệnh khác. Bao lần bà phải đi viện cấp cứu vì huyết áp, mắt kéo màng, mồm miệng lở loét... Sự "ở lại" của ông Trứ giờ với bà còn có thêm ý nghĩa là bà có được người bạn đời bên cạnh săn sóc, chăm nom mà khó có con cái nào thay thế được.
Bốn người con của ông bà đều đã trưởng thành, nhưng ông bà không ăn chung với con nào, tự tay ông bà chăm sóc cho nhau. Từ khi bà bị bệnh, sức khoẻ giảm hẳn, việc nội trợ trong nhà, từ đi chợ, nấu nướng, giặt giũ... đều do ông đảm nhận. Hình ảnh người đàn ông treo tòn teng mớ rau, miếng đậu trước ghi đông xe đạp đã quen thuộc với những người hàng xóm nơi đây hằng ngày.
"Chế độ ăn của tôi kiêng khem khổ lắm, nhưng ông ấy bảo bà bệnh tôi ăn theo bà, thành ra khổ theo, chỉ lúc nào con cái biếu quà bánh gì ông ấy mới được "cải thiện", bà Trứ kể.
Tấm lòng và tình nghĩa ấy của ông đã được xã trao tặng bằng khen tấm gương "ông chăm bà" tiêu biểu. Nhưng khi tôi hỏi về nó, ông cười ngượng nghịu, xua tay: "Có gì đâu mà các ông ấy cứ khen tôi".