>> Bộ Giao thông thanh tra xe khách, bến xe 5 tỉnh thành
>> Chuyện lạ ở hai làng Bắc cổ
>> Éo le chuyện nữ vệ sĩ bị người yêu dội axit
Từ lá đơn tố cáo
Thời gian qua, Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau luôn được sự quan tâm của chính quyền địa phương nhằm động viên, an ủi những người già neo đơn, trẻ em bất hạnh. Thế nhưng, sự vô cảm của một số cán bộ thiếu y đức đã làm họ bức xúc.
Một số cụ già neo đơn gửi đơn tố cáo y sĩ Vũ Huy Thắng. Trong đơn gởi các cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Mười (SN 1945, hiện được nuôi dưỡng tại Trại dưỡng lão trung tâm) cho rằng: “Số phận của những người sống tại nơi này rất mong manh. Tính mạng trẻ em bất hạnh và người già đang bị đe dọa bởi y sĩ Thắng”.
Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau
Từ lá đơn tố cáo khẩn thiết, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau thành lập tổ xác minh. Ngày 7-5-2012, Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau đã có báo cáo kết quả xác minh. Chúng tôi thật không thể tin thái độ vô trách nhiệm của một y sĩ công tác tại Trung tâm bảo trợ xã hội nhưng thiếu tình thương và trách nhiệm. Sự việc xảy ra khá lâu nhưng sở vẫn không kiểm tra, xử lý rốt ráo.
Theo nội dung báo cáo, ngày 1-7-2004, cụ Nguyễn Thị Thẩm (SN 1926) được tiếp nhận vào trung tâm. Đến ngày 17-6-2008, cụ qua đời tại Bệnh viện Cà Mau, trung tâm đưa thi hài cụ về đơn vị an táng.
Anh Nguyễn Văn Đấu, nhân viên bảo vệ bệnh viện, nhớ lại: “Lúc đưa thi hài cụ Thẩm vào nhà xác, cụ không được mặc đồ. Tôi thấy xót, gọi y sĩ Thắng nhắc nhở. Nào ngờ vị này gạt ngang: “Anh có mặc được thì vào mặc đi””. Trước thái độ thờ ơ ấy, anh Đấu đành vào mặc quần áo cho cụ Thẩm.
Ngày 21-1-2012, cụ Phạm Thị Hường bị bệnh nặng. Ông Phan Thanh Quế, Trại phó Trại dưỡng lão, báo tin cho y sĩ Thắng. Sau khi đo huyết áp và cho cụ uống thuốc, y sĩ này gọi điện xin chuyển cụ đến Bệnh viện Cà Mau. Lẽ ra với trách nhiệm của một thầy thuốc, y sĩ Thắng phải tận tình đưa cụ Hường đến bệnh viện theo dõi điều trị nhưng vị này đã bỏ về. Khi xe đưa cụ Hường đến bệnh viện thì cụ đã tắt thở.
Ngoài việc người già neo đơn tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau thiếu sự chăm sóc, trẻ em bất hạnh ở đây cũng bị xử tệ. Tháng 10-2011, cháu Phượng bị té bể đầu, ngất xỉu. Nhân viên trực gọi điện cho y sĩ Thắng nhờ sơ cứu nhưng chỉ nhận được câu trả lời lạnh lùng: “Hôm nay không phải ngày trực của tôi. Tôi bận giữ con không đến được”.
Bên cạnh đó, một trẻ sơ sinh chết không được tẩn liệm đúng quy định. Khi báo chí tìm hiểu, Ban giám đốc trung tâm mới sửa sai.
Bà Chung Ngọc Nhãn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh
Cà Mau đến thăm trung tâm
Xử lý qua loa
Làm việc với cơ quan chức năng, y sĩ Thắng thừa nhận: “Có thiếu sót, xin hứa sẽ khắc phục nhằm phục vụ tốt hơn nữa” trước tập thể. Phía lãnh đạo trung tâm nhận định: “Về chuyên môn, y sĩ Thắng có bằng cấp hợp pháp, nhưng trình độ kiến thức hạn chế, lại thiếu tinh thần trách nhiệm và không khiêm tốn học hỏi. Sau khi được tập thể kiểm điểm, y sĩ Thắng đã nhận khuyết điểm, cam kết sửa chữa một cách nghiêm túc”. Ông Đào Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm khẳng định: “Y sĩ Thắng đã sửa được 60%”.
Trước việc kiểm điểm và xử lý qua loa, bà Nguyễn Thị Mười gởi đơn lên UBND tỉnh Cà Mau nhờ can thiệp.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn gởi Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho rằng: “Qua báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh xét thấy đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Mười đúng sự thật nhưng sở chưa thể hiện việc chỉ đạo kiểm điểm, xử lý sai phạm một cách nghiêm túc gây bức xúc nội bộ. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương kiểm tra, xử lý kịp thời các sai phạm xảy ra tại Trung tâm bảo trợ xã hội, có hình thức kỷ luật nghiêm đối với tổ chức, cá nhân sai phạm; đồng thời chấn chỉnh ngay tình trạng vô trách nhiệm của một số cán bộ tại trung tâm”.
Theo CATP