Sinh viên và mùa “làm ăn“ Euro

Thứ bảy, 16/06/2012, 13:41
Chuyện cá độ bóng đá trong sinh viên quả là muôn hình vạn trạng. Người máu mê chơi cả trăm triệu đồng rồi khi thua bắt bố mẹ nai lưng trả không phải là hiếm; Kẻ sẵn sàng “đốt” cả gia tài và “thiêu” luôn cả sự nghiệp đèn sách của mình.
Từ chuyện “cá cho vui”
 
Phổ biến trong giới sinh viên mê bóng đá bấy lâu nay là họ cá độ với nhau theo kiểu cho vui, với vật chất chỉ là gói xôi, bát phở, bữa nhậu, chầu kem, hay đi ăn chè, uống nước mát gì đó… Sinh viên thời nay, nhất là sinh viên nam, có tỷ lệ mê bóng và thường xuyên xem bóng đá rất cao. Tuấn A. sinh viên Đại học Giao thông giãi bày: "Cá theo kiểu ăn sáng, uống nước mát sinh viên xem bóng đá nào chẳng cá! Chuyện được, thua không quan trọng miễn là ai nấy đều thấy vui, hào hứng…”. 
 
Kiểu cá độ như mà giá trị tinh thần cao hơn giá trị vật chất tạm chấp nhận được. Tuy nhiên, chỉ có thể dừng ở mức đó, còn nếu đi quá xa, quá ham mê mà nâng mức cá độ lên thành tiền trăm, tiền triệu thì tác hại của nó sẽ rất ghê gớm và sự trả giá là không hề rẻ chút nào!
Từ chuyện "cá cho vui". trái bóng tròn đang làm đảo lộn đời sống inh viên
 
 
Dạo quanh các khu xóm trọ nơi những làng sinh viên hay các ký túc xá mùa EURO 2012 này, chúng tôi thấy không khí lăn cùng trái bóng thật vui tươi, nhộn nhịp, mặc dù sinh viên đang trong giai đoạn thi cuối năm. Các trận bóng đá của vòng bảng phát lúc 23h, sinh viên thường tập trung xem tại các căn phòng trọ, các quán nước trà đá hay một vài quán cà phê rẻ tiền.

Trào lưu “cá” của sinh viên khá rôm rả khi nhiều hội, nhiều phòng cá với nhau. Có người cá mức 50.000 đồng, khi tàn trận bên thua cuộc phải đi mua đồ ăn về cả nhóm cùng ăn để…lấy sức chờ xem trận 2 lúc 1h45’. 
 
Các sinh viên nam còn lôi kéo cả các sinh viên nữ vào cuộc khi nhiều bạn nữ đóng vai đầu bếp chờ thành quả thắng cuộc để nấu nướng. Có thể họ cá với nhau một hội chè đỗ đen với chỉ mức nửa cân đỗ, 1kg đường và vài ngàn tiền nước đá. Phái nữ nấu một nồi to để cả mấy phòng cùng ăn. Quả là thú vị khi được thưởng thức bóng đá EURO với không khí sinh viên vui tươi và đầm ấm như vậy. 
 
Thu H., sinh viên đại học Luật, sống trong khu xóm trọ Quan Hoa, Cầu Giấy kể: “Ở khu em trận nào cả xóm cũng cá. Tuy nhiên, họ chỉ cá vui thôi chứ không cá to đâu. Không khí hào hứng suốt đêm!”. Có đi sâu vào các khu sinh viên ở và hoà nhập với cuộc sống mùa EURO của sv mới thấy không khí bóng đá quả là quá vui, quá xôm. Mức độ cuồng nhiệt của sinh viên với bóng đá thì khỏi phải nói. 
 
Đến chuyện con cá độ, bố mẹ mất nhà
 
Nếu như đại đa số sinh viên coi chuyện cá độ cho vui bằng hình thức vật chất nhỏ, chẳng đáng là bao để hào hứng xem bóng đá, thì cũng có không ít sinh viên lại lấy chuyện cá độ bóng đá là cách… làm ăn.
 
Mùa bóng của các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu và các cúp của lục địa già vừa kết thúc chưa lâu, EURO cũng đã lại bắt đầu nên những sinh viên ham mê trò cá độ tha hồ thoả sức mà… làm ăn, mà “cày kéo”! Chuyện đến trường đối với những sinh viên đã trót quá ham mê trò cá độ chỉ là phụ, bởi thời gian họ dành hết cho bóng đá, cá độ và ngủ mất rồi.
 
Theo lời kể của giới sinh viên, Lê Văn Bình - sinh viên một trường đại học dân lập, hiện sống trong một xóm trọ thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội bấy lâu nay là một tay chơi “độ” bóng khét tiếng không chỉ trong giới sinh viên, khi “thành tích” đã 3 lần “báo” bố mẹ, mỗi lần không dưới 500 “quả” (500 triệu).

Mùa EURO mới qua đi chưa được 1/3 thời gian và Bình có vẻ vui ra mặt khi gặp hên. Cậu tâm sự: “Đánh mấy trận vòng bảng được nhiều hơn thua. Tuy nhiên, tiền ăn cũng chẳng được là bao, cỡ chỉ hơn trăm quả thôi, vì mỗi trận đâu có dám “cày” nhiều, chỉ cỡ trên dưới 20 quả…”. 
 
Số tiền những hơn 100 quả đối với Bình cũng chẳng đáng là bao thật, khi tôi biết rằng chỉ cuối mùa bóng các giải vô địch các quốc gia Châu Âu vừa rồi, Bình thua những 350 triệu. Tôi hỏi: Thế không may, EURO này thua tiếp thì lấy tiền đâu ra để trả? Bình lạnh tanh: “Thì lại báo ông bà già chứ biết làm sao bây giờ?!”.

Nghe nói gia đình cậu ta là một đại gia trong lĩnh vực buôn bán vật liệu xây dựng ở Thái Nguyên nên Bình còn có cái để mà “đốt”, chứ gia đình không có tiền chắc gì Bình đã dám lao vào như con thiêu thân như vậy.?!
 
Trần Văn Tuấn, sinh viên đại học Mỏ, quê Hà Giang cũng là một tay chơi bóng có hạng tại khu vực Cổ Nhuế, Từ Liêm. Nếu so với Bình thì Tuấn cũng tỏ ra “đồng cân đồng lạng”, bởi chỉ mới có 2 năm học mà Tuấn đã “thiêu” mất của bố mẹ gần 1 tỷ đồng.

Tuấn cho biết là EURO 2012 này cậu ta cũng đang “cày” và trận được trận thua cũng chưa biết thế nào. Cậu ta giải thích: “ Chơi bóng cũng đen, đỏ chứ nhận định giỏi nhiều khi cũng… chết như thường. Có khi đánh 5 trận được, nhưng gặp phải trận “kết” mà thua là cũng đi bằng vành…”. 
 
EURO này mỗi trận Tuấn chỉ chơi “vui” khoảng từ 10-20 quả một trận. Gặp trận kết và có vẻ ngon ăn Tuấn vẫn máu “phang” trên dưới 50 quả là chuyện thường. Tuấn bảo: “Chuyện có báo nhà hay không còn tuỳ thuộc vào lúc giải đấu này kết thúc đã vì nếu có lỡ thua, chủ bóng vẫn có thể cáng cho vài trăm quả…”.
 
Chuyện sinh viên cá độ bóng đá cỡ “đại gia” như Bình, như Tuấn thực gia không phải là hiếm, vì cách đây chỉ vài năm thôi, một sinh viên của trường một đại học khá danh tiếng, quê Nghệ An đã “nổi tiếng” khi thua độ bóng và báo nhà trên 3 tỷ đồng.

Hay như có sinh viên quê Lào Cai cũng từng chơi bóng và thua đứt hơn 1 tỷ đồng. Buồn thay, số tiền ấy gia đình cậu sinh viên này phải bán cả căn nhà mặt phố đang ở để trả nợ cho con và vay mượn bao chỗ mới đủ “cứu” con.
 
Thật khổ cho cha mẹ những sinh viên sa đà vào cờ bạc nói chung và trò các độ nói riêng, bởi đại đa số gia đình các em xuất phát từ nông thôn, nơi mà tất tật tiền bạc được trông chờ từ hạt lúa, bắp ngô và củ khoai…
 
Thay cho lời kết
 
EURO 2012 rồi cũng sẽ qua đi và dư âm của nó để lại trong lòng người hâm mộ là rất nhiều, song với những đệ tử ham mê trò cá độ nói chung và sinh viên thích “làm ăn” bằng trò đỏ đen nói riêng cũng là quá muôn hình vạn trạng cảm xúc. Người vui vì thắng cuộc, không ít kẻ…mếu vì mất tất cả từ tiền bạc, sự nghiệp học hành và cả nhân cách, lòng tin đối với bè bạn, người thân…
 
Kết cục của các hình thức cờ bạc đều không bao giờ có hậu vì thế sinh viên phải là những người hiểu hơn ai hết về tác hại của nó để mà từ bỏ và tránh xa. Kể cả những sinh viên cá độ theo kiểu cho vui, với hình thức vật chất bé nhỏ cũng không nên, bởi nếu không có lập trường thì sự đam mê và thói quen từ niềm “vui” ấy sẽ dẫn bạn tới trò đỏ đen nguy hiểm này lúc nào không biết nữa…

 
Theo PLVN

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn