Chị Hoa, công tác tại Bộ T. cho phóng viên VTC News biết: Ở thôn Lại Dụ có một trường hợp hy hữu là chị N. vừa sinh một bé trai kháu khỉnh sau một thời gian dài mang thai.
Cả làng thấy chị N. mang thai rất lâu nhưng chưa sinh. Có người nửa tin, nửa ngờ. Đến khi chị sinh mẹ tròn con vuông, nhiều người mới tin rằng chị mang thai thật.
Chúng tôi tìm đến nhà chị N., chỉ ngồi chơi một lúc, nhà chị N. liên tục có bà con làng xóm đến chơi. Người đến mừng cho chị nhưng cũng có người đến để thỏa chí tò mò.
Một cụ già gần 90 vẫn đội nón đến thăm chị. Cụ bảo: “Muốn đến thăm thằng cu lắm nhưng mấy ngày nắng quá chưa sang được. Thế thằng cu đâu?”. Hỏi dăm ba câu, cụ lại gần cháu bé vừa sinh được vài ngày tuổi đòi xem mặt.
Cu cậu có nước da ngăm ngăm giống bố, có cái mồm giống mẹ. Đúng lúc cu cậu cựa mình dậy đòi ti, chị N. vạch áo cho con bú. Cậu bé bú bên này thì bên vú kia sữa tong tong chảy.
Chị N đang chăm sóc con trai.
Chị N. (sinh năm 1973) kể: Năm 1990, tôi lấy chồng, đến năm 1992 thì sinh con gái. Năm 1995 muốn sinh thêm cháu nữa mà mãi không được, tôi đến Bệnh viện ở Hà Nội khám thì được biết mình bị tắc vòi trứng do viêm nhiễm bên trong mà không biết”.
Chị được các bác sĩ thông vòi trứng, uống thuốc… nhưng vẫn không thụ thai. Mong mỏi có thêm con nên năm 2004, chị và chồng quyết tâm thụ tinh trong ống nghiệm.
Khi được các bác sĩ lấy trứng của vợ, lấy tinh trùng của chồng và tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, phôi thai phát triển tốt, được cấy vào tử cung chị.
Sau thời gian 1 tháng, chị phải hết sức giữ gìn, chỉ có nằm một chỗ để giữ thai, tưởng chừng niềm vui sẽ đến với gia đình chị nhưng rồi cái thai lại hỏng.
Chị vừa uống thuốc Nam, thuốc Bắc, nghe ai mách ở đâu có thuốc giúp sinh con chị đều tìm đến mua về uống nhưng không có kết quả.
Vốn là người theo đạo Thiên Chúa, chị N. cho biết: “Năm 2010, tôi xin ơn để được sinh con. Tôi xin ơn với một niềm tin mình sẽ được những gì mình xin. Hàng ngày tôi cầu nguyện vì điều này”.
Theo lời chị N. sau đó vài tháng, chị thấy trong người khác khác, bụng to lên, quần áo mặc chật nên phải mặc áo bầu. Có người trong làng, thậm chí trong họ không tin chị N. có bầu.
Anh H. em rể chị N. có mặt tại đó chia sẻ: “Tôi cũng không tin chị tôi có bầu, nếu chị ấy có bầu sao lâu thế. Tôi nhớ lúc chị N có bầu cũng là lúc vợ tôi mang thai đứa thứ 3 nhà tôi. Có lần tôi mua cả 2 con cá cho vợ và cho chị vợ, giờ con tôi đã được hơn 10 tháng, còn chị N. mới sinh cháu. Tôi tính, chị N mang bầu đã gần 2 năm rồi”.
Chị N. cho chúng tôi xem phiếu siêu âm 2 chiều khám tại viện Phụ sản Hà Nội ngày 12/4/2012, theo đó, thai được khoảng 30 tuần và đang phát triển tốt.
Giấy siêu âm 3 chiều được thực hiện vào 13/5/2012, lúc đó, thai được 33 tuần 2 ngày. Theo phiếu siêu âm này, thì cái thai hoàn toàn khỏe mạnh và dự kiến sinh vào ngày 29/6/2012.
Sau đó, chị N. liên tục đi khám vào các ngày 1/6/2012, ngày 5/6 đến khám theo lịch hẹn và chị được giữ lại để sinh. 3h sáng ngày 6/6 chị N. sinh cháu trai nặng 2,6 kg, chiều hôm đó chị N xuất viện.
Khi PV hỏi, chị có giấy khám thai từ lúc chị có dấu hiệu có thai hay không chị N cho biết: “Lúc bắt đầu có thai cho đến trước sinh vài tuần, tôi không đi khám hay siêu âm gì cả. Vì tôi có lòng tin con mình sẽ khỏe mạnh”.
Bà K, hàng xóm nhà chị N. cho biết: “Tôi cũng là người theo Công giáo, dù tôi có thân với chị N. thật, nhưng khi chị N. kể chuyện có thai thì tôi cũng biết vậy chứ chưa tin ngay.
Tôi nhớ đến năm nay là khoảng 2 năm tôi đi buôn bán xa nhà. Giờ kinh tế khó khăn quá nên tôi lại về nhà mở cửa hàng buôn bán. Chị N. nói với tôi về chuyện mang thai vào thời gian cách đây khoảng 2 năm, trước khi tôi đi buôn bán. Tôi cũng thấy bụng chị N. mang thai quá lâu, nhìn mãi thành quen.
Lần trước giữ thai, N. không dám làm gì, vậy mà lần này N vẫn băng băng đi lấy nước gạo, chở nước gạo. Đến khi đẻ ra rồi, tôi vẫn chưa tin đâu. Nhưng khi tôi sang chơi, tôi chứng kiến N. cho con bú. Cái vú thâm thâm, sữa thì trào ra như vậy, khuôn mặt hơi trắng nhợt đúng của sản phụ mới sinh nên không thể là giả vờ được”.
Bác sĩ sản khoa nói gì?
Phiếu siêu âm khi bào thai trong bụng chị N. được 33 tuần.
Chúng tôi đã đem chuyện của chị N. hỏi PGS – Tiến sĩ Vương Tiến Hòa, Bệnh viện Phụ sản TW, ông cho biết: “Thông thường, thai kỳ bình thường kéo dài trong 280 ngày, tức 40 tuần, được tính từ ngày kinh cuối cùng. Tuy nhiên, thai đã đủ trưởng thành, sống tốt khi ra khỏi bụng mẹ được tính từ mốc 38 tuần.
Khi đã sang tuần thứ 41 thì nguy cơ suy thai tăng dần và nếu nếu quá 41 tuần thì gọi là thai già hay thai quá ngày sinh, đặc biệt nếu thai quá 42 tuần thì nguy cơ thai bị chết trong tử cung hoặc ngay tuần đầu sau khi sinh chiếm tới hơn 90%.
Tuy nhiên, có những trường hợp rối loạn kinh nguyệt hay phóng noãn (rụng trứng) muộn, nên tính từ ngày kinh cuối cùng là quá 42 tuần nhưng thực chất tuổi thai thì ít hơn nên sinh ra vẫn bình thường.
Thông thường chức năng của bánh rau là cung cấp máu cho thai nhi phát triển chỉ đến khi đủ tháng. Sau 40 tuần, bánh rau bị xơ hóa và lắng động nhiều can xi, tự thoái hóa dần nên mất chức năng cung cấp máu cho thai, vì vậy thai sẽ chết, hoặc bị bệnh nên khi sinh ra bị ốm yếu và chết trong tuần đầu sau khi sinh.
Như vậy, xét ở khía cạnh khoa học thì cái thai không thể tồn tại trong bụng 2 năm được. Một nguyên tắc bất di bất dịch để thụ thai được cần có sự kết hợp của giao tử đực (tinh trùng) và giao tử cái (trứng hay noãn)”.
PGS Hòa phân tích: Cũng có trường hợp, người phụ nữ bị mất kinh cơ năng kéo dài nhiều tháng do rối loạn kinh nguyệt, rồi đến một thời điểm nào đó người phụ nữ phóng noãn (rụng trứng) và vợ chồng sinh hoạt tình dục nên có thai. Vì vậy, nếu tính từ ngày kinh cuối cùng cho đến lúc sinh thì thời gian rất dài mà dân gian gọi là chửa trâu. Trường hợp của chị N. có thể là do rối loạn kinh nguyệt nên mới có thời gian mang thai kéo dài tới 2 năm.
Chính xác nếu như chị N. có kết quả siêu âm trong 3 tháng đầu khi tuổi thai dưới 12 tuần thì có thể biết được thời gian chị thụ thai và dự tính được ngày sinh.
Còn việc chị chữa trị nhiều năm nhưng không có thai nay cầu nguyện lại được thì không có cơ sở khoa học vì chắc gì việc chẩn đoán và điều trị cho chị đã chính xác.
Tuy nhiên, trong thực tế cũng có một số trường hợp vô sinh được thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không có kết quả, bệnh nhân chán, không điều trị thì vài tháng sau lại có thai, có thể do tĩnh tâm, người chồng hồi phục, có sức khỏe tốt nên có thai, hoặc sau một quá trình điều trị viêm nhiễm của cả hai người cũng làm tăng khả có thai tự nhiên.
PGS Hòa cho rằng, việc chị N. thụ thai do “xin ơn” là không có cơ sở khoa học. Việc có thai tự nhiên này là do trùng hợp ngẫu nhiên với tự hồi phục sau một thời gian điều trị. Dẫu sao cũng chúc mừng chị N được “mẹ tròn, con vuông”.