"Ngày xưa bước một bước ra ngoài là áo dài, kín đáo đúng bản chất người Tràng An, lịch sự, tử tế chứ đâu như bây giờ. Giờ người tứ xứ khắp nơi đổ về, họ làm hỏng hết Hà Nội, chỉ toàn thấy những điều mất dạy, hư hỏng", bà Nguyễn Tuyết T. (85 tuổi, ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội) bức xúc.
Tôi phải thừa nhận rằng, sống ngần này tuổi nhưng chưa bao giờ tôi thấy Hà Nội lại xấu xí, méo mó như bây giờ.
Tự hào là một người con gái Tràng An thanh lịch, tử tế, tôi thấy tiếc cho một Hà Nội đẹp, văn minh. Cứ thử nghĩ mà xem, ngày xưa người Tràng An chính là tâm hồn, là biểu tượng sống của Hà Nội, nhưng bây giờ thì sao?
Tìm được một người Tràng An như tôi giờ khó lắm, làm gì còn. Tôi còn nhớ ở thời của tôi, những năm 1945, hình ảnh người con gái Tràng An đẹp lắm, quý lắm. Chẳng nói đâu xa, ngay chính tôi đây, bước một bước ra đường là phải mặc áo dài kín đáo. Gặp ai cũng lễ phép chào hỏi, có thưa có gửi.
Nhưng từ sau năm 1954, người dân tứ xứ đổ về Hà Nội sinh sống, đi theo đó là hàng loạt những thứ nhố nhăng. Toàn là những thói hư tật xấu, tất cả đều do người ngoại tỉnh mang về.
Tôi nói đơn giản như con cái với bố mẹ, học sinh với thầy cô ngày xưa. Ngày xưa, khi ra đường con cái phải xin phép bố mẹ đi chơi ở đâu, đi đến mấy giờ, đến đúng giờ đó là phải về. Còn học sinh, khi ra đường gặp thầy giáo là phải chắp tay chào, học sinh phải xưng con thưa thầy chứ không phải xưng em như bây giờ. Tôi chưa thấy thời nào mà bố mẹ cũng bằng con, trò cũng bằng thầy như cái thời này.
Chính văn hóa du nhập của mỗi vùng miền đã làm méo mó hình ảnh về Hà Nội. Người Tràng An xưa có ai dám cãi lại bố mẹ, một điều dạ, hai điều vâng. Còn bây giờ, bố mẹ con cái có thể cãi nhau tay đôi, động bị đánh là lại lên án, vi phạm, bỏ nhà, dọa tự tử....
Cụ Nguyễn Tuyết T. (ngồi ngoài cùng, ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội)
Tôi trước cũng bị bố mẹ đánh chứ, nhưng cái đòn roi của người có ý thức và người bị đòn roi cũng có ý thức nó khác xa với cái đòn roi trơ lì, bất lực bây giờ.
Chuyện thầy với trò cũng vậy. Ngày trước tình thầy trò cao quý, thiêng liêng lắm, chứ có bao giờ thầy lại ví học sinh như Chí Phèo với Thị Nở, hay thầy nam trò nữ khoác vai nhảy nhót, hát hò... Thế thì còn giáo dục, dạy dỗ gì?
Mới đây thôi, tôi còn đọc được câu chuyện trên mặt báo về cô bé 12-13 tuổi bị ông nội hiếp dâm hay nữ sinh đang học lớp 12 lại đau đẻ mới khổ. Ngày xưa đâu có như thế, chính cái văn hóa thấp, cái cách giáo dục kém của người tỉnh lẻ nên mọi giá trị mới bị đảo lộn như vậy.
Không nói đâu xa, giờ cứ thử ra đường mà nhìn chăm chú vào một đứa con gái ăn mặc hở hang, áo thì quá rốn, lòi cả ngực ra xem. Nhẹ cũng bị quắc mắt "nhìn cái gì mà nhìn", nặng thì có thể nghe cả một tràng tổng sỉ vả mà không cần biết đến lễ giáo, trên dưới.
Tất cả cũng là do lối sống buông thả, xem nhẹ giá trị đạo đức của những người tỉnh lẻ mà ra.
So sánh với người Tràng An, người tỉnh lẻ đang tự sỉ nhục mình
Tôi biết nhiều người do cuộc sống khó khăn, mặc cảm với thân phận nhà quê nên họ phải tìm mọi cách để trụ lại ở Hà Nội kiếm kế mưu sinh. Vì mục đích đó mà đôi khi họ bất chấp tất cả cả liêm sỉ, danh dự, lòng tự trọng để lê la buôn bán.
Đấy là còn chưa nói đến con gái tỉnh lẻ ranh mãnh, giỏi mồi chài, con trai thì không đầu gấu cũng bảo kê. Tôi không thấy được điểm gì tốt ở những con người tỉnh lẻ. Đã thế lại còn bảo thủ không chịu học hỏi. Giá như họ học được một phần văn minh, tốt đẹp của con người Tràng An thì Hà Nội đã không bị phá hỏng như thế này.
Cứ nhìn xem, ngày xưa Hà Nội đâu có đông người đến thế, nếu chỉ có người Hà Nội thì đường phố thênh thang, không có rác rưởi. Giờ thò chân ra đường là thấy người, thấy xe, hàng gánh hàng rong eo éo khắp ngõ phố. Đâu đâu cũng là người tỉnh lẻ đổ về kiếm sống.
Người tỉnh lẻ đã ăn nói vô duyên lại thiếu văn hóa. Phải thừa nhận, người Hà Nội gốc bây giờ chỉ là thiểu số so với con số người tỉnh lẻ nhập cư dạt về. Nhưng người tỉnh lẻ cũng đừng ngu muội nghĩ rằng mình sống ở Hà Nội mười năm hay hai mươi năm là thành người Tràng An.
So sánh như vậy, tôi cho rằng họ đang sỉ nhục chính mình. Gái Tràng An thanh lịch, nhẹ nhàng, ăn nói văn minh là do được thừa hưởng nền giáo dục từ gốc. Gia đình có nền nếp thì con cái mới nền nếp được.
Người Tràng An giáo dục con cái từ khi còn trong bụng mẹ cơ. Còn người ngoại tỉnh chỉ là học đòi, bắt chước, dù có mở lớp đào tạo ý thức, đào tạo văn hóa cho họ mười lần thì cũng chả thể thay đổi được thói quen đã ăn vào tiềm thức.
Thử nhìn xem, bố mẹ đối xử với nhau chả ra gì, rồi tham ô tham nhũng, bồ bịch, mại dâm con cái nhìn vào thì chúng cũng phải thế thôi. Tôi cho rằng người ngoại tỉnh thì cứ là người ngoại tỉnh thôi, đừng tự biến mình thành con rối nữa.