Liên quan đến vụ hành hạ, giết hại hai con voọc chà vá chân xám rồi tung ảnh lên Facebook, ngày 23.7, đại tá Lê Quang Xuân, Chủ nhiệm Chính trị thuộc Cục Chính trị (Quân đoàn 3), cho biết vụ việc vẫn đang điều tra, chưa có kết quả chính thức. Toàn bộ vụ việc phải được báo cáo lên Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng), sau đó mới có thông tin trả lời công luận.
Tiến sĩ Hà Thăng Long - người từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài nghiên cứu tập tính của voọc chà vá chân xám tại Đại học Cambridge (Anh), hiện công tác tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng (Vườn quốc gia Cúc Phương) - rất bức xúc về vụ hành hạ voọc dã man này.
Hình ảnh lột da khỉ đang tràn lan trên mạng xã hội
Tiến sĩ Long nói: Những trường hợp như thế này cần phải được xử lý nghiêm. Tôi mong Quân đoàn 3 sẽ có thông báo sớm cho công luận về việc điều tra, xử lý”.
Tiến sĩ Long cho biết loài linh trưởng đặc hữu voọc chà vá chân xám này chỉ có ở Việt Nam, phân bố dọc dãy Trường Sơn gồm những tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum... với số lượng khoảng dưới 1.000 cá thể.
Ở hai vườn quốc gia là Kon Ka Kinh (Gia Lai) và Chư Mom Ray (Kon Tum), số cá thể voọc chà vá tập trung khá đông. Nhưng với nạn săn bắt trái phép như hiện nay, nếu không có chiến lược về bảo tồn, loài này có nguy cơ tuyệt chủng.