"Có những học sinh cũng cần phải đánh"

Thứ năm, 26/07/2012, 10:00
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Bình, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, ĐHSP Hà Nội nêu quan điểm khi trao đổi với  phóng viên  xung quanh vấn đề "dạy học bằng roi" đang gây tranh cãi. 
 
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Bình

- Mặc dù các nhà tâm lý luôn nói rằng dạy con cái, học trò bằng đòn roi là phương pháp phản giáo dục, để lại nhiều hệ lụy về tâm lý cho trẻ em nhưng nhiều phụ huynh vẫn quan niệm đây là cách giáo dục nghiêm khắc nhất. Vậy trong một số trường hợp học sinh "đặc biệt" - bạo lực có được coi là một phương pháp giáo dục không, thưa bà?
 
Không có phương pháp giáo dục nào là hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu mà phương pháp phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng lứa tuổi. Nếu đánh những em có cá tính hiếu động, linh hoạt hoặc em nóng nảy, hơi một tí là cãi thì các em dễ phản kháng mạnh mẽ.
 
Với những em có tính cách ôn hòa, vừa phải thì đòn roi với các em đúng là “đòn đau nhớ đời”. Chỉ cần thầy cô đánh, mắng một lần thôi, các em sẽ rất nhớ, sẽ tự suy nghĩ và đánh giá được việc làm của thầy cô và cái sai của mình.
 
Có những học sinh sẽ cần phải đánh. Vấn đề ở đây là đánh như thế nào? Đừng nghĩ ở đây cứ nói đến đòn roi là tuyệt đối hóa thành những hành động gay gắt, mãnh liệt. Phải hiểu ở đây là thầy đánh theo kiểu gì, nặng hay nhẹ?
 
Có những trường hợp dùng phương pháp mạnh tay với đứa trẻ thì nó sẽ có hiệu lực hơn. Đánh có tính chất nhắc nhở đứa trẻ chứ không phải để trút giận. Với trẻ có tâm lý yếu ớt thì đòn roi sẽ phản tác dụng ngay, mà nên nói ngọt ngào với nó, tìm ra điểm tốt để khen nó.
 
Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng nên hạn chế tối đa chuyện đánh trẻ và chỉ dùng với tính chất răn dạy thôi. Thầy cô giáo, bố mẹ chọn cách dạy trẻ như thế nào thì phải tìm hiểu đặc điểm tâm lý của đứa trẻ đó để có hình thức dạy cho phù hợp. Cái tốt nhất là nên giáo dục bằng tình cảm.
 
- Động cơ đánh học trò của những giáo viên ở Trung tâm ở Thái Nguyên là muốn học trò tiến bộ nên họ cho rằng phải nghiêm khắc và dùng biện pháp mạnh (bằng cách đánh học trò) thì học sinh mới vào khuôn khổ. Nếu xét về đạo đức, đây có được coi là động cơ tốt?
 
Tôi nghĩ mọi người cần xem xét, giáo viên đánh như thế nào, không nên cho vào cùng một khái niệm đánh chung chung mang ý nghĩa bạo lực. Nhưng nếu một người thầy thì nhân cách và khả năng sư phạm của anh cũng có vấn đề. Nói thẳng ra là năng lực sư phạm của anh không tốt.
 
- Trong giao tiếp sư phạm, có những nguyên tắc nào người giáo viên phải tuân theo khi dạy học?
 
Về lý thuyết, chúng tôi thường dạy sinh viên 4 nguyên tắc. Nhưng có hai nguyên tắc quan trọng nhất mà người thầy luôn phải có trước khi yêu cầu học sinh:
 
Thứ nhất là nguyên tắc tính mô phạm, đòi hỏi thầy giáo phải là mẫu mực trong cách ứng xử, nói năng, ăn mặc…
 
Thứ hai, nguyên tắc tối quan trọng, không chỉ trong dạy học mà còn cả trong đời thường là phải tôn trọng nhân cách của đối tượng giao tiếp. Nếu người thầy không tôn trọng học sinh, xúc phạm, chê bai học sinh nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến nhận thức về bản thân của đứa trẻ, dẫn đến những mặc cảm, tự ti.
 
Ngoài ra, người thầy cần biết đồng cảm với học trò, biết đặt vị trí của mình vào học trò.
 
Nói rộng ra trong ngành giáo dục, tại sao ở nước ta, chúng ta thường xuyên phải nghe những câu chuyện người thầy sử dụng bạo lực trong học đường, cả tinh thần lẫn thể chất,còn ở nước ngoài, đặc biệt giáo dục phương Tây, chuyện này rất hiếm?
 
Đó là do phương pháp giáo dục của họ, họ để cho trẻ được phát triển một cách rất tự nhiên, cho trẻ được làm những gì nó thích và người ta chỉ là người theo dõi, tổ chức cho trẻ chơi. Khi trẻ sai chẳng hạn, người ta nhắc nhở ngay và uốn nắn ngay từ đầu.
 
- Nếu phương pháp giáo dục của họ chỉ như vậy thì tôi thấy thực tế ở Việt Nam, trong các trường mẫu giáo, các cô giáo cũng dạy học sinh như vậy. Tại sao giáo dục phổ thông của ta phải dùng bạo lực?
 
Giáo dục ở trường như thế nhưng nhiều khi giáo dục ở gia đình lại không đồng bộ và thống nhất. Cả xã hội cũng cần phải như thế. Nhưng sự liên kết giáo dục này càng ngày càng lỏng lẻo.
 
Muốn xóa bỏ cách giáo dục bạo lực thì phải thay đổi ý thức của những người lớn. Chũng ta không thể tập hợp phụ huynh lại để làm điều đó nhưng chúng ta có thể giáo dục họ là những phụ huynh tương lai ngay từ trong nhà trường.
 
Chẳng hạn, đối với sự phát triển tâm sinh lý, trước khi đến tuổi thiếu niên, giáo dục phải cho người ta biết trước điều đó, đừng để đến khi họ dậy thì mới dạy. Cũng như vậy trước khi bước vào đời sống hôn nhân, phải dạy cho họ làm cha làm mẹ, cách nuôi con, làm những người chủ gia đình. Những việc đó không phải là khó thực hiện rộng rãi. Còn lâu nay, các bậc cha mẹ phải tự mày mò sau khi đã thành cha thành mẹ, người này đi hỏi người kia. Họ không được chuẩn bị về mặt nhận thức, không bao giờ được tập làm cha mẹ trước khi có con.

- Phải chăng kiến thức sư phạm của chúng ta đã lạc hậu?

Tôi nghĩ nội dung kiến thức sư phạm của chúng ta không phải cái gì cũng lạc hậu nhưng việc quản lý  kiểm tra đánh giá hoạt động chuyên môn rất lỏng lẻo. Giảng viên chỉ thực hiện đầy đủ số giờ lên lớp theo quy định, thế là xong.

Chúng ta cũng khác những nền giáo dục tiên tiến ở chỗ còn dạy lý thuyết nhiều quá mà không dạy thực hành. Như môn Kỹ năng giao tiếp thì phải có thời gian thực hành, với chỉ khoảng 10 bạn thôi. Nhưng một lớp với hàng trăm sinh viên thì làm sao tôi có thể huấn luyện kỹ năng?

 
Sinh viên sư phạm bây giờ không còn chuyên tâm vào việc học như trước nên về hình thức, rất nhiều em tốt nghiệp loại giỏi nhưng hành nghề không giỏi. Khi vào giảng dạy, không có kỹ năng xử lý tình huống thì họ thường có xu hướng dung quyền của giáo viên trấn áp người khác.
 
- Cảm ơn bà!
 

Theo Vietnamnet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn