“Về mặt khoa học và quy trình trong việc bắt con bò tót này không có gì lấn cấn. Ngoài tiêm thuốc mê còn có thuốc trợ lực, thuốc bổ, thuốc chống sốc… Tuy nhiên, con bò tót vẫn chết là sự việc đáng tiếc”.
Đó là khẳng định của Tiến sĩ Phan Việt Lâm, Giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn, người vừa trở về TPHCM sau khi kết thúc “chuyên án” khống chế, bắt giữ bò tót trong sân bay ở Thừa thiên - Huế. PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phan Việt Lâm về việc này.
Thưa ông, ông có thể kể về việc ông cùng 2 cán bộ của Thảo cầm viên ra Huế cứu hộ bò tót?
Khi có thông tin một con bò tót xâm nhập sân bay ở Huế, tôi đã được Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị ra hỗ trợ các cơ quan hữu quan ở Huế để bắt giữ và cứu hộ con bò tót. Nhận được sự điều động trên, tôi và 2 bác sĩ thú y khác có kinh nghiệm đã tức tốc bay ra Huế. Tại đây, sau khi các bên như công an, kiểm lâm, thú y… đã có sự thống nhất, kế hoạch bắt giữ và cứu hộ bò tót mới được tiến hành.
Quy trình tiếp cận và khống chế con bò tót quý hiếm này được tiến hành như thế nào, thưa tiến sĩ?
Chúng tôi dùng xe máy cày, vượt qua những đoạn đường lồi lõm để tiến gần về phía con bò tót. Khi cách con bò hơn 30m, chúng tôi cho bắn phát súng có thuốc gây mê. Con bò lồng lộn và còn húc 2 cái làm móp xe máy cày. Sau đó chúng tôi dùng lưới, dây để khống chế con bò rồi cẩu lên xe chở ra khỏi sân bay.
Con bò tót quý hiếm đã chết
Có ý kiến cho rằng, các ông không đủ can đảm tiếp cận bò nên đã tiêm quá nhiều thuốc gây mê để khi con bò bất động hoàn toàn mới dễ dàng tiếp cận?
Không ai sợ đến mức tiêm nhiều tiêm bừa thuốc mê vào đâu. Số lượng thuốc chúng tôi dùng trong giới hạn cho phép. Chúng tôi bắn, tiêm mỗi mũi là mỗi loại thuốc khác nhau chứ không phải tất tần tật đều là thuốc gây mê. Khi thấy con bò có triệu chứng chảy nước dãi thì chúng tôi không chích thuốc gây mê mà là trợ lực rồi đến thuốc bổ, chống sốc.
Tôi khẳng định là quy trình khống chế, tiếp cận và gây mê, hồi sức cho bò tót đã được áp dụng tốt nhất. Chúng tôi có đầy đủ kinh nghiệm, làm từ tốn từng bước một.
Trong phân bổ vùng thì bò tót không có ở Thừa thiên - Huế. Vì vậy, có thể con bò tót này từ các vùng khác tràn về hoặc từ Lào sang, hoặc có giả thiết ai đó chở trên đường thì bò sổng xuống.
Chúng tôi đã xác định trước, với con bò khoẻ mạnh tiêm 10 mũi thuốc mê không sao nhưng đây là con bò tót hoang dã, bị truy đuổi và có dấu hiệu bệnh tật nên bao giờ thuốc cũng bắt đầu từ liều thấp và theo dõi sát sao phản ứng của con bò như thế nào sau mỗi liều thuốc. Chúng tôi đã bàn và lường trước những tình huống. Tất cả các bên đều thống nhất rồi mới thực hiện chứ không bỡ ngỡ khi thực hiện và không phán đoán làm bừa, làm ẩu.
Xin ông cho biết nguồn gốc các loại thuốc đã bắn, tiêm vào con bò tót này?
Thuốc do Thảo cầm viên mang ra. Thuốc nhập mua đàng hoàng. Toàn thuốc tốt của Pháp, Úc. Thuốc này chúng tôi đã sử dụng cho cả nghìn con thú ở Thảo cầm viên. Ở đây bọn tui đã tiêm cho cả ngàn con. Thuốc mà có vấn đề thì chắc thú ở đây đã chết hết. Anh cứ tin về mặt khoa học là không có gì.
Trước khi thực hiện, công an, thú y, kiểm lâm… đều đã lập biên bản thống nhất liều lượng bao nhiêu, loại thuốc, chủng loại, hình mẫu, lọ thuốc cũng được lưu giữ lại. Cứ tin tưởng là chúng tôi đã áp dụng khoa học hiện đại nhất.
Vậy tại sao con bò tót quý hiếm vẫn chết?
Chúng tôi từng đi cứu hộ nhiều nơi và cứu hộ, chăm sóc bò tót nhiều lần. Ngay cả Thảo cầm viên Sài Gòn cũng đang nuôi 3 con nên việc cứu hộ, chữa bệnh cho bò tót không có gì lạ. Chỉ có điều, chưa lần nào chúng tôi cứu hộ bò tót trong tình trạng bò bị nắng gắt, thiếu nước như khí hậu miền Trung.
Tôi không nói chúng tôi là người giỏi nhất nhưng chúng tôi là người nhiệt tình và có kinh nghiệm nhiều trong việc cứu hộ động vật hoang dã nhưng cuối cùng con bò tót đã chết. Đó là rủi ro của cứu hộ. Ở Anh, Mỹ cũng xảy ra rủi ro này.
Việc cứu hộ lần này nên tách ra thành 2 vế là bắt giữ bò tót để đảm bảo an toàn cho người dân, an ninh sân bay và cứu hộ tức là cứu con bò sau khi bị bắt giữ. Vế thứ 2 đã không thành thì không riêng gì chúng tôi mà anh em cứu hộ, công an ai cũng buồn, ngồi thẫn thờ 11-12h đêm mới về.
Phải chăng con bò tót chết do thiếu nước?
Thiếu nước cũng là một nguyên nhân vì cả khu vực đó là gần sân bay, làm gì có nước để bò uống. Ngoài ra, con bò cũng có những triệu chứng mang mầm bệnh khi bị viêm nhiễm đường ruột, chảy máu trong phân…