Đúng 23h, một nhóm bạn trẻ xuất phát tại công viên Nghĩa Đô, một Hà Nội không yên ả hiển hiện trong màn đêm. Xung quanh các tòa nhà đang được xây dựng ở khu vực Từ Liêm, Cầu Giấy, những người bán đồ ăn khuya vẫn đang ngóng chờ giờ tan ca của công nhân để bán thêm được vài chiếc bánh bao, bánh khúc với tiếng rao vang lên giữa thinh không từ chiếc loa dạo.
Một Hà Nội không ồn ào khói xe nhưng trong nó là cả một thế giới của những cửu vạn đêm. Sau đoạn đường ồn ào với các công trường hối hả xe tải, xe chở bê tông ra vào, những người công nhân giao ca.
Nhóm bạn lên phố cổ với mường tượng về thú ẩm thực đêm khuya của dân sành ăn nhưng dọc các con đường hàng ngày kẹt xe ồn ào, tĩnh lặng, ít giờ vào buổi tối lại là sự hối hả, lầm lũi làm việc của cửu vạn đêm. Họ đang khẩn trương đội những rổ đất đổ lên những chiếc xe tải chở vật liệu để chạy đi cho kịp giờ lưu thông.
Đêm Hà Nội không phải góc nào cũng bình yên.
Bác Đinh Xuân Chung, quê Nam Định tâm sự: "Làm cửu vạn buổi tối được trả lương cao gấp rưỡi đến gấp đôi ban ngày. Các gia đình trong phố vì ban ngày xe ô tô tải bị cấm lưu thông vì thế gia đình nào xây nhà, sửa nhà đều phải tranh thủ làm buổi tối. Chúng tôi đi làm đến tầm 4h sáng về ngủ chợp mắt chút ít đến sáng lại mang xe máy ra các điểm xe bus chờ khách chở xe ôm. Tôi phải xoay vòng vậy mới đủ tiền nuôi 2 đứa con ăn học".
1h sáng, cả nhóm đi tìm quán ăn đêm. Vất vả tìm và hỏi thăm, cuối cùng nhóm cũng tìm được quán ăn nằm gần đường Nguyễn Chí Thanh. Mặc dù đêm khuya nhưng quán vẫn khá đông khách. Xe của khách được chủ quán bố trí để trong khoảng sân tối.
Vừa ngồi được ít phút, một tốp những cô gái bước vào, không gian của quán nồng nặc mùi nước hoa, phấn son. Những cô gái mặc quần sooc, váy ngắn, chiếc áo được khoét cổ thật sâu hờ hững, trễ nải. Đi kèm với khoảng 20 cô gái là 5 người đàn ông, cánh tay xăm trổ, miệng nói bô bô.
Có vẻ những vị này là khách quen của quán, họ vừa bước chân vào là phục vụ đã bê vài ba món ra sẵn. Ngồi gian bên cạnh, những anh chàng trong nhóm dù biết đó là gái "ăn sương" nhưng vẫn không ngớt đảo mắt sang nhìn. Họ là tâm điểm của quán ăn khuya này.
Tiếng những cô gái chí chóe nói chuyện về gã này bo đẹp, lão tài xế kia keo, một chất giọng đặc sệt miền Tây Nam Bộ. Sau ít xôn xao về ca 1, ca 2 của đám chị em, một gã có vẻ đàn anh nói lớn, "ăn nhanh để đi làm!". Tiếng bàn tán, nói chuyện cười cợt im bặt.
Được nghe nhiều về gái ăn sương ở quanh con đường Nguyễn Chí Thanh nhưng đây là lần đầu tiên những bạn trẻ phượt đêm nhìn thấy nhóm đông đến vậy. Họ thức và họ "kéo" không ít đàn ông rời nhà ban đêm.
Chị Phạm Thị Huyền, nhân viên kế toán tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội vẫn còn nguyên cảm giác sợ hãi khi kể về chuyến phượt đêm cùng người bạn tại Hà Nội.
"Thực ra tôi muốn biết Hà Nội vào đêm có gì khác so với thị xã Sơn Tây. Chính vì thế vào dịp đầu thu tôi cùng với 2 người bạn gái đã quyết định làm một chuyến xuyên đêm Hà Nội. Tuy nhiên mới vào tầm 23h khi đang lượt phượt ở khu vực đường Tăng Bạt Hổ, chúng tôi đã gặp thanh niên hỏi đường. Sau vài giây 2 tên lộ nguyên hình là bọn xin đểu".
Chị Huyền kể: "Chúng giơ cái xi lanh đầy máu bên trong và nói là bị nhiễm HIV. Chúng bảo chúng thèm thuốc mà lại thiếu tiền. Tôi đành ngậm ngùi rút trong túi 200.000 đồng và bảo rằng đó là tất cả tài sản. Tôi vẫn thấy mình may vì lúc đó vẫn có khá nhiều người đi lại nên chúng không dọa cướp xe".
Gặp cảnh dùng xi lanh dọa để xin tiền, không ít người ham phượt phải "chờn" với những câu hỏi thăm của dân anh chị tại các khu vực hoạt động nhộn nhịp vào buổi đêm khi có ý định ghi lại khoảnh khắc lượt phượt của mình.
Một góc cuộc sống về đêm.
Bạn Lưu Văn Ngọc, sinh viên khoa báo ảnh, Học viện Báo chí cho biết: "Vì một phần thích phượt khám phá đêm Hà Nội cộng với máu nghề nghiệp muốn được tác nghiệp khi đi chơi. Vì thế tớ có mang theo máy ảnh để chụp cảnh phu khuân vác nữ ở chợ hoa quả Long Biên. Hý hoáy lấy máy, lựa góc chụp, tôi đột nhiên thấy mấy anh đầu trọc, khắp mình xăm trổ, cứ nằng nặc đòi cầm máy chụp thử! Mặc dù đi cùng đến nhóm 5 người nhưng "tránh voi chẳng xấu mặt nào" nên chúng tôi đành rút lui êm".
Nhiều phượt thủ "xuyên" đêm cho biết, chuyện họ bị cảnh sát cơ động hỏi thăm là chuyện thường ngày ở huyện. Chính vì thế theo nhiều người từng làm "cú đêm" khi ra đường phượt thử nhớ mang đầy đủ tất cả giấy tờ tùy thân để tránh... hạn: Thay vì ngắm bình minh trên cầu Long Biên lại ngồi ở trụ sở công an cho muỗi cắn.
Anh Nguyễn Văn Ngọc, công an phường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: "Quanh khu vực bến xe, gầm cầu, đặc biệt là các khu vực giáp ranh có rất nhiều hoạt động phức tạp. Lực lượng chức năng có làm nhiệm vụ cũng được trang bị vũ khí, phương tiện nghiệp vụ. Nó không đơn giản như nhiều người nghĩ rằng ban đêm thì mọi người đều nghỉ ngơi".