Sau khi loạt bài về phòng khám Maria đăng tải trên Dân trí, hàng trăm độc giả Dân trí là những “nạn nhân” của các phòng khám Trung Quốc đã “tố” việc các phòng khám này moi tiền của người bệnh tinh vi.
Bệnh nhẹ “vống” thành nặng, không bệnh cũng thành có bệnh là một trong những chiêu moi tiền phổ biến của các phòng khám có yếu tố nước ngoài.
Nhiều bệnh nhân "tố" phòng khám Maria và nhiều phòng khám
Trung Quốc khác luôn "vống" bệnh để moi tiền.
Điển hình nhất là trường hợp của chị Đ.T.K.Q (35 tuổi, ở Q.Đống Đa, Hà Nội) bị phòng khám Maria phán bị sùi mào gà, nguy cơ ung thư.
Mục đích đến phòng khám ban đầu của chị rất đơn giản, đó là kiểm tra vòng tránh thai xem đến thời hạn phải tháo vòng chưa, nhưng sau khám, bác sĩ phán chị Q bị sùi mào gà, phải điều trị ngay nếu không căn bệnh của chị sẽ dẫn đến ung thư rất nhanh, không chữa thì lây sang cả chồng, con…
Trải qua 4 ngày điều trị với chi phí gần 24 triệu đồng, chị Q không đủ điều kiện để theo tiếp lộ trình khoảng 15 ngày nữa nên đã bỏ khám đến cơ sở y tế công lập để kiểm tra và điều trị tiếp.
Thế nhưng khám ở bệnh viện, bác sĩ chẳng phát hiện chị Q bị bệnh gì. Sau khi đơn kiện của chị được gửi tới Sở Y tế, phòng khám Maria đã phải trả toàn bộ số tiền 24 triệu đồng cho bệnh nhân.
Nhưng trường hợp như chị Q không phải là cá biệt, ngược lại rất phổ biến.
“Tôi cũng đã từng vào khám phụ khoa ở phòng khám Maria, phí đắt cắt cổ, bác sĩ khám toàn người Đài Loan. Mỗi ngày đến khám khoảng 1 tiếng,1 tuần mất gần 14 triệu”, chị B.V kể.
Hay như trường hợp độc giả có nick bt4a50 gửi thư đến báo Dân trí kể về việc ông bị phòng khám Maria phán viêm tiền liệt tuyến, nhưng thực tế bác sĩ bệnh viện công lại chẩn ông không có bệnh tật gì.
“Tôi đã khám bệnh ở PK Maria, bác sỹ kết luận: tôi viêm tiền liệt tuyến, phải chữa ngay bằng phương pháp chiếu tia vào bụng, không dùng thuốc, chi phí hết khoảng 20 triệu đồng trong 1 tuần, mỗi ngày 1 lần sẽ khỏi. Tôi nghi ngờ kết luận này nên đến bệnh viện công khám lại”, ông bức xúc nói.
Không chỉ tại phòng khám Maria mới có tình trạng “vống” bệnh để dọa bệnh nhân, mà nhiều phòng khám có yếu tố nước ngoài khác cũng bị phản ánh tương tự.
Anh Nguyễn Văn Đức (28 tuổi, Hà Nội) gọi điện đến đường dây nóng báo bức xúc kể việc anh đi khám trĩ tại một phòng khám Y học cổ truyền trên phố Phạm Hùng.
Anh Đức cho biết, lâu nay nghe nhiều tiếng xấu về phòng khám Trung Quốc nên anh không muốn khám mà chọn khám y học cổ truyền ở Việt Nam. Khi tình cờ biết phòng khám trên Phạm Hùng với cái tên rất Việt nên về nhà tìm google ra website của phòng khám này.
“Trên trang web có cả phần tư vấn trực tuyến, chat để hỏi bệnh nên tôi càng tin. Sáng hôm sau tôi đến khám, vào thấy toàn bác sĩ người Trung Quốc nên tôi từ chối. Nhưng họ nài nỉ, cứ vào khám thử, có ai bắt điều trị đâu mà sợ nên tôi cũng vào”, anh Đức kể.
Dù chỉ mất 50 nghìn tiền khám nhưng anh Đức sợ đến vã mồ hôi khi nghe họ phán bệnh. “Họ nói tôi bị trĩ nặng, phải mổ ngay nếu không bị hoại tử, nguy hiểm đến tính mạng. Mà để mổ chi phí hết 9 triệu đồng. Hoảng quá, sau khám ở đây, tôi phí thẳng đến BV Bạch Mai đăng kí khám ở khoa dịch vụ, bác sĩ nói tôi trĩ độ 2, chưa cần can thiệp phẫu thuật, chỉ cần điều trị nội khoa. Cả tiền khám, tiền thuốc tôi hết có 250 ngàn”.
Không chỉ báo Dân trí nhận được phản ánh của người dân, mà tại buổi họp giao ban báo chí thành ủy Hà Nội, chiều 24/7, nhiều cơ quan truyền thông bức xúc phản ánh đến Sở Y tế việc rất nhiều người bệnh khi đi khám tại các cơ sở này đã bị dọa nạt, vống bệnh. “Khi bị phán bệnh nặng hơn, người bệnh đã như cá nằm trên thớt. Với những lời đe dọa đó, họ sẽ về bán trâu bán bò mà chữa bệnh”, một đại biểu bức xúc nói.
Càng điều trị càng thêm bệnh
Điều trị lộ tuyến cổ tử cung trong nửa tháng, số hóa đơn chị Y phải thanh toán
là 14 tờ, với chi phí khoảng 45 triệu đồng.Chị cũng được điều trị
bằng doa Leep giống bệnh nhân Phong ở phòng khám Maria.
Mới đây, khi điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung và làm thủ thuật vùng kín với chi phí hết khoảng 45 triệu đồng, chị T.T.Y (Hà Đông, Hà Nội) vẫn xót xa khi nghĩ lại số tiền quá lớn để điều trị. Lúc đầu khi đến đây khám, bác sĩ chẩn đoán chị viêm lộ tuyến cổ tử cung, phì đại cổ tử cung và có nang Noboth cổ tử cung rất nặng, phải thủ thuật điều trị căn bệnh này bằng dao Leep.
Sau hai ngày truyền kháng sinh và điều trị, chị Y được làm thủ thuật và phải truyền kháng sinh thêm 5 ngày. “Xót tiền nhưng “đâm lao phải theo lao”, tôi chấp nhận điều trị thêm. Tuy nhiên đến ngày thứ 6, bác sĩ khám lại nói vẫn viêm nặng và phải điều trị bằng truyền kháng sinh thêm vài ngày nữa. Quá tốn kém, tôi xin bác sĩ kê đơn uống, bác sĩ vẫn kê nhưng kèm theo lời khuyên “không hiệu quả bằng truyền”.
“Tôi thấy ai đến khám phụ khoa ở phòng khám Maria đều bị cùng một loại bệnh, đó là nhiễm nấm nặng, viêm lộ tuyến tử cung, hoặc sùi mào gà… Những bệnh này không điều trị ngay rất nguy hiểm, dẫn đến vô sinh, lây cho chồng con, ung thư… Có bệnh thì vái tứ phương, người ta phán mình bệnh thế, tốn tiền cũng phải cố”, một bệnh nhân từng chữa trị tại phòng khám này tâm sự.
Về việc các phòng khám Trung Quốc lạm dụng dao Leep, một kỹ thuật cao để điều trị, một bác sĩ sản khoa lâu năm tại Hà Nội cho biết, sử dụng dao Leep và truyền kháng sinh trong điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung là không cần thiết, nguy hiểm vì dễ dẫn đến sốc, gây tai nạn chết người. Còn dao Leep được chỉ định chủ yếu cho những trường hợp phải cắt sâu, nghi ngờ ung thư giai đoạn 1.
“Hơn 20 năm làm sản khoa, điều trị rất nhiều bệnh nhân viêm lộ tuyến, tôi chỉ dùng kỹ thuật đốt và đặt thuốc tại chỗ, chỉ những trường hợp viêm rất nặng mới dùng thêm vài ngày kháng sinh uống, Bệnh nghiêm trọng đến mức phải nằm một chỗ mới tiêm, truyền kháng sinh nhưng rất hiếm, trong khi lại phổ biến ở các cơ sở trên, đó là sự lạm dụng không cần thiết”, bác sĩ này nói.