Nguyên nhân cái chết của con bò tót lạc loài này dù đã được cơ quan chức năng công bố nhưng không làm dư luận thỏa mãn và cho rằng con bò tót này bị chết oan do các chuyên gia cứu hộ trình độ yếu kém, họ chỉ là “chuyên gia máy lạnh”(?)
Suốt đêm 23 đến gần hết ngày 24/7, không chỉ khu vực sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) náo động vì chú bò tót quý hiếm vô tình “ghé thăm”, mà cả nước hồi hộp theo dõi cuộc tìm bắt chú bò tót lạc loài này. Cuối cùng, thông tin làm nhiều người sốc khi chú bò tót đã tử vong sau khi bị bắn thuốc gây mê!
Tại sao con bò tót này chết, trong khi các cơ quan chức năng tổ chức một cuộc vây bắt rầm rộ, huy động cả công an, bộ đội địa phương, an ninh hàng không, nhân viên sân bay... và cả các chuyên gia cứu hộ động vật hoang dã từ TP HCM bay ra?
Theo thông báo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, nguyên nhân bò tót chết là do bò rất mẫn cảm với các nhiễu loạn môi trường sống, bị lạc đàn, nhiều ngày phải sống trong hoàn cảnh hoàn toàn không phù hợp với loài này nên sức khỏe của con thú đã suy kiệt rất nghiêm trọng; bị stress vì môi trường lạ; lục phủ ngũ tạng bị bầm dập…
Bò tót được cẩu lên xe tải.
Thế còn 2 viên đạn thuốc mê và 10 mũi thuốc gây mê sau đó, có phải là nguyên nhân làm con bò tử vong? Thực ra con bò tót này bị mấy mũi thuốc mê, chính ông Nguyễn Viết Hoạch, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng không thể xác định được.
Còn dư luận luận bạn đọc thì cho rằng chính những mũi thuốc mê đó đã làm con bò tót chầu diêm vương, chúng ta mất một cá thể động vật hoang dã cực kỳ quý hiếm. Không thể một cá thể bò tót đực, nặng hơn 1,2 tấn, cực kỳ khỏe mạnh như vậy lại bị chết vì stress và môi trường!
Nguyên nhân cái chết của con bò tót lạc loài này dù đã được cơ quan chức năng công bố nhưng không làm dư luận thỏa mãn và cho rằng con bò tót này bị chết oan do các chuyên gia cứu hộ trình độ yếu kém, họ chỉ là “chuyên gia máy lạnh”(?)
Cuộc giải cứu chú bò tót lạc loài bất thành khi nó bị chết trong tột cùng bi kịch. Để có cuộc giải cứu công cốc này, các cơ quan chức năng đã phải chi bao nhiêu tiền? Bao nhiêu nhân sự tại chỗ, tiền đi lại, ăn ở của các chuyên gia cứu hộ; chi phí vô hình nhưng rất hữu hình của hơn mười mấy chuyến bay không thể hạ cánh xuống sân bay Phú Bài, chi phí cho hơn 1.800 hành khách phải chờ đợi ở sân bay... Tính ra xã hội mất tiền tỷ nhưng chú bò tót vẫn phải chết!
Phải thừa nhận một thực tế là trình độ các chuyên gia cứu hộ động vật hoang dã của chúng ta còn hạn chế, nhưng để giải cứu một chú bò tót đã bị nằm gọn trong khuôn viên sân bay Phú Bài lại có kết cục như vậy là quá tệ.
Còn nhớ cách đây không lâu ở Đồng bằng sông Cửu Long, hai con cá tra dầu khủng thuộc dạng động vật quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam được các ngư dân bắt được cũng chết mất, trong khi việc cứu hộ hai con cá này nằm trong tầm tay của các chuyên gia.
Việc bảo vệ động vật hoang dã ở nước ta đã báo động đỏ khi mà nhiều loài động vật quý hiếm thay nhau tuyệt chuyển hoặc đang ở bên bờ vực tuyệt chủng như tê giác Java, hổ Đông Dương, voi... Theo Trung tâm giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV), chỉ tính riêng năm 2010, các cơ quan chức năng đã tịch thu hơn 34 tấn thịt động vật hoang dã. Đó chỉ số bắt được, số không bắt được chắc chắn gấp nhiều lần như thế.
Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã thế giới vừa đưa ra cảnh báo Việt Nam là quốc gia có tình trang bảo vệ động vật hoang dã tệ nhất thế giới, cho thấy số động vật hoang dã ở nước ta nguy cấp như thế nào. Thế nhưng việc cứu hộ động vật hoang dã “kiểu Việt Nam”, cứu con gì chết con đó, lại càng thêm nhức nhối!