Vẫn biết ca bệnh nào cũng có rủi ro, nhất là tai biến sau mổ. Song điều mà dư luận vô cùng bức xúc là một trong những nguyên nhân dẫn đến người bệnh phải trả giá bằng sinh mệnh một cách oan ức lại bắt nguồn từ sự tắc trách, cẩu thả, thậm chí từ thái độ vô cảm của một số thầy thuốc có y đức kém.
Một số bệnh viện - phòng khám đã gây ra nhiều tai tiếng, bức xúc cho
người bệnh và gia đình trong thời gian vừa qua.
Phẫn nộ vì thái độ
Diễn viên điện ảnh Mai Thu Huyền rất bức xúc trước cái chết tức tuởi của cha cô, ông Mai Trung Kiên, tử vong tại Bệnh viện (BV) FV do tai biến chảy máu trong sau khi mổ ruột thừa, nhưng BS lại điều trị bệnh tim: “Tôi không thể chấp nhận được thái độ thờ ơ đến vô cảm của BS Đức Tuấn. Ngoài việc chẩn đoán nhầm bệnh dẫn đến điều trị sai, BN nguy kịch mà vẫn có thái độ như không phải trách nhiệm của mình.
Khi bố tôi đã ngừng tim mà BS Tuấn vẫn nói đang truyền máu và chờ xử lý, trong khi theo BS của BV Tâm Đức, nếu bố tôi được mổ sớm một giờ thì còn cứu được”.
Điểm lại gần 20 vụ tai biến trong 3 tháng gần đây, gia đình nạn nhân đều bức xúc về y đức của y, bác sĩ. Anh Trần Công Minh (TPHCM) - chồng của nạn nhân Ngô Thị Hồng Thu, bất bình: Vợ tôi nằm viện 5 ngày, cả 5 ngày tôi xin mổ nhưng không được chấp nhận, BS vẫn nói là tình trạng vợ sinh thường, sức khỏe tốt. Khi vợ tôi đã tím tái cả người, tính mạng nguy kịch, BS mới thông báo và yêu cầu gia đình phải tự chuyển từ phòng sinh sang phòng mổ.
Họ bắt gia đình tôi phải đóng tiền một lần, có phiếu thu mới cho mổ. Ra phòng nộp tiền... nhưng phải chờ. Lấy được phiếu thu thì vợ con tôi đã cận kề cái chết. Tôi đã van nài rằng vợ tôi đang trong tay BS làm sao tôi dám trốn, không nộp tiền mổ... mà phải chờ có được cái biên lai mới mổ. Vợ con tôi chết, BS vẫn khăng khăng: “Đã làm hết trách nhiệm, làm đúng quy trình”.
Thậm chí trường hợp BN Trần Thị Hưởng (Phú Yên), khi nhập viện, gia đình đã thông báo tiền sử: Đã mổ lần đầu và xin mổ, nhưng không được BS chỉ định mổ. Khi BN tử vong, BV liền “đổ” cho nguyên nhân là thuyên tắc ối, bệnh hiếm gặp nhưng khó cứu chữa.
Khi đoàn ĐBQH kiểm tra hồ sơ bệnh án mới phát hiện việc sửa bệnh án, chưa có kết luận nguyên nhân tử vong, nhưng hồ sơ bệnh án đã ghi nguyên nhân tử vong do thuyên tắc ối. Gia đình BN cho rằng BV đã dùng “thủ thuật” để chối bỏ trách nhiệm là điều không thể tha thứ được.
"Trước khi thực hiện ca phẫu thuật, bao giờ BS phẫu thuật, gây mê, y tá đều tiếp xúc với BN, vừa nắm bắt được tâm lý người bệnh, vừa động viên họ, vì cả sinh mệnh người bệnh đều trao vào tay những người phẫu thuật. Còn bây giờ, tiến hành một ca mổ cứ như thực hiện quy trình sản xuất công nghiệp". Cố GS Tôn Thất Bách - nguyên ĐBQH, Giám đốc BV Việt-Đức
Sai sót hay cẩu thả?
Trong ngành y tế, sai sót và tai biến y khoa luôn thường trực xảy ra mọi nơi, mọi lúc, mọi tình huống... Đây là một trong những nguyên nhân khiến thương tổn nặng thêm, gây tử vong cho người bệnh. Đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm, đóng cửa bảo nhau khi có sự cố... đang được phần lớn các BV áp dụng. BS cũng có thể phạm sai sót, tuy nhiên, nhiều vụ việc xảy ra gần đây cho thấy, có nhiều sai sót không thể chấp nhận được.
Điển hình nhất là vụ chết người tại phòng khám Maria, thai nhi tử vong và sản phụ nguy kịch tại BV Đa khoa Quảng Ngãi rồi hàng loạt sản phụ tử vong tại Cà Mau, TPHCM... cho thấy, nguyên nhân gây tử vong là do các BS tắc trách.
Cụ thể, vụ việc gây bức xúc trong dư luận gần đây tại BV Đa khoa Quảng Ngãi khi hàng chục người dân vây quanh khoa Sản để phản ứng việc các BS của BV thiếu trách nhiệm, gây ra cái chết của thai nhi và làm sản phụ Trần Thị Vân Anh (SN 1983, trú phường Lê Hồng Phong, TP.Quảng Ngãi) nguy kịch.
Trước đó, ngày 20.6, sản phụ trở dạ và được đưa vào khoa Sản của BV nhưng sau nhiều giờ nhập viện không thấy BS nào đến khám. Đến sáng 21/6, do tình trạng sức khỏe sản phụ yếu dần nên phía BV cho sinh mổ lấy con. Ca mổ thực hiện lúc 9 giờ và sau đó thai nhi đã tử vong, riêng sản phụ rơi vào tình trạng nguy kịch.
BS Huỳnh Ngọc Thanh, Trưởng khoa Sản của BV, thừa nhận các BS trực đã không làm các xét nghiệm lâm sàng, khám tổng quát theo quy định. Riêng thai nhi tử vong là do sản phụ vỡ ối, thai nhi nuốt ối, dịch tràn phổi, ngộp thở gây tử vong.
Mới đây, tại BV Sản - Nhi Cà Mau, người nhà của sản phụ Dương Kim Chung đã kéo đến đập phá gây áp lực đối với BV vì nghi BS tắc trách. Sự việc bắt đầu từ cái chết của sản phụ Chung tại BV Đa khoa trung ương Cần Thơ. Người nhà của sản phụ nghi vấn cái chết của chị là do phía BV Sản - Nhi Cà Mau tắc trách nên sau khi chôn cất chị Chung, gia đình đã kéo đến BV Sản - Nhi Cà Mau để đòi bồi thường.
Trước đó, ngày 10/7, sản phụ này đã được các BS BV Sản - Nhi Cà Mau mổ bắt con. Nằm hậu phẫu khoảng một tuần thì phát hiện sản phụ bị thắt ruột, đề nghị chuyển sang BV Đa khoa tỉnh Cà Mau nhưng gia đình không đồng ý và ngày 16/7 chuyển lên BV Đa khoa trung ương Cần Thơ. Tại đây, sản phụ được phẫu thuật và nằm hậu phẫu thêm 12 ngày thì tử vong.
Tương tự, hàng loạt các vụ sai sót y khoa do BS khiến dư luận bức xúc như: Vụ nạn nhân Phạm Phú Chung - 19 tuổi ở Đà Nẵng - bị tử vong do BS tắc trách; vụ em Nguyễn Thị Bích Hiền - 19 tuổi, ở tổ 1, thôn An Hòa, xã Tam An, huyện Phú Ninh - cũng bị tử vong do BS BV Đa khoa Quảng Nam chẩn đoán sai bệnh... Các trường hợp sai sót trên đều để lại hậu quả nặng nề, tuy nhiên, chưa thấy BV nào “dũng cảm” đứng ra nhận trách nhiệm.
Không công bằng với người bệnh
Nhiều BV cho rằng, sai sót y khoa là do áp lực BV quá tải
Theo các BS, một nguyên nhân dẫn đến các sai sót y khoa còn do... quá tải. Dù đã có quy chế về biên bản phẫu thuật, nhưng một BS có thể phải mổ liên tiếp rất nhiều ca, nên không đủ thời gian hoàn tất các thủ tục, dễ quên.
Đó cũng có thể được coi là sai sót do cẩu thả, nhưng trên hết là thiếu tính kỷ luật, làm sai quy định của ngành. PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, BV ĐH Y - Dược TPHCM, cho biết: “Những sai sót y khoa thường xảy ra khi mọi người đã mỏi mệt vì quá tải... Trong khi đó, quy chế kiểm tra trước và sau mổ không được thực hiện nghiêm túc”.
Để giải quyết hậu quả, tại VN, ở tất cả các BV đều có những cuộc họp giao ban để rút kinh nghiệm trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Những sai sót có thể được mổ xẻ để rút... kinh nghiệm, nhưng tất cả chỉ là xử lý nội bộ. Theo TS Bùi Mạnh Hà, BV cấp cứu Trưng Vương, việc xử lý sai sót chuyên môn phụ thuộc vào việc người nhà bệnh nhân có kiện hay không. Nếu có kiện, thường mọi chuyện sẽ rơi vào im lặng sau khi BV tự “thương lượng” với nạn nhân.
Một “tắc trách” khác của BS khiến bệnh nhân bị nhiễm khuẩn khi nằm viện có nguyên nhân từ việc gần 40% nhân viên y tế không rửa tay khi chăm sóc người bệnh.