Dạy trẻ tự kỷ-cười ra nước mắt

Thứ sáu, 17/08/2012, 15:15
Có lẽ chỉ những ai trong nghề mới hiểu được những khó khăn, những tình huống khóc cười khi dạy trẻ tự kỷ, công việc “đặc biệt” thời hiện đại, khi số trẻ được phát hiện mắc hội chứng tự kỷ ngày càng nhiều.
Cô giáo ăn, học sinh ngồi bô
 
Ở trung tâm dạy tự kỷ mà cô giáo Nguyễn Lệ Thu (32 tuổi, Hà Nội) từng làm việc, “cô giáo ngồi ăn, học sinh ngồi bô ị” là một “chiến lược” được thực hiện triệt để. Bởi nhiều em không thể tự chủ vệ sinh, đặc biệt những trường hợp tự kỷ nặng.
 
Thời gian đầu, khi mùi bốc lên, các cô - phần lớn chưa chồng con - buồn nôn không nuốt nổi cơm, về sau mới quen dần.
 
Có lần, một nhóm sinh viên khoa Mỹ thuật của Đại học Kiên Trúc Hà Nội đến trung tâm tình nguyện. Các bạn vẽ trăng sao, các con vật, công chúa… bay bổng cổ tích lên các bức tường.
 
“Khi được ngồi vào bàn ăn, đối diện với dãy bô, những khuôn mặt trẻ trung ngơ ngác, mắt mở to, mày nhíu. Chỉ một phút giây, một em đã kịp thò tay xuống bô, bốc phân lên bỏ vào mồm. Tất cả sinh viên hét lên, thả bát cơm xuống, chạy ra ngoài”. Các cô giáo thì điềm tĩnh đi đánh răng, súc miệng, rửa mông cho học sinh, rồi vào ngồi ăn tiếp” - chị Thu nhớ lại.
 
Một lần khác, buổi trưa, “mình không thể hét lên được nữa khi nhìn thấy một em cười ngoác miệng ra, phân đầy tay, mặt, người. Em ấy đã kịp bôi phân khắp người 10 bạn trong lớp, rèm cửa, các vật dụng trong phòng. Bức tranh phong cảnh chim bay, bướm lượn trên tường kịp có một dấu bàn tay nhỏ bé, vàng vàng”.
 
Ngay lập tức, các cô tắm cho cả lớp, em nào sạch rồi được đưa sang phòng bên cạnh, cứ thế cho đến hết. Tiếp theo, các cô lau chùi tất cả nhà, bàn ghế, lấy rèm cửa xuống giặt, mở cửa thông gió. Cuối cùng, các cô đi tắm và thay quần áo. Cuộc tổng vệ sinh kéo dài từ 1 đến 4 giờ chiều, đúng lúc bố mẹ các cháu đến đón. 
 
Một lớp học tự kỉ. 

Đó là những tình huống cười ra nước mắt, vì với những em học sinh bình thường ở trường mầm non, có lẽ không mất quá nhiều thời gian để huấn luyện vệ sinh, nhưng với các em tự kỷ, nhất ở những trường hợp nặng, điều đơn giản ấy cũng trở nên quá khó khăn.
 
Gian nan nghề dạy trẻ tự kỷ
 
Để mắt tới học sinh cả ngày, đề phòng các em không tự chủ được vệ sinh, bốc ăn, bôi bẩn chỉ là một trong điều thường ngày mà giáo viên ở các trung tâm tự kỷ phải đối mặt.
 
“Với nhiều học sinh, những ngày mới “làm quen” với trò là thời gian mình bị ném dép, cắn, đánh. Có lần, mình bị cắn chảy máu, đau phát khóc” - Nguyễn Thị Duyên (Hà Đông, Hà Nội), một giáo viên dạy tự kỷ tại nhà, chia sẻ.
 
Dễ nổi nóng, gây hấn, tự làm tổn thương mình hoặc người khác là cũng là dấu hiệu thường gặp ở nhiều em không may gặp phải hội chứng này. Giáo viên phải thường xuyên “cảnh giác”, can thiệp, bảo vệ các em và cả chính mình.
 
Nhưng thử thách lớn nhất, khiến nhiều giáo viên nản lòng, bỏ nghề có lẽ là khả năng tiếp nhận chậm, lại dễ “về mo” của trẻ . Để hình thành được những kỹ năng như cầm một cái cốc, nhìn vào mắt khi nói chuyện… mất nhiều tháng trời, nhưng chỉ cần một tuần nghỉ học, gia đình không củng cố ở nhà, các em có thể quên sạch, cô giáo phải dạy lại từ đầu.
 
“Nếu không ý thức được điều này để rèn luyện sự kiên trì, giáo viên rất dễ bị áp lực tâm lý. Bù lại, những tiến bộ của trò như biết gọi “cô ơi”, ra đón cô vào dạy, thể hiện tình cảm với cô… khiến giáo viên mừng rơi nước mắt”, cô giáo Nguyễn Thanh Đào (TP Vinh, Nghệ An) nói.
 
Trong khi số trẻ tự kỷ được phát hiện ngày càng gia tăng, số lượng giáo viên theo nghề ngày một nhiều, nhưng hệ thống trường học ở Việt Nam vẫn chưa có “chỗ đứng” cho giáo dục đặc biệt. Trong khi chờ đợi, phụ huynh và giáo viên vẫn phải “tự bơi”, “tự cứu lấy mình”.
 

Theo Kienthuc

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn